QĐND Online - Những phóng viên chiến trường: Đoàn Công Tính, Chu Chí Thành, Mai Nam và Hứa Kiểm đã có dịp hội tụ trong triển lãm ảnh “Phóng viên chiến trường” vừa diễn ra tại Hà Nội. Họ đều trải qua và đã ghi lại những năm tháng kháng chiến chống Mỹ hào hùng của dân tộc bằng những bức ảnh lịch sử chân thực. Giờ đây, khi chiến tranh đã lùi xa, nhưng những kỷ niệm về chiến trường vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của những con người ấy.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính: “Niềm lạc quan là sức mạnh của người chiến sĩ”
Tôi trở thành phóng viên chiến trường của Báo Quân đội nhân dân khi mới 25 tuổi. Tuổi trẻ đã mang lại cho tôi một tinh thần lạc quan và ý chí kiên cường với những góc nhìn khác về chiến tranh, đó là trong đau khổ có hạnh phúc, trong khó khăn có niềm vui. Niềm lạc quan hiện diện trong hầu hết các tác phẩm của tôi. Từ anh lính nhận thư nhà, những cô thanh niên xung phong tới cảnh người dân Sài Gòn vây lấy đoàn xe quân giải phóng. Lúc bấm máy, tôi luôn tìm kiếm sự lạc quan, điển hình là bức “Nụ cười chiến thắng bên Thành Cổ Quảng Trị”, một nụ cười giữa những ngày đêm máu lửa.
 |
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính |
Với tôi, máy ảnh chính là “vũ khí”, khoảnh khắc bấm máy như những làn “đại bác”. Ngày ấy, trên vai tôi luôn đeo một khẩu súng AK 47, hai máy ảnh và một ba lô đầy phim với một trái tim đầy nhiệt huyết. Tôi đã sững sờ khi thấy sự tương phản giữa các hố bom đen ngòm và những tờ truyền đơn trắng ngập bàn chân những chiến sĩ đã hi sinh. Khi ấy, tôi mới thấy rõ sức mạnh của hình ảnh.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành: “Tình người, tình đồng đội thiêng liêng”
Cuộc đời hơn bốn mươi năm hoạt động nhiếp ảnh của tôi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ, nhưng điều lắng đọng, để lại ấn tượng sâu đậm nhất với tôi là thời kỳ cuối thập niên 60, đầu thập niên 70 của thế kỷ trước. Với hai chiếc máy ảnh trong tay và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao: Ghi hình những thời khắc không thể nào quên thời chiến tranh chống Mỹ của quân và dân ta.
 |
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành |
Có lúc tôi phải chạy bộ tới 5-6 cây số trong tiếng đạn nổ để kịp chụp được những hình ảnh sôi động của chiến tranh. Đó là cảnh làng mạc bị đốt cháy, nhà cửa bị đổ sập, người dân bị bom Mỹ sát hại, đồng bào đang khắc phục hậu quả chiến tranh…Hồi ấy, mỗi khi còi báo động rú lên, mọi người chạy xuống hầm trú ẩn thì những người phóng viên chiến trường như chúng tôi leo lên tầng thượng đón chụp cảnh máy bay Mỹ bỏ bom hay bị lưới lửa phòng không của ta bắn rơi. Cái giá của chiến tranh để lập lại hòa bình thật khủng khiếp và lớn lao. Thế nhưng, bên cạnh những hình ảnh tàn khốc ấy vẫn có những nụ cười rạng rỡ, những cái khoác vai thân tình giữa những người ở hai chiến tuyến. Dù bom đạn có khốc liệt, tàn ác thế nào thì vượt lên trên tất cả, tình người, tình đồng đội thật thiêng liêng.
Bức ảnh “Thoát khỏi ngục tù”, tôi chụp được giữa dòng Thạch Hãn khi những anh em bờ Bắc lao vào đón tù cách mạng vừa được chính quyền miền Nam thả. Tôi bị ngợp trước tình người, tình đồng đội đang trào dâng, quyện lấy nhau.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam: “Học lòng dũng cảm từ đồng đội”
Hơn 80 tuổi, dành gần trọn cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam, tôi đã có hàng nghìn bức ảnh trong suốt chặng đường dài của đất nước. Những bức ảnh của tôi theo năm tháng đã trở thành kỷ niệm của mỗi con người, sau này đã trở thành kỷ vật cuộc đời tôi.
