QĐND - Đại tá Nguyễn Ngọc Lân, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu Bộ Tham mưu Miền có nhiều kỷ niệm trong chiến đấu, nhưng kỷ niệm mà ông nhớ mãi, đó là thực hiện nhiệm vụ trinh sát trong Chiến dịch Hồ Chí Minh và làm công tác đón tiếp quan chức, sĩ quan cấp cao của chế độ cũ đến trình diện chính quyền cách mạng sau ngày giải phóng.
Trinh sát trong Chiến dịch Hồ Chí Minh
“Không để bất ngờ về hành động của địch; không để lộ bí mật, quyết tâm chiến đấu của ta; cập nhật nắm chắc động thái, âm mưu, thủ đoạn, lực lượng, trang bị, tư tưởng của địch; phối hợp với trinh sát đơn vị tổ chức dẫn đường theo yêu cầu nhiệm vụ của các quân, binh chủng…”. Đó là nhiệm vụ mà Bộ tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh đặt ra đối với Đại tá Nguyễn Ngọc Lân, Trưởng ban Nghiên cứu Bộ Tham mưu Miền thực hiện nhiệm vụ trinh sát trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.
 |
Đại tá Nguyễn Ngọc Lân giới thiệu bức ảnh chụp kỷ niệm trong thời gian là chiến sĩ trinh sát ở Khu 5.
|
Những ngày tháng 4-1975, chiến trường miền Đông Nam Bộ hết sức sôi động. Ông Lân nhớ lại: “Khi được biết chiến dịch cuối cùng giải phóng miền Nam mang tên Bác Hồ kính yêu, chúng tôi rất xúc động. Ai cũng thầm hứa quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ cao nhất”. Thực hiện nhiệm vụ trinh sát, ông chủ động tổ chức lập hồ sơ, bản đồ xác định vị trí mục tiêu gửi các quân, binh chủng. Để nắm chắc địch, không để bị bất ngờ về địch, ông Lân đặc biệt yêu cầu trinh sát kỹ thuật phải cảnh giác tin nghi binh của địch, đi sâu nắm đội hình bố trí lực lượng tổng trù bị của địch từ cấp tiểu đoàn trở lên; các cụm điệp báo cần cẩn trọng xác định rõ nguồn gốc tin; bộ đội trinh sát tập trung chuẩn bị chiến trường, mục tiêu, chốt quan trọng, hệ thống giao thông. Bên cạnh mạng lưới quân báo trinh sát đã bố trí trước đó, lực lượng quân báo trinh sát Bộ Tham mưu Miền còn chia thành các tổ, nhóm theo các hướng có nhiệm vụ dẫn đường cho các đơn vị, đồng thời tổ chức các mũi luồn sâu vào nội ô Sài Gòn. Mọi người đều háo hức, hồi hộp chờ đợi chiến dịch, nhưng cũng đan xen lo âu vì giáp mặt kẻ địch nơi đầu não sẽ có nhiều thách thức. Tiến vào sào huyệt của địch, các tổ trinh sát phải vòng tránh qua nhiều đồn, bốt, ổ đề kháng. Nhiều trinh sát viên vừa thực hiện nghiệp vụ, vừa phát động quần chúng nổi dậy, phối hợp với lực lượng tại chỗ đánh chiếm các mục tiêu. Ông Lân cho biết: “Mỗi ngày, tôi xử lý hơn 100 tin tức. Đặc biệt, khoảng 3 giờ chiều 29-4-1975, tại Sở chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi tổng hợp báo cáo Bộ tư lệnh Chiến dịch bức điện quan trọng của chính quyền Sài Gòn gửi các đơn vị Quân lực Việt Nam Cộng hòa, gồm các nội dung sau: “Từ ngày 29-4-1975 đến 9 giờ sáng 30-4-1975 phải bảo đảm thông tin liên lạc tại Sài Gòn, các con đường từ Sài Gòn đi tỉnh Long An, miền Tây và từ Sài Gòn đi Vũng Tàu ra biển phải giữ được thông suốt, binh lính trong nội ô Sài Gòn phải thường trực ở doanh trại giữ nghiêm kỷ luật, không được để xảy ra cướp bóc, phá hoại trên đường phố...”. Ông Lân nhớ lại: “Báo cáo tin tức với Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền, Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Chiến dịch Hồ Chí Minh. Thủ trưởng có chất vấn tôi. Tôi đề xuất dự kiến về địch, đang cố tìm một giải pháp chính trị, có thể sẽ dẫn đến một tuyên bố chính trị; địch sẽ có một cuộc di tản lớn”. Cùng với các nguồn tin khác, Bộ tư lệnh Chiến dịch nhận định đánh giá sát tình hình địch trong thời điểm lịch sử hết sức quan trọng, góp phần để quân dân ta xốc tới giành toàn thắng.
