QĐND - Sau khi bị ta thực hiện đòn Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ngày 13-5-1968, tại Pa-ri (Pháp), Mỹ đã phải chấp nhận cuộc nói chuyện đầu tiên với ta về cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Mỹ lộ rõ ý đồ là sẽ thương lượng với ta trên thế mạnh, hòng ép Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa chấp nhận những điều kiện của chúng. Tuy nhiên, Đảng và Chính phủ ta đã nhận rõ mưu đồ của đế quốc Mỹ, nên quyết định tiếp tục đánh mạnh ở miền Nam. Vì vậy, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tiếp tục được thực hiện đợt 2 và đợt 3, gây cho Mỹ-ngụy những thiệt hại lớn.

Lâm vào thế bất lợi trên chiến trường, nội bộ thì bị chia rẽ nên ngày 13-11-1968, Bộ Ngoại giao Mỹ phải ra thông báo chấp nhận cuộc họp hai phe: Hoa Kỳ với Việt Nam cộng hòa một bên, Việt Nam dân chủ cộng hòa với bất kỳ ai một bên. Và chúng ta đã chọn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cùng tham dự hội nghị. Sự kiện này đã khiến Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Việt Nam cộng hòa rất tức tối và tuyên bố không cử người dự họp. Tuy nhiên sau đó, Việt Nam cộng hòa vẫn phải cử Nguyễn Cao Kỳ và Phạm Đăng Lâm dẫn đầu phái đoàn đến Pa-ri dự họp. Ngày 25-1-1969, phiên họp đầu tiên của Hội nghị Pa-ri chính thức được khai mạc. Trên chiến trường, ta tiếp tục mở các chiến dịch đánh mạnh vào lực lượng viễn chinh Mỹ, để tạo thế cho việc đàm phán trên bàn hội nghị với mục tiêu buộc quân Mỹ phải rút hết lực lượng khỏi miền Nam Việt Nam.

Trong giai đoạn từ năm 1969 đến hết năm 1971, ta tiếp tục thắt chặt tình đoàn kết chiến đấu với Lào và Cam-pu-chia, tạo ra sự liên minh chặt chẽ trên bán đảo Đông Dương. Hội nghị cấp cao nhân dân Đông Dương họp cuối tháng 4-1970 đã thống nhất nhiều chủ trương lớn về liên minh chiến đấu giữa ba nước chống kẻ thù chung. Từ sự kiện này đã tạo thời cơ và sức mạnh cho quân và dân ba nước chiến đấu trên chiến trường. Trong năm 1970 và 1971, quân và dân ba nước đã lần lượt giải phóng những vùng rộng lớn. Đến giữa năm 1970, ở Cam-pu-chia đã giải phóng được 61/102 quận, hơn 4,5 triệu dân được giải phóng; đến tháng 4-1971, lực lượng cách mạng Cam-pu-chia đã áp sát thủ đô Phnôm Pênh. Trên chiến trường Lào, bộ đội Việt Nam đã sát cánh cùng bộ đội Pa-thét Lào mở Chiến dịch Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng và đã giành thắng lợi lớn. Ngay sau đó, quân và dân hai nước tiếp tục giải phóng khu vực A-tô-pơ và Xa-ra-van.

Để cứu vãn tình thế, tháng 2-1971, Mỹ-ngụy mở cuộc hành quân “Lam Sơn 719” với 4,5 vạn quân tham gia. Cuộc hành quân của địch nhằm vào hai mục tiêu là: Phá hành lang chiến lược của ta, hòng bóp nghẹt sự chi viện cho chiến trường miền Nam; mặt khác cũng là nhằm thử nghiệm công thức chiến tranh mới của Ních-xơn, đó là “bộ binh ngụy + hỏa lực Mỹ”-một sự khởi đầu cho chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ. Tuy nhiên, cuộc hành quân này của địch đã bị quân và dân hai nước Việt Nam-Lào đánh cho tơi tả. Sau 43 ngày chiến đấu, quân và dân Việt-Lào đã tiêu diệt và bắt sống 23.000 tên địch, phá hủy và bắn rơi 500 máy bay…, bẻ gãy hoàn toàn cuộc hành quân của địch.

Thất bại nặng nề trên chiến trường khiến Mỹ bị phá sản hoàn toàn ý đồ “thương lượng trên thế mạnh” tại hội nghị Pa-ri.

 

TRẦN KIM HÀ