Bức ảnh giá trị nhất của tôi đó là ảnh nữ du kích 19 tuổi, Nguyễn Thị Hiền, phụ trách một nhóm sáu cô gái tải lương thực phục vụ các chiến sĩ bảo vệ cầu Hàm Rồng chống lại máy bay ném bom Mỹ. Cô đã thoát hơn 380 cuộc công kích và đã bị chôn sống bốn lần trong những đợt bom nổ, cùng với đồng đội mình, cô đã nhiều lần vác súng thay những người lính hi sinh. Thế mới thấy được sức mạnh của người phụ nữ Việt Nam mạnh mẽ đến nhường nào.
 |
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam |
Quá trình tác nghiệp trong chiến tranh cũng rất khó khăn, ngày ấy, chúng tôi phải đối mặt với nhiều khó khăn. Máy ảnh không phải loại tối tân, thường là của Liên Xô (cũ), Đức viện trợ. Mỗi người chỉ được trang bị 1 máy, phim thì rất hiếm. Cho nên, khi chụp phải đắn đo, đếm từng khoảnh khắc, ưng ý thì mới bấm, chứ không thoải mái như máy ảnh số bây giờ. Ngoài ra, tráng phim, rửa ảnh, phóng ảnh…cũng đều do một tay phóng viên làm.
Nhìn những thanh niên ra trận, hành trang chỉ có chiếc túi nilon nhỏ với quyển vở, chân không có dép để đi mà nụ cười vẫn tươi rói. Cả một thế hệ dân tộc đã như thế trong kháng chiến chống Mỹ thì không có lẽ gì mình là một phóng viên chiến trường, được tiếp cận với họ lại không lấy đó để tự soi mình. Đối với tôi, chính những người lính, những người thanh niên trong kháng chiến đã động viên và tạo điều kiện để tôi tác nghiệp. Tôi học được ở họ tinh thần dũng cảm, sẵn sàng hy sinh.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hứa Kiểm: “Những khoảnh khắc đáng sống nhất”
Khoảng 4 giờ sáng ngày 30-4-1975, tôi cùng đơn vị bộ binh đóng tại căn cứ Nước Trong (Biên Hòa) nhận lệnh xuất phát, tiến thẳng vào Sài Gòn theo đường xa lộ. Chúng tôi nhận được chỉ thị phải hành quân thần tốc. Không giống những cuộc hành quân trước đây (hành quân bộ), lần này, tất cả chiến sĩ di chuyển bằng xe cơ giới. Trong suốt cuộc đời cầm máy của mình, chưa khi nào tôi thấy một khí thế tiến công mạnh mẽ như vậy và chính thời khắc ấy, tôi choáng ngợp trước hình ảnh: Trên khắp các ngả đường, đồng bào ào ra đón đoàn quân giải phóng như đón những người thân trong gia đình đi xa trở về. Thời khắc ấy có cả nước mắt và nụ cười, niềm hân hoan hòa trong tiếng nấc nghẹn.
 |
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hứa Kiểm |
Tiếng hô vang “Hòa bình rồi! Thống nhất rồi!” còn vang vọng mãi trong tâm thức tôi. Với tôi, bức ảnh “Giải phóng Sài Gòn 30-4-1975” là bức ảnh kết thúc chiến tranh. Đến thời khắc ấy, cảm xúc dồn nén, tích tụ từ lâu bỗng vỡ òa. Khát vọng hòa bình, thống nhất vẫn luôn cuộn chảy trong lòng người dân đất Việt. Khí thế ấy thể hiện sự chuẩn bị từ rất lâu.
Tôi đã vượt qua những khó khăn nguy hiểm, bất chấp mạng sống, nhiều khi suốt tuần chỉ toàn ăn lương khô, uống nước lã để kịp chạy về giao tác phẩm cho tòa soạn. Nhưng với tôi, đó là khoảng thời gian ý nghĩa nhất trong đời. Bởi tôi được sống trong những thời khắc mà không phải phóng viên nào cũng có được.
Chiến tranh đã lùi xa, sự kiện cũng lùi dần vào quá khứ, nhưng càng lùi xa, những bức ảnh mang nặng hơi thở thời chiến càng có giá trị lịch sử và trở thành tài sản văn hóa của đất nước.
Bài, ảnh: THÚY NGUYỄN