QĐND - Chiều muộn ngày 29-3-2015, tôi gặp ông Nguyễn Văn Tiền, nguyên chiến sĩ Đại đội 3 đặc công cơ động thuộc Tiểu đoàn 10 (Lữ đoàn 52, Quân khu 5) tại TP Đà Nẵng. Lần này, ông Tiền cùng một số bạn chiến đấu năm xưa tiếp tục đi tìm nơi an táng 16 đồng đội hy sinh ngày 5-8-1970 trong trận đánh Sân bay Khâm Đức (Phước Sơn, Quảng Nam). Ông Tiền nói: “Giờ này cách đây tròn 40 năm, tôi vẫn ở trong nhà tù của địch. Phải 32 ngày sau đó chúng tôi mới phá ngục…”. Rồi ông kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của 40 năm về trước.

Đêm 22-1-1975, trong thế trận “da báo”, trung đội của ông đã dũng mãnh đánh chiếm và chốt giữ đồn An Sơn của địch ở huyện Nghĩa Hành, mở đường để quân ta tiến về thị xã Quảng Ngãi từ phía Tây. Địch rất cay cú. Ngay hôm sau, chúng huy động một lực lượng lớn bộ binh kết hợp với hỏa lực mạnh tổ chức phản kích đánh chiếm lại đồn An Sơn. Trận chiến đấu diễn ra quyết liệt. Do lực lượng giữa ta và địch không cân sức nên Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2 Nguyễn Văn Trịnh quê Hưng Hà (Thái Bình), Trung đội phó thông tin Nguyễn Văn Thừa quê Ninh Bình và nhiều đồng chí khác lần lượt hy sinh. Ông Tiền bị vùi sâu dưới một chiếc hầm bị sập...

Ông Tiền (thứ hai, từ phải sang) kể chuyện bị địch bắt làm tù binh và tham gia phá trại giam Cần Thơ ngày 30-4-1975.

Địch chiếm lại được đồn và tìm thấy ông Tiền. Bị chúng bắt, ông Tiền nghĩ: "Rất có thể bọn địch sẽ dụ dỗ mình để moi tin tức. Mình nhất quyết phải vững vàng, không được mắc mưu của chúng, quyết đấu tranh với chúng đến cùng".

Từ hôm ấy, chàng trai 24 tuổi Nguyễn Văn Tiền trở thành tù binh trong tay địch. Do không moi được tin tức về các vấn đề trọng yếu của đơn vị nên chúng tra tấn ông hết sức dã man, với những trò “Đi chơi tàu thủy” (trói ông nằm ngửa trên ghế dài và giội nước xuống mặt, xuống bụng); “Kéo cờ” (buộc chân ông vào dây thừng kéo lên ngọn cây, rồi lại thả xuống)… Bất lực, chúng đành đưa ông vào trại giam tại TP Cần Thơ ở cùng các chiến sĩ của ta bị giam từ trước đó.

Sau hơn 3 tháng bị địch giam giữ, bỗng sáng 30-4-1975, ông nghe thấy có những tiếng súng nổ lớn trong TP Cần Thơ. Lạ hơn là ở Sân bay Trà Nóc cách nhà giam không xa, chỉ có tiếng máy bay cất cánh với mật độ khá dày mà không thấy có máy bay xuống như mọi khi; đó đây có những cột khói cuộn lên trời… Từ khoảng chiều tối, không hiểu lệnh phát ra từ đâu mà các chiến sĩ bị bắt làm tù binh cứ hò nhau chuẩn bị cho giải phóng trại giam. Khoảng 22 giờ, nhận được lệnh phân công, anh em tù là đặc công nhổ cọc rào, phá các ổ khóa, mở nhà đựng vũ khí mà không gặp phải một sự chống cự nào. Hóa ra bọn lính cai trại đã chuồn đi nơi khác. Anh em tù như chim sổ lồng, lấy vũ khí của địch, sát cánh bên nhau. Ông Tiền khoác khẩu M79, túm một nắm dây đạn sáng choang, cùng anh em sẵn sàng chiến đấu. Các chiến sĩ tù binh là bộ đội thông tin sử dụng điện đài của trại giam liên hệ được với quân ta ở bên ngoài để phối hợp bảo vệ TP Cần Thơ... 

Tháng 4-1976, ông Tiền ra quân, về sinh sống tại quê (xã Phúc Hòa, Tân Yên, Bắc Giang), hưởng chế độ thương binh (mất 33% sức khỏe). Từ đó đến nay, nhờ sự phát triển của công nghệ, ông cùng người đồng đội cũ là Phạm Công Hưởng gắn kết thông tin từ các cựu chiến binh Mỹ trực tiếp tham chiến trận đánh ở Sân bay Khâm Đức ngày 5-8-1970 để tìm kiếm hài cốt đồng đội. Tuy đã qua 5 lần dò tìm nhưng đến nay ông Tiền vẫn chưa xác định được vị trí an táng 16 chiến sĩ ta hy sinh trong trận đánh này. Ông cho biết: “Chúng tôi sẽ kiên trì tổ chức việc tìm kiếm hài cốt các đồng đội cho đến khi có kết quả cuối cùng…”. 

Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG