QĐND - Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm xác định kẻ thù mới của dân tộc là đế quốc Mỹ, với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới. Phân tích, đánh giá đúng tình hình, so sánh thực lực, tương quan lực lượng, Đảng ta đi đến kết luận: Mặc dù địch có lắm súng, nhiều tiền, có tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh hơn ta gấp nhiều lần, nhưng trong cuộc đọ sức này, ta nhất định thắng, địch nhất định thua. Đảng ta cũng chỉ rõ, sức mạnh của ta bắt nguồn từ sức mạnh của ý chí quyết tâm thống nhất Tổ quốc, của chính nghĩa và chân lý thời đại, của thế chiến lược tiến công, truyền thống dân tộc quật cường, bất khuất. Và bao trùm trên hết là sức mạnh niềm tin vào chiến thắng của nhân dân, niềm tin vào sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Bác Hồ kính yêu.

Thanh niên huyện Phú Xuyên (Hà Tây) tạm biệt quê hương lên đường đi chiến đấu, năm 1966. Ảnh tư liệu

Trong khó khăn, thử thách, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biết khơi dậy và phát huy mọi nhân tố làm nên sức mạnh, kết hợp chặt chẽ các nhân tố đó, làm cho sức mạnh được nhân lên gấp bội. Đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, sáng tạo của Đảng là những nhân tố quyết định trực tiếp thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975.

Ý chí thống nhất Tổ quốc và khát vọng hòa bình cháy bỏng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã được phát huy cao độ. Quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ, thống nhất Tổ quốc của quân và dân ta dựa chắc trên cơ sở bám sát thời cuộc, phân tích, đánh giá đúng tình hình, nhìn nhận rõ tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch; kịp thời bổ sung, điều chỉnh chiến lược, sách lược, ra quyết định chính xác. Bình tĩnh và tự tin, chúng ta đã xem xét kỹ lưỡng tất cả các yếu tố chính trị và quân sự, kinh tế và văn hóa-xã hội, vật chất và tinh thần, số lượng và chất lượng; thế, lực và thời cơ; điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan; tình hình trong nước ở cả hai miền Nam, Bắc; tình hình Đông Dương và thế giới... Trên cơ sở đó, Đảng đã đề ra những quyết sách đúng đắn, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của hai miền: Vừa tập trung xây dựng miền Bắc XHCN, vừa đẩy mạnh đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Miền Bắc không chỉ là hậu phương lớn của miền Nam, mà còn là căn cứ địa cách mạng vững chắc của cả nước, là nguồn sức mạnh của cuộc kháng chiến, là niềm tin và hy vọng của nhân dân miền Nam. Cả nước hướng về miền Nam, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”.

Sau Hiệp định Pa-ri được ký kết (27-1-1973), tình thế chiến trường ngày càng bất lợi cho quân đội ngụy quyền Sài Gòn. Từ cuối năm 1973, đầu năm 1974, những thắng lợi liên tiếp trên chiến trường miền Nam cho thấy quân đội ngụy quyền Sài Gòn suy yếu rõ rệt. Thời cơ giải phóng miền Nam xuất hiện. Với tài thao lược, mưu trí, sáng tạo và chủ trương không để cho đối phương kịp toan tính, xoay chuyển tình hình, Đảng ta đã có những nhận định sắc sảo, những kết luận, quyết định chính xác và chỉ rõ: Đây là thời cơ thuận lợi nhất để nhân dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc và giúp Lào, Cam-pu-chia hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nếu để chậm hơn thì tình hình sẽ rất phức tạp…

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, đặc biệt là sự hối thúc mãnh liệt sớm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, quân và dân ta đã tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa giải phóng miền Nam. Đầu tháng 10-1974, Đảng ta xác định quyết tâm chiến lược: Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân để mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy đánh chiếm Sài Gòn, đánh đổ ngụy quyền, giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đảng kêu gọi quân và dân ta phải tiến hành mau lẹ mọi công việc, chuẩn bị thật khẩn trương để giải phóng miền Nam trong hai năm 1975- 1976. Cùng với quyết định trên, Đảng ta quyết định lấy chiến trường Tây Nguyên làm hướng tiến công chủ yếu trong năm 1975. Với ý chí, quyết tâm sắt đá phải giải phóng miền Nam và chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy chắc thắng, ngay sau Hiệp định Pa-ri, Đảng ta đã lãnh đạo động viên tổng lực thanh niên miền Bắc, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên, kỹ sư, công nhân... nhập ngũ, kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam.

Sau khi quân và dân ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long, Đảng ta dự kiến: “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975, thì lập tức giải phóng miền Nam năm 1975”(1). Thừa thắng xốc tới, quân và dân ta đã giải phóng Tây Nguyên. Ngày 27-3-1975, Bộ Chính trị họp phiên đặc biệt và nhận định: Với Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi, cuộc tổng tiến công chiến lược của ta đã bắt đầu. Thời cơ chiến lược đã tới, cần “hành động táo bạo, bất ngờ, làm cho địch không kịp dự kiến, không kịp trở tay, hoàn thành giải phóng miền Nam càng sớm càng tốt”(2). Trên đà chiến thắng và sự phát triển như vũ bão “một ngày bằng 20 năm” của cách mạng miền Nam, ngày 1-4-1975, Bộ Chính trị chỉ thị: “Nắm vững hơn nữa thời cơ chiến lược, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, có quyết tâm lớn thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4, không thể để chậm”(3). Căn cứ sự phát triển mau lẹ và chiến thắng giòn giã của ta trên chiến trường, Bộ Chính trị lại bổ sung quyết tâm chiến lược: “Giải phóng miền Nam trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4-1975 trước mùa mưa, không thể để chậm”(4).

Niềm tin chiến thắng và ý chí thống nhất Tổ quốc luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, thấm nhuần sâu sắc trong từng chủ trương, đường lối, quyết định, từng chiến lược, sách lược và kế hoạch đánh Mỹ, thắng Mỹ của Đảng và nhân dân ta, trong đó, Đại thắng mùa Xuân 1975 là mốc son chói lọi minh chứng hùng hồn cho ý chí quyết tâm thống nhất Tổ quốc không gì lay chuyển nổi của toàn dân tộc Việt Nam khi phải đương đầu với tên đế quốc đầu sỏ. Đó cũng là thể hiện rõ nhất quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Quân và dân ta một lòng một dạ đi theo cách mạng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và thắng lợi của cách mạng, là một trong những điều căn cốt nhất giúp nhân dân ta vững tin, bền chí vượt qua mọi gian khổ hy sinh, thực hiện quyết tâm thống nhất Tổ quốc. Đó cũng là bí quyết thành công, là sự trả lời đanh thép, vì sao một đất nước không rộng, người không đông, kinh tế, khoa học, quân sự còn lạc hậu, thiếu thốn, nhưng đã đánh thắng kẻ thù với tiềm lực mạnh nhất thế giới.

Đại thắng mùa Xuân 1975 là sự hội tụ sức mạnh của dân tộc và sự kết tinh của các phẩm chất, nhân cách con người Việt Nam, tỏa sáng giá trị nhân văn thời đại Hồ Chí Minh, là một trong những thiên anh hùng ca vĩ đại nhất trong lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

NGUYỄN BÁ DƯƠNG, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng  

(1). Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), ST, H, 1991, tập II, tr.185.

(2). Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975 (những sự kiện quân sự), H, (?) tr. 312.

(3),(4). Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thắng lợi và bài học. Nxb CTQG, Hà Nội 1995, tr. 93.