QĐND - Trước các cuộc tấn công mạnh mẽ của lực lượng cách mạng,  tháng 3-1975, CIA  nhận định, Việt Nam Cộng hòa, một chính quyền mà Mỹ dồn tiền, dốc sức dựng lên, đã tới hồi lâm chung.

Di tản

Ngày 23-3-1975, Trưởng trạm CIA tại Sài Gòn T.Pôn-ga báo về Oa-sinh-tơn rằng, Hà Nội đang giành được nhiều chiến thắng trong khi Việt Nam Cộng hòa không ngừng thất thủ. Ngày 26-3, theo báo cáo của T.Pôn-ga, tinh thần chiến đấu của quân đội Việt Nam Cộng hòa  đã không còn sau vụ rút khỏi Tây Nguyên và Hà Nội có thể đặt dấu chấm hết cho chế độ Việt Nam Cộng hòa một cách nhanh chóng nếu họ muốn.

Trực thăng Mỹ đưa các nhân viên Mỹ và Việt Nam rời khỏi Sài Gòn ngày 29-4-1975. Ảnh tư liệu

Trong khi đó, việc Đà Nẵng thất thủ trong hỗn loạn như một gáo nước lạnh dội vào miền Nam. Rạng sáng 28-3, lợi dụng trời còn tối, Mỹ cho một chiếc phà cập bến Đà Nẵng để di tản người Việt làm việc với Mỹ. Tuy nhiên, do rò rỉ thông tin, khoảng 1000 người nằm ngoài danh sách đã chen lấn xô đẩy để lên phà, khiến nhiều người bị chết đuối và một số đông trong danh sách không lên được phà. Tổng kết lại, Tòa Lãnh sự Mỹ và CIA phối hợp với nhau đã di tản được khoảng 50.000 người ra khỏi Đà Nẵng nhưng nhiều người Việt trong số từ 3000 đến 4000 người làm việc với Mỹ và thân nhân của họ vẫn bị kẹt lại.

Đầu tháng 4, Trụ sở CIA thông báo cho T.Pôn-ga rằng, Bộ Ngoại giao sắp ra lệnh di tản toàn bộ nhân viên Mỹ và một số đối tượng người Việt ra khỏi Sài Gòn. Con số này ước tính là khoảng 1 triệu người. Tuy nhiên, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng P.Ha-bíp (Philip Habib) đã quyết định di tản thân nhân trước trong khi nhân viên Mỹ được di tản thành từng đợt nhỏ nhằm tránh tin đồn Mỹ tháo chạy. Đến ngày 19-4, Bộ Ngoại giao Mỹ đã giảm số nhân viên Tòa đại sứ tại Sài Gòn xuống còn 1.250 người, trong số đó có 270 nhân viên CIA.

Trước nhận định của CIA cho rằng, Hà Nội có khả năng pháo kích Sân bay Tân Sơn Nhất bất cứ lúc nào, Mỹ đã ban hành lệnh di tản bằng trực thăng. Bên ngoài Tòa Đại sứ, nhiều người Việt tụ tập xin di tản. 15 giờ ngày 29-4, cuộc di tản bằng trực thăng do Hạm đội 7 Thái Bình Dương điều động bắt đầu. Trực thăng lớn C-53 di tản nhân sự tại Sân bay Tân Sơn Nhất, ưu tiên cho nhân viên thuộc Phòng Tùy viên quốc phòng. Trực thăng C-47 nhỏ hơn di tản nhân sự tại Tòa đại sứ. Trừ 200 nhân viên tối cần thiết, trong đó có 50 nhân viên CIA, ở lại chờ các chuyến bay cuối cùng để xử lý hoàn tất mọi việc thì tất cả đều được di tản. Đến sáng 30-4-1975, Đại sứ G.Mác-tin cũng rời Sài Gòn.

