QĐND - Nằm ngay trong lòng địch nhưng vùng Bảy Hiền, Bàn Cờ, Tân Phú… là những nơi rục rịch nổi dậy giải phóng sớm nhất ở Sài Gòn-Gia Định. Từ đầu tháng 4-1975, các lực lượng cách mạng tại đây đã tìm cách mua vải rồi tổ chức cho người dân may cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam (gọi tắt là cờ giải phóng). Bà Trương Mỹ Lệ, nguyên quyền Bí thư Thành đoàn Sài Gòn-Gia Định, nhớ lại: “Tôi được đưa từ căn cứ về Bàn Cờ làm công tác chuẩn bị khởi nghĩa trong nội thành, từ việc chuẩn bị hậu cần, dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, vật dụng y tế, mua máy thu âm, máy phát, phân công mọi người đi mua vải gửi nhà dân, chuẩn bị máy may, kim chỉ, chờ đến ngày nổ ra chiến dịch là khẩn trương cắt vải may cờ giải phóng”.

Bà Trương Mỹ Lệ kể lại chuyện may cờ giải phóng.

Vì cờ giải phóng có ba màu xanh, đỏ, vàng nên nếu mua cùng một chỗ và cùng thời điểm dễ bị địch phát hiện. Do vậy, các điểm chuẩn bị nổi dậy tổ chức mua vải ở nhiều nơi khác nhau, mỗi gia đình mua một ít và cất giấu cẩn thận. Thông thường cứ một tuần, mỗi gia đình mua một loại vải, và mỗi lần chỉ mua một vài mét. Bà  Lệ cho biết thêm: “Mua vải đã khó nhưng để may được cờ càng khó hơn. Các đơn vị phải sử dụng địa điểm ngụy trang để đánh lừa tai mắt của định. Khi may xong cờ, các đơn vị lấy cờ phân tán ra giấu trong các nhà dân”.

Hồi ấy, căn nhà số 115 đường Bàn Cờ, quận 3 được chọn làm điểm chỉ huy nổi dậy và cũng là một điểm may cờ giải phóng. Lợi thế căn nhà là cửa hàng may mặc nên địch không nghi ngờ. Ông Lê Quang Hùng, chủ căn nhà cho hay: “Ban ngày thì có tốp cảnh sát ngụy nằm trên nóc nhà để canh gác nên gia đình chúng tôi chỉ may cờ vào ban đêm, xen kẽ may quần áo khác. Vì vậy, địch ra vào nhà nhưng không phát hiện được". Bà Phạm Thị Hương, người may cờ giải phóng tại điểm nhà thờ Giáo xứ Nhân Hòa, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú cho biết: Được giáo xứ giúp đỡ, cơ sở của ta mở lớp dạy may cho người nghèo trên tầng hai của nhà thờ; vừa may cờ, vừa quan sát máy bay và hoạt động tuần tra, thám báo của địch ở dưới đất. Mỗi ngày may hơn 50 lá cờ giải phóng, sau đó giao cho bộ phận tiếp nhận đem cất giữ ở những nơi bí mật.

Rạng sáng 30-4-1975, năm cánh quân của ta đồng loạt tổng công kích Sài Gòn-Gia Định. Ở nội đô và ngoại thành, quần chúng nhân dân kết hợp với LLVT tại chỗ tự nổi dậy giành chính quyền. Cờ giải phóng đã tung bay ở một số điểm vùng ven. Tự vệ công nhân nhiều cơ sở đã phối hợp với lực lượng đặc công, biệt động thành đánh chiếm các mục tiêu quan trọng trong thành phố, cùng nhân dân nổi dậy giành chính quyền, phá kìm, gỡ đồn, bốt, chiếm giữ nhiều tòa hành chính. Các đội tự vệ công nhân còn tham gia công tác binh vận, góp phần làm tan rã hàng chục ngàn binh lính, công chức chế độ Sài Gòn. Công nhân, học sinh, sinh viên, trí thức xuống đường vận động nhân dân treo cờ giải phóng, hỗ trợ truy quét vây bắt bọn ác ôn còn lẩn trốn. Đến trưa 30-4-1975, hầu hết nhân dân các quận, huyện đã vùng lên giành chính quyền, mọi nhà trong khu Bảy Hiền, Bàn Cờ, Tân Phú… đã rợp cờ giải phóng tung bay.

Tuy cờ giải phóng may khá nhiều nhưng không đủ treo tất cả các căn nhà, khu phố của Sài Gòn-Gia Định bởi trước đây, chế độ ngụy quyền bắt buộc mỗi gia đình phải vẽ cờ vàng có ba sọc đỏ ở trước cửa nhà. “Trước tình hình đó, chúng tôi huy động lực lượng học sinh, sinh viên tham gia đi xóa, vẽ lại cờ giải phóng ở từng nhà. Đến khu nào cũng được người dân hưởng ứng tích cực. Khí thế của Ngày giải phóng thật hào hùng, khó quên!”-bà Lệ nhớ lại.

Bài và ảnh: HÙNG KHOA