(Tiếp theo)
Những câu hỏi lớn luôn có ngay đáp án
QĐND Online - Thiếu tướng Tống Trần Thuật, nguyên Phó cục trưởng Cục nghiên cứu (Bộ Tổng tham mưu) năm nay đã ngoài 80 tuổi. Cả cuộc đời quân ngũ của ông gắn với “nghề” tổng hợp, nghiên cứu và xử lý tin tức tình báo. Ở ông luôn toát ra vẻ thâm trầm, cẩn trọng, mỗi lời nói là một câu khẳng định chắc chắn. Tiếp chúng tôi trong căn phòng làm việc riêng ở số nhà 95 phố Lý Nam Đế (Hà Nội), mỗi khi nghe chúng tôi hỏi một câu nào đó, ông đều dừng lại ít phút suy nghĩ trước khi trả lời. Về sự kiện quân ta bắt sống Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi (Tư lệnh tiền phương Quân đoàn 3) và Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang (Tư lệnh Sư đoàn Không quân số 6) khi tiến công Phan Rang (tháng 4-1975), ông nói:
- Ta bắt được hai tướng ngụy rất đúng lúc. Lúc này, với khí thế tiến công thần tốc, các cánh quân của ta đang dồn về mục tiêu chủ yếu là Sài Gòn, trung tâm của chế độ ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu, nhưng Thiệu bố trí “tử thủ” Sài Gòn như thế nào thì ta chưa nắm chắc. Vì thế, khi bắt được Nguyễn Vĩnh Nghi và Phạm Ngọc Sang, theo đề nghị của tình báo, hai tướng ngụy lập tức được chuyển ra một địa điểm gần Hà Nội để khai thác. Cái hay là Nguyễn Vĩnh Nghi đã cộng tác tốt với ta, lời khai của ông ấy phù hợp với thông tin mà các lưới tình báo của ta trong nội đô báo về. Đó là Sài Gòn chỉ phòng thủ bên ngoài, nếu Phan Rang, Xuân Lộc… bị đập vỡ thì ta có thể mạnh dạn thọc sâu, chia cắt, bắt sống đầu não chính quyền Thiệu.
 |
Thiếu tướng Vũ Thắng.
|
Nguyễn Vĩnh Nghi không chỉ khai khá chính xác từng cụm cứ điểm quanh Sài Gòn mà còn có những nhận định khá xác đáng về những vị trí hiểm yếu có thể chọn làm điểm xuất phát tiến công Sài Gòn. Ví dụ, ông ta cho rằng, về hướng hiểm yếu để tiến công Sài Gòn thì “tiến công từ Gò Dầu hạ - Trảng Bàng” là dễ chiếm thế thượng phong nhất. Ông ta cũng nhận xét, quân đội Việt Nam Cộng hòa tác chiến phụ thuộc nhiều vào sự yểm trợ từ không quân, vì vậy, nếu tiến công Sài Gòn thì cần thiết phải vô hiệu hóa các sân bay như Tân Sơn Nhất, Biên Hòa, Cần Thơ… Thiếu tướng Tống Trần Thuật nhận xét:
- Lời khai của Nguyễn Vĩnh Nghi chỉ là một căn cứ, các báo cáo của chúng tôi lên cấp trên bao giờ cũng có sự đối chiếu, so sánh từ nhiều nguồn tin. Riêng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975, ngành tình báo luôn đáp ứng yêu cầu thông tin của trên, không lúc nào để chậm. Rất nhiều nguồn tin là văn bản gốc, văn bản mật từ trung tâm đầu não địch nên rất chính xác.
Theo Thiếu tướng Tống Trần Thuật, đầu tháng 10-1974, Bộ Chính trị họp để phân tích tình hình, hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976. Trước cuộc họp, các lưới điệp báo đã xuất sắc lấy được các tài liệu đánh giá đầy đủ về tình hình và cách bố trí các đơn vị của địch, khẳng định quân ngụy đang gặp khó khăn về quân số, phương tiện chiến tranh. Giá trị hơn cả là có lưới tình báo nằm sâu trong đầu não địch đã lấy được bản tường trình của Bộ Tổng tham mưu ngụy báo cáo Thiệu về khả năng giữ đất của từng vùng chiến thuật phụ thuộc vào các mức độ viện trợ của Mỹ. Ngày 6-1-1975, ta đánh chiếm và giải phóng tỉnh Phước Long, một địa bàn chỉ cách Sài Gòn chưa đầy 100km nhưng quân ngụy phản ứng yếu ớt. Ngành tình báo được yêu cầu phải đánh giá thái độ của Mỹ-ngụy. Ta lại thu được của địch tài liệu Mỹ trả lời Tổng Tham mưu trưởng ngụy Cao Văn Viên rằng Mỹ không thể giúp gì ngụy khi Phước Long bị ta chiếm. Các bản tin trinh sát kỹ thuật thu được càng khẳng định vấn đề trên.
Thiếu tướng Vũ Thắng, nguyên Phó cục trưởng Cục Nghiên cứu cho rằng:
- Việc Mỹ có can thiệp trở lại hay không là vấn đề lớn mà lực lượng tình báo phải liên tục trả lời Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương trước mỗi bước tiến của chiến trường. Đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn để Bộ Chính trị, Bộ Tổng tư lệnh ra các quyết định. Tin tức cụ thể trong mỗi lần cấp trên yêu cầu thì các đồng chí ở J22 biết rõ, nắm chắc hơn chúng tôi.
 |
Một tổ trinh sát của Cục Nghiên cứu hoạt động trên Biển Đông phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh.
|
Hành tung bí ẩn, hành động “xuất quỷ, nhập thần”
J22 là mật danh của Phòng Tình báo thuộc Bộ Tham mưu B2 trong thời kỳ chống Mỹ. J22 chịu sự chỉ huy trực tiếp của thủ trưởng Bộ Tham mưu B2, sự chỉ đạo về chuyên môn cùng sự chi viện về cán bộ, phương tiện, hậu cần của Cục Nghiên cứu, Bộ Tổng tham mưu. Đại tá Tư Cang, trong câu chuyện với chúng tôi kể rằng: Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, với các điệp viên có tài, các lưới tình báo hoạt động hiệu quả, lực lượng biệt động hành động “xuất quỷ, nhập thần”, thật khó có thể kể hết những chiến công của J22.
Ông nêu một ví dụ về tài liệu tuyệt mật của Mỹ-ngụy được chúng đặt mật danh là A.B. Cứ vào cuối mỗi năm, một bên là Tổng chỉ huy quân viễn chinh Mỹ tại chiến trường Việt Nam, một bên là Tổng tham mưu trưởng của quân đội Việt Nam Cộng hòa sẽ thảo luận rồi cùng ký vào một bản chương trình hành động hỗn hợp “liên quân Mỹ-Việt” cho năm tới, gọi tắt là kế hoạch A.B. Nhưng hễ họ ký xong, thì cứ khoảng một tuần sau, nguyên bản kế hoạch đó đã có ở Văn phòng Bộ Tham mưu B2 và Bộ Tổng tham mưu của ta ở Hà Nội, từ AB 145, AB 146, AB 147 và đều đều như vậy những năm tiếp theo. Các kế hoạch đột xuất khác có giá trị chiến lược như kế hoạch ngăn chặn sự chi viện của Miền Bắc cho chiến trường Miền Nam bằng cuộc đảo chính Xihanuc, mở rộng chiến tranh sang Campuchia, chiếm cảng Xihanuc Ville, bịt kín đường 9 Nam Lào… nhờ tài liệu, tin tức tình báo của J22 mà Tổng hành dinh của ta biết trước để đối phó.
Đại tá Tư Cang cho biết: Không chỉ lấy được các tài liệu nguyên bản để giúp cấp trên nắm được các ý đồ chiến lược, trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, nhiều điệp viên của J22 còn thực hiện đánh địch bằng chính phương pháp “lấy gậy ông, đập lưng ông”. Chẳng hạn, trung tuần tháng 3-1975, khi Tây Nguyên đang bị ta tiến công, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cử một phái đoàn đại diện Quốc hội và Chính phủ Việt Nam Cộng hòa sang thuyết phục Quốc hội Mỹ tăng viện trợ gấp để cứu chế độ Thiệu khỏi sụp đổ. Lãnh đạo đoàn có ông Đinh Văn Đệ, Chủ tịch Văn phòng Hạ viện Việt Nam Cộng hòa. Ông Đệ thực chất lại là điệp viên do ta cài vào (có bí danh U4). Em trai ông cũng là một cán bộ của J22, về sau là Đại tá, công tác tại Quân khu 7. Khi lên đường sang Mỹ, ông Đệ đã “nghiêm túc” thực hiện mệnh lệnh của Nguyễn Văn Thiệu, trong cuộc diễn thuyết trước Quốc hội Mỹ và gặp gỡ riêng các nghị sĩ có trách nhiệm để vận động hành lang, ông Đệ đều vẽ nên một tình thế vô cùng bi đát, vô phương cứu chữa của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Những ý kiến đó, vừa là thực tế, vừa khiến cho các nghị sĩ thuộc lưỡng viện của Mỹ càng thêm ái ngại, không muốn đổ tiền của ra cứu Thiệu. Một số nghị sĩ còn lo ngại đến mức từ chối cả quà của phái đoàn Quốc hội Việt Nam Cộng hòa. Phái đoàn này trở về Sài Gòn, ai cũng sầu não vì ý định xin cứu trợ không thành, còn riêng Đinh Văn Đệ, ngoài niềm vui khi thấy chính quyền Thiệu đã lung lay, còn có thêm một bản báo cáo chính xác về thái độ của Mỹ đối với Việt Nam Cộng hòa.
Nhưng cuộc chiến khốc liệt và phức tạp, các đời Tổng thống Mỹ cũng không dễ dàng chấp nhận một sự sụp đổ chóng vánh của “đồng minh”, nên việc nắm chắc các động thái của Mỹ vẫn là một nhiệm vụ lớn mà ngành tình báo phải thực hiện.
Đại tá Tư Cang kể rằng, vào giữa tháng 4-1975, ta đang chuẩn bị mọi mặt để bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh thì Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương yêu cầu tình báo phải trả lời câu hỏi là nếu ta đánh lớn vào Sài Gòn, liệu đế quốc Mỹ có cho quân đổ bộ vào Việt Nam để cứu chế độ ngụy hay không, hoặc can thiệp bằng cách sử dụng B52 ném bom chặn bước tiến của ta ? Trước đó đã có tiền lệ về cuộc chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên (1950-1953), sự can thiệp của quân Mỹ vào đã làm thay đổi nhanh chóng cục diện chiến trường:
- Trước câu hỏi ấy, các lưới điệp báo, công tác trinh sát kỹ thuật đều tập trung tìm câu trả lời. Nhưng giải đáp được câu hỏi ấy một cách thỏa đáng nhất là chiến công của đồng chí Nguyễn Văn Minh, bí danh H3. Anh Minh là thượng sĩ giữ hồ sơ mật của Văn phòng Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên. Anh Minh đã sao chép, gửi ra cho Phòng Tình báo Miền bức thư tuyệt mật của Tổng thống Mỹ gửi Tổng thống Thiệu, Thiệu cho sao nguyên bản để gửi cho Cao Văn Viên. Nội dung thư khẳng định: Cuộc chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt đối với nước Mỹ, Quốc hội Mỹ chỉ đồng ý viện trợ thêm 700 triệu đô la, mọi việc tùy Thiệu liệu định. Giải đáp yêu cầu điều tra của trên bằng một tài liệu nguyên bản của địch, đó là một tin tức cực kỳ có giá trị. – Đại tá Tư Cang nhấn mạnh như vậy.