Không còn gì ngoài sự thất bại

Quay trở lại với chính quyền Việt Nam Cộng hòa, việc thất thủ tại Đà Nẵng, Tây Nguyên và một loạt tỉnh, thành phố khác đã khiến Sài Gòn hoang mang đến độ không có viên chức cấp cao nào túc trực tại Dinh Tổng thống. Trong cuộc gặp với T.Pôn-ga ngày 2-4-1975, Tổng thống Thiệu không kiềm chế được đến mức phải bật khóc. Thiệu nói với T.Pôn-ga rằng, đang dự tính thành lập một chính phủ “liên hiệp quốc gia” để hy vọng Hà Nội thấy thích hợp bàn chuyện ngừng bắn. Một ngày sau đó, T.Pôn-ga báo cáo về Trụ sở CIA rằng, tướng Nguyễn Cao Kỳ và Chủ tịch Thượng viện Trần Văn Lắm cũng định thành lập một chính phủ tương tự nhưng không có sự hiện diện của Thiệu bằng cách vận động Thượng viện thông qua một quyết nghị yêu cầu Thiệu từ chức. T.Pôn-ga nhận định rằng, trong tình hình “nước sôi lửa bỏng” hiện giờ, thì cách tốt nhất để tránh đổ máu là Thiệu từ chức và thành lập một chính phủ “liên hiệp quốc gia” như một cách đầu hàng trong khi Oa-sinh-tơn vận dụng mọi sức ép quốc tế kêu gọi Hà Nội ngừng tiến quân. Trong trường hợp ngược lại thì Việt Nam Cộng hòa sẽ hoàn toàn sụp đổ chỉ trong một thời gian ngắn. Theo T.Pôn-ga, cũng cần phải nhanh chóng di tản người Mỹ nhưng phải ở một mức độ không khiến người ta cảm thấy như Mỹ đang tháo chạy, đồng thời thương lượng với Hà Nội để có thời gian di tản người Việt làm việc cho Mỹ. Trong một báo cáo ngày 10-4, T.Pôn-ga kết luận: “Tháng 2-1975, chúng ta có nhiều đường an toàn rút khỏi Việt Nam và Nam Việt Nam còn nhiều ưu thế để tồn tại nhưng chúng ta đã để vuột mất và trao cơ hội cho Hà Nội. Bây giờ thì không còn gì ngoài sự thất bại”.

Căn cứ vào đề xuất về số phận của Tổng thống Thiệu, công tác chính trị chính yếu mà Oa-sinh-tơn giao cho Đại sứ G.Mác-tin và Trưởng trạm CIA Sài Gòn T.Pôn-ga là thuyết phục Tổng thống Thiệu từ chức và tìm cách chuyển quyền cho tướng Dương Văn Minh nhằm thành lập một chính phủ “liên hiệp quốc gia”. Đại sứ G.Mác-tin đã có hai cuộc gặp với Tổng thống Thiệu trong hai này 19 và 20-4. “Tôi không ép ngài từ chức nhưng ngài biết quân Cộng sản có khả năng đánh vào Sài Gòn bất cứ lúc nào và nếu ngài không từ chức, tôi e rằng các tướng của ngài cũng yêu cầu ngài làm vậy”, Đại sứ G.Mác-tin nói với Tổng thống Thiệu. Kết quả là ngày 21-4, Tổng thống Thiệu tuyên bố từ chức và không quên kịch liệt kết án Mỹ “đã đưa Nam Việt Nam vào chỗ chết” trong bài diễn văn của mình.

Để chuẩn bị việc chuyển giao quyền lực, ngày 24-4, Đại sứ G.Mác-tin yêu cầu Trưởng trạm CIA Sài Gòn sắp xếp cho Thiệu bí mật rời khỏi Việt Nam. Tối 25-4, cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chính thức “giã từ” Việt Nam Cộng hòa.

VŨ DŨNG

(Tiếp theo và hết)

Kỳ 1: “Một cổ hai tròng”

Kỳ 2: Bộ đôi không hoàn hảo

Kỳ 3: Đồng sàng dị mộng