Thăm gia đình tướng Nguyễn Hữu Có
Sau ngày giải phóng, đơn vị ông Lân tiếp quản TP Sài Gòn. Ông được giao nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ công tác tiếp các quan chức, sĩ quan cấp cao chế độ cũ đến trình diện chính quyền cách mạng. Ông Lân kể: “Bấy giờ nhận nhiệm vụ, tôi rất lo lắng, bởi đây là nhiệm vụ nhiều khó khăn. Tôi tự nhủ lòng mình: “Chiến đấu gian khổ, biết bao đồng đội đã hy sinh mới giành được thắng lợi. Mặc dù chế độ cũ đã sụp đổ, nhưng quan chức, sĩ quan chế độ Sài Gòn còn nhiều, nếu mình không làm tốt sẽ gây tình hình phức tạp”. Nghĩ thế, ông Lân cẩn thận lục giở hồ sơ của Quân lực Việt Nam Cộng hòa để rà soát tìm hiểu lai lịch, quá trình tham gia chế độ cũ của quan chức, sĩ quan. Ông chủ động xây dựng kế hoạch đón tiếp cụ thể, có bảng câu hỏi chi tiết. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông luôn yêu cầu cán bộ trong Tổ công tác giữ đúng tác phong quân nhân; không được nhận bất cứ một món quà, vật chất gì mà quan chức, sĩ quan chế độ cũ cho, tặng. Để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ, ông còn chủ động tìm những người có mối quan hệ với quan chức, sĩ quan chế độ cũ để tham gia vào Tổ công tác. Các cuộc tiếp đón, ông không tổ chức theo dạng hỏi cung mà tổ chức như buổi trò chuyện, trao đổi. Lúc đầu các quan chức chế độ cũ còn rụt rè dò hỏi về chế độ chính sách khoan hồng của cách mạng, rồi sau đó họ thực sự ngạc nhiên về sự đối xử tốt của cách mạng, khác hẳn với sự mặc cảm, lo sợ đối phương trả thù như suy nghĩ của không ít binh lính chế độ cũ trước đó.
Ông Lân nhớ lại: “Buổi tiếp chuyện với Trung tướng Nguyễn Hữu Có, từng giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa, ở đường Lê Văn Hưu (quận 1, TP Hồ Chí Minh ngày nay) khá thú vị. Lúc đầu, tướng Có cũng còn rất lo lắng. Vào chuyện, tôi biểu thị sự hoan nghênh tướng Có đã ở lại miền Nam. Tôi cũng nói rõ mục tiêu của cách mạng, là thống nhất đất nước, hòa hợp dân tộc, cũng như lưu ý những âm mưu của địch tìm cách phá hoại cách mạng sau giải phóng. Tôi còn kể với tướng Có, tôi cũng có người em ruột là Đại úy Nguyễn Ngọc Minh, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Bảo an ngụy, ở Quảng Ngãi cũng phải ra trình diện chính quyền địa phương. Kết thúc buổi trò chuyện, tướng Có nhiệt tình mời tôi đến thăm gia đình”. Mấy ngày sau thăm gia đình tướng Có, ông Lân và Tổ công tác mới biết, ngôi nhà tướng Có là một tiệm sản xuất, sửa chữa xe đạp, ở ngã tư Bảy Hiền (nay thuộc phường 11, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh). Tiếp ông Lân hôm ấy, người thân tướng Có cũng rất e ngại. Ông Lân chủ động trò chuyện, khêu gợi tình thương yêu đoàn kết dân tộc, làm mọi người thêm gần gũi. Cũng từ buổi ấy, tướng Có cũng thường xuyên giữ liên lạc với ông Lân và chính quyền cách mạng ở cơ sở. Tướng Có còn viết một tập sách dài hơn 30 trang kể lại toàn bộ quá trình tham gia chế độ cũ gửi ông Lân. Thời gian sau, tướng Có tham gia nhiều hoạt động công tác xã hội tại địa phương.
Thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác, ông Lân còn chủ động gửi thư mời đến nhiều gia đình sĩ quan, binh lính chế độ cũ. Những quan chức, sĩ quan chế độ cũ không đến trình diện chính quyền, ông tổ chức Tổ công tác đến tận nhà để vận động. Trong vận động, bên cạnh phổ biến chủ trương, chính sách của cách mạng, Tổ công tác còn chú ý vận động sĩ quan, binh lính chế độ cũ không bỏ trốn lên rừng, vượt biên ra nước ngoài, cùng với chính quyền cách mạng giữ vững an ninh trật tự. Trong 3 tháng, Tổ công tác của ông đã tiếp 5 tướng, 7 đại tá, nhiều quan chức, sĩ quan cấp cao chế độ cũ. Đó cũng là một trong những biện pháp mà Quân đội ta thực hiện tốt nhiệm vụ quân quản sau ngày giải phóng, giữ vững an ninh trật tự, thu hồi, quản lý tốt vũ khí trang bị của địch, đưa sản xuất, cuộc sống của nhân dân nhanh chóng trở lại bình thường, làm sáng đẹp phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.
Quê quán ở TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), cũng như nhiều thanh niên yêu nước khác, tháng 5-1946 khi mới 16 tuổi, người thanh niên Nguyễn Ngọc Lân đã tình nguyện nhập ngũ vào Chi đội 1 thuộc LLVT tỉnh Quảng Nam. Trưởng thành từ chiến sĩ trinh sát, Nguyễn Ngọc Lân đã chiến đấu trên khắp các chiến trường suốt hai cuộc kháng chiến. Từ năm 1968-1975, là Trưởng ban Nghiên cứu kiêm Phó trưởng phòng Quân báo Bộ Tham mưu Miền, ông luôn nắm vững ý định cấp trên phát huy tốt vai trò các lực lượng quân báo trinh sát, nắm vững kế hoạch hoạt động âm mưu thủ đoạn, lực lượng của địch từ cấp đại đội trở lên, góp phần giúp cấp trên lãnh đạo kháng chiến giành thắng lợi. Năm 1992 rời quân ngũ, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Ngọc Lân vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ do đoàn thể giao. Mới đây, ông được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc; Ban Dân vận Trung ương tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp công tác dân vận. Gia đình CCB Nguyễn Ngọc Lân hiện ở phường 8 (quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh), mặc dù đã 87 tuổi nhưng trí nhớ của ông còn rất minh mẫn. Tâm sự với mọi người khi chúng tôi đến thăm ông tại nhà riêng, ông vui vẻ nói: “Được tham gia kháng chiến từ ngày đầu đến Ngày toàn thắng, là niềm vinh dự lớn đối với tôi”.
Bài và ảnh: NGUYỄN DUY HIỂN