QĐND - Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã xuất hiện nhiều phong trào thi đua, nhiều điển hình tiên tiến, trong đó tiêu biểu hơn cả là các điển hình: “Sóng Duyên Hải”, “Gió Đại Phong”, “Trống Bắc Lý”, “Cờ Ba nhất”.
“Sóng Duyên Hải”
Đầu năm 1960, hưởng ứng "Thi đua ái quốc", phong trào phát huy sáng kiến, tăng năng suất lao động của Nhà máy Cơ khí Duyên Hải, Hải Phòng (nay là Công ty TNHH Nhà nước MTV Cơ khí Duyên Hải) được phát động mạnh mẽ và nhận được sự hưởng ứng sâu rộng của toàn thể cán bộ, công nhân. Trong hai tháng, 237 chỉ tiêu định mức lao động, kỹ thuật bị phá. Năng suất lao động vượt từ 50 đến 610%, trình độ năng lực của cán bộ quản lý, kỹ thuật được tăng cường, trình độ tay nghề của công nhân được nâng cao. Duyên Hải ngày ấy sôi động một cao trào thi đua chưa từng có, thực sự tạo nên một khí thế cách mạng, đưa Duyên Hải trở thành lá cờ đầu của ngành công nghiệp miền Bắc.
Suốt 10 năm (1965-1975) chiến tranh ác liệt, cán bộ, công nhân Nhà máy Cơ khí Duyên Hải đã vượt lên bao khó khăn, gian khổ, thiếu thốn, hy sinh, lao động quên mình, góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng của dân tộc.
“Trống Bắc Lý”
Trường THCS Bắc Lý được thành lập năm 1953 và chỉ vài năm sau đó đã trở thành nơi khởi nguồn của phong trào thi đua "Hai tốt". Cuối năm 1960, dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ III, thầy trò trường Bắc Lý đã vận dụng sáng tạo mục đích, nguyên lý, phương châm giáo dục của Đảng vào thực tiễn nhà trường: Gắn học với hành, kết hợp giáo dục với lao động sản xuất, tổ chức nhiều phong trào thi đua xây dựng trường sở "biến không thành có”, "biến thiếu thành đủ”, phong trào rèn luyện tư tưởng, đạo đức, tác phong, phong trào giữ gìn vệ sinh và rèn luyện thân thể, dần dần đi sâu vào phong trào "Dạy thật tốt và học thật tốt”.
Tháng 7-1961, Bác Hồ đã biểu dương thành tích vẻ vang của ngành giáo dục và gợi ý các trường nên phát động phong trào thi đua "Hai tốt”. Ngày 18-10-1961, Bộ Giáo dục và Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức hội nghị phát động thi đua "Hai tốt” tại Phủ Lý - Hà Nam. Hội nghị nhất trí công nhận Bắc Lý là lá cờ đầu của toàn ngành và thông qua cuộc phát động thi đua "Hai tốt” với khẩu hiệu là: "Tích cực thi đua dạy thật tốt, học thật tốt, đuổi kịp và vượt Bắc Lý”.
Sau ngày đất nước thống nhất, "tiếng trống" Bắc Lý vẫn tiếp tục vang xa.
“Gió Đại Phong”
Trong phong trào thi đua yêu nước ở miền Bắc những năm 1961-1965, “Gió Đại Phong” là một trong những điển hình tiên tiến trên mặt trận nông nghiệp, có sức lan tỏa, động viên các tầng lớp nhân dân phát huy tinh thần hăng say lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương lớn cho tiền tuyến miền Nam. Để có được một phong trào rộng lớn trong những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước là biết bao sức lực, tâm huyết của cán bộ, đảng viên và nhân dân thôn Đại Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình lúc ấy, đã tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước; nhanh nhạy trước cái mới, đấu tranh để khẳng định và xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mẫu thôn Đại Phong
Bằng những kinh nghiệm của mình, Đại Phong đã vươn lên trở thành lá cờ đầu trong phong trào xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, đi vào lịch sử như một “hiện tượng” trong nông nghiệp, thổi bùng lên một luồng gió mới trong lao động sản xuất ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Phong trào thi đua “Học tập tiến kịp và vượt hợp tác xã Đại Phong” với 3 mục tiêu: Mở rộng diện tích và tăng năng suất; phát triển các ngành, nghề; tăng số ngày công lao động hằng năm đã được phát động trên toàn miền Bắc. "Gió Đại Phong" trở thành một biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trên mặt trận lao động sản xuất của tập thể nhân dân lao động miền Bắc, có tiếng vang không những trong nước mà còn đối với bạn bè quốc tế.
“Cờ Ba nhất”
Đầu năm 1960, tại Hội nghị Bắn toàn quân lần thứ hai, Trung đoàn Pháo binh 68 (Sư đoàn 304) được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tuyên dương tại buổi lễ là đơn vị có ba nhất, là: “Giỏi nhất, nhiều nhất, đều nhất” trong phong trào thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị.
Ngay sau đó, phong trào thi đua “Ba nhất” đã được các đơn vị trong toàn quân, trước hết là các đơn vị pháo binh quan tâm theo dõi, học tập. “Ba nhất” được nêu lên như một khẩu hiệu hành động có sức hấp dẫn mạnh mẽ, cổ vũ mọi người trong đơn vị hăng say thi đua sáng tạo lập thành tích xuất sắc. Trong quân đội, phong trào thi đua “Ba nhất” là một hình tượng thi đua vừa cụ thể, vừa sinh động, lấy huấn luyện chiến đấu, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu làm trung tâm, lấy việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị mình làm mục tiêu thi đua cụ thể. Tại Đại hội của Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quân năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương các phong trào thi đua và khẳng định vào niềm tin tất thắng của sự nghiệp cách mạng. Người nói: “Công nhân phất cao ngọn cờ “Duyên Hải”. Nông dân phất cao ngọn cờ “Đại Phong”. Quân đội anh hùng phất cao ngọn cờ “Ba nhất”. Công-nông-binh đại thi đua, đại đoàn kết, chủ nghĩa xã hội nhất định đại thành công, Bắc-Nam nhất định sẽ thống nhất, non sông một nhà”.
PHÚ QUÝ (Theo tài liệu của Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam)