QĐND - Sau khi Đà Nẵng thất thủ (29-3-1975), chính quyền Sài Gòn gấp rút tổ chức tuyến phòng thủ mới từ Phan Rang qua Xuân Lộc đến Tây Ninh, ngăn chặn tiến công của ta theo Quốc lộ 1 và Đường 20 đánh vào Biên Hòa, Sài Gòn. Thị xã Xuân Lộc nằm trên ba trục đường giao thông quan trọng là Quốc lộ 1, Đường 20 và Đường 15, cách Sài Gòn 60km về phía đông bắc. Tại đây, địch có Sư đoàn Bộ binh 18, Tiểu đoàn Biệt động quân 82, Thiết đoàn 5 kỵ binh, 9 tiểu đoàn bảo an được chi viện hỏa lực pháo binh, máy bay. Trong quá trình chiến dịch, địch tăng cường Lữ đoàn Dù 1, Trung đoàn Bộ binh 8 (Sư đoàn 5), 1 liên đoàn biệt động quân và 1 trung đoàn thiết giáp.

Để tạo thế, tạo lực giải phóng Sài Gòn-Gia Định, ngày 2-4-1975, Bộ tư lệnh Miền quyết định mở Chiến dịch tiến công giải phóng thị xã Xuân Lộc. Lực lượng tham gia chiến dịch có Quân đoàn 4 (Sư đoàn 7 và Sư đoàn 341), Sư đoàn 6 (Quân khu 7), Lữ đoàn Pháo phòng không 71, hai tiểu đoàn xe tăng, các lữ đoàn: Pháo binh 24, Công binh 25, Thông tin 26, một số tiểu đoàn, đại đội bộ đội địa phương; cuối chiến dịch tăng cường thêm Trung đoàn 95B (Sư đoàn 325) và 1 đại đội xe tăng.

Rạng sáng 9-4-1975, chiến dịch mở màn, ta đồng loạt đột phá Xuân Lộc và Tiểu khu Long Khánh. Sau đó, các đơn vị của ta phối hợp hiệp đồng tác chiến, tiến công các mục tiêu đã xác định. Song, đến hết ngày 11-4-1975, ta vẫn chưa hoàn thành ý định, mục tiêu chiến dịch. Ngày 12-4-1975, Bộ tư lệnh Chiến dịch quyết định thay đổi kế hoạch tác chiến, bao vây cô lập, chia cắt Xuân Lộc và Biên Hòa bằng cách đánh chiếm ngã ba Dầu Giây, cắt Quốc lộ 1, chặn địch từ Trảng Bom lên và đánh chiếm Tân Phong, cắt đường liên tỉnh số 2 đi Bà Rịa. Thực hiện kế hoạch trên, rạng sáng 15-4, pháo binh ta bắn phá sân bay Biên Hòa. Sư đoàn 6 và Trung đoàn 95B tập kích vào các vị trí địch, tiêu diệt Chiến đoàn 52, tiểu đoàn pháo binh và chi đoàn thiết giáp, giải phóng chi khu Gia Kiệm, ngã ba Dầu Giây, cắt đứt giao thông Quốc lộ 1 và Đường 20.

Từ ngày 16 đến 17-4-1975, địch điều Lữ đoàn Thiết giáp 3, Chiến đoàn 8, Sư đoàn 5, được pháo binh ở các căn cứ xung quanh và máy bay chi viện hỏa lực, phản kích nhằm chiếm lại Dầu Giây. Sư đoàn 6 và Trung đoàn 95B của ta đánh chặn quyết liệt, diệt gọn 1 tiểu đoàn, bắt hàng trăm tù binh, đẩy địch xuống Bàu Cá. Tại Xuân Lộc, Sư đoàn 7 và Sư đoàn 341 liên tục tiến công, đánh thiệt hại nặng Chiến đoàn 43 và 48, diệt một bộ phận quân dù. Bộ đội địa phương cùng du kích tiêu diệt, bức rút nhiều đồn bốt địch trên các trục đường ven thị xã.

Để cứu nguy Xuân Lộc, địch cho không quân sử dụng bom hiện đại nhất nhưng không cứu vãn được thất bại. Mất Dầu Giây và nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn, Sư đoàn 18 địch rút chạy theo tỉnh lộ số 2. Bộ tư lệnh Chiến dịch lệnh cho các sư đoàn truy kích và triển khai chốt chặn... Đại đội 41, bộ đội địa phương huyện Châu Đức chặn đánh đội hình rút chạy của Tiểu khu Long Khánh. Ngày 20-4-1975, Chiến dịch Xuân Lộc kết thúc.

Thắng lợi của Chiến dịch Xuân Lộc đã tạo địa bàn cho các quân đoàn và lực lượng vũ trang địa phương tiến công từ hướng đông, đông nam vào Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Tiến sĩ NGUYỄN THÀNH HỮU