Không chỉ các lưới điệp báo và lực lượng trinh sát kỹ thuật lo tìm câu trả lời của Bộ Chính trị mà cả những tổ thuyền của ngành tình báo hoạt động trên Đường Hồ Chí Minh trên biển cũng tham gia tích cực vào quá trình này. Thiếu tướng Vũ Thắng kể:
- Vào khoảng ngày 10-4-1975, còn 4 ngày nữa là Bộ Chính trị họp để hạ quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đúng lúc đó thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi anh Phan Bình (Cục trưởng Cục Nghiên cứu) lên và cho xem bản tin mật về một Lữ đoàn thủy quân lục chiến Mỹ đã bí mật đổ bộ lên bờ biển Bà Rịa-Vũng Tàu. Đại tướng lệnh ngành tình báo phải có câu trả lời trước ngày 14-4.
Cục trưởng Phan Bình về hội ý với Thiếu tướng Vũ Thắng. Ông Thắng tính toán, nếu sử dụng các nguồn tin của chúng ta ở nước ngoài để thẩm định tin này thì mất rất nhiều thì giờ, sẽ không thể khẳng định trong 3 ngày. Các lực lượng điệp báo, trinh sát kỹ thuật của ta ở miền Nam thì không nắm được thông tin này. Suy nghĩ kỹ, ông Thắng đề xuất với Cục trưởng Phan Bình sử dụng đội thuyền của Cục đang hoạt động trên Biển Đông. Đồng chí Phan Bình đồng ý. Hai tổ thuyền tình báo tức tốc lên đường, vượt biển đi vào ven biển Bà Rịa-Vũng Tàu, đem theo điện đài, lên bờ thì bắt liên lạc với cơ sở điệp báo tại chỗ để rà soát lại toàn bộ những khu vực mà lực lượng thủy quân lục chiến có thể đồn trú.
 |
Thiếu tướng Tống Trần Thuật.
|
Hai tổ thuyền đều do những cán bộ xuất sắc như Anh hùng LLVT nhân dân Trần Tấn Mới, Thuyền trưởng Trần Cân… chỉ huy, đã nhanh chóng tiếp cận bờ biển Bà Rịa-Vũng Tàu lúc đó còn ken đầy các đơn vị hải quân, thủy quân lục chiến, an ninh của ngụy. Chưa đầy hai ngày, hai tổ thuyền đã sử dụng điện đàm báo cáo: Không có Lữ đoàn thủy quân lục chiến nào của Mỹ trên địa bàn Bà Rịa-Vũng Tàu. Ngày 12-4-1975, Cục trưởng Phan Bình đã có bản báo cáo đầy đủ với Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị đã họp và ra quyết tâm lịch sử: Mở Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Trầm ngâm một lúc khi hồi tưởng về sự kiện 30-4-1975, Thiếu tướng Vũ Thắng tâm sự:
- Sau ngày toàn thắng của dân tộc, các chiến công của quân và dân ta đều được lịch sử ghi danh, lòng dân thấu tỏ, trong đó có ngành tình báo. Tuy nhiên, tình báo là công tác thầm lặng, bên cạnh những cá nhân, đơn vị được ghi công xứng đáng thì vẫn còn nhiều đơn vị, cá nhân vẫn âm thầm hy sinh, nhiều chiến công to lớn chưa được tuyên dương và cả những day dứt, thậm chí bi kịch của đời riêng không thể chia sẻ. Không chỉ cán bộ, chiến sĩ trong ngành phải chịu đựng hy sinh, mà cả những bậc cha mẹ, vợ chồng hay con cái của họ phải âm thầm chịu đựng. Còn nhiều giọt nước mắt vẫn đang lặng lẽ chảy trong cảnh đất nước thanh bình hôm nay. Riêng với sự kiện 30-4-1975, cho đến buổi sáng hôm ấy, ngành tình báo vẫn còn nhiều chiến sĩ ngã xuống, toàn ngành tình báo có tới hơn 1000 liệt sĩ, hơn 1000 đồng chí từng bị địch bắt, tù đày. Các bạn có thể hỏi trực tiếp những chiến sĩ tình báo đã tham gia chiến đấu trong ngày 30-4-1975 thì rõ hơn ?
(còn nữa)
Kỳ 4: Khúc khải hoàn ca thầm lặng
HỒNG HẢI – THU HÙNG (thực hiện)
Kỳ 1: Vào “biển giáo, rừng gươm” như trẩy hội
Kỳ 2: Giăng lưới “bắt” địch khắp nơi