QĐND - Ngày 1-4-1967, Quốc hội Lập hiến Việt Nam Cộng hòa thông qua bản hiến pháp và dự trù bầu tổng thống vào mùa thu. Cũng từ đây, bất chấp nỗ lực của CIA, những xung đột lợi ích căng thẳng trong liên danh Thiệu-Kỳ bắt đầu bị phơi bày.
Từ hợp tác…
Ngày 1-5-1967, Đại sứ E.Băng-cơ (Ellworth Bunker) đến Sài Gòn thay C.Lốt-giơ. Tân đại sứ tích cực can thiệp vào cuộc bầu cử mà CIA đã chuẩn bị sân chơi từ tháng 2-1967 khi yêu cầu Nguyễn Cao Kỳ thành lập một "mặt trận đoàn kết quốc gia" để chuẩn bị ra ứng cử tổng thống. CIA và Tòa đại sứ có ý ủng hộ Nguyễn Văn Thiệu trong khi Oa-sinh-tơn muốn giữ thái độ trung lập giữa Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ.
 |
Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ tại lễ nhậm chức năm 1967. Ảnh tư liệu
|
Tuy nhiên, một bất ngờ xảy ra khi Hội đồng Tướng lĩnh Sài Gòn tuyên bố buộc Kỳ đứng phó cho liên danh Thiệu-Kỳ để tránh chia rẽ trong quân đội. Quyết định này, theo như giải thích của Nguyễn Cao Kỳ rằng, làm vậy là vì “quyền lợi quốc gia” và Nguyễn Văn Thiệu đồng ý sau khi đắc cử chỉ là tổng thống bù nhìn với mọi quyền hành đều giao cho Nguyễn Cao Kỳ.
Ngày 21-6-1967, Nguyễn Cao Kỳ gặp Trạm trưởng R.Mi-lơ và đề nghị cử Nguyễn Xuân Phong, một nhân vật thân CIA và là một viên chức trong bộ máy tranh cử của liên danh Thiệu-Kỳ, làm trung gian giữa liên danh với CIA. Nguyễn Xuân Phong có nhiệm vụ thông báo cho R.Mi-lơ mọi kế hoạch tranh cử của liên danh và nhận chỉ đạo từ R.Mi-lơ.
Ngày 20-7, Nguyễn Xuân Phong báo cáo với R.Mi-lơ rằng, Nguyễn Văn Thiệu sẵn sàng đóng vai trò phụ sau khi đắc cử như Nguyễn Cao Kỳ đã nói trước đây. Qua Nguyễn Xuân Phong, trong tháng 7-1967, Nguyễn Cao Kỳ nhận của Mỹ 5 triệu đồng (tiền Việt Nam Cộng hòa) để tổ chức một "mặt trận tôn giáo và chính trị" ủng hộ liên danh. Dù hỗ trợ như vậy, CIA vẫn lo ngại liên danh Thiệu-Kỳ có thể thất cử vì còn có sự tham gia của nhiều liên danh dân sự khác nên đồng ý với đề nghị của Nguyễn Xuân Phong để cho tướng Nguyễn Ngọc Loan-Giám đốc Cảnh sát quốc gia và An ninh quân đội, dùng người của mình “vận động” cho Thiệu-Kỳ trong những vùng liên danh nhiều khả năng không giành được phiếu. Ngày 3-9-1967, liên danh Thiệu-Kỳ thắng cử với 35% số phiếu bầu, một kết quả quá khiêm nhường so với ưu thế của liên danh quân đội. CIA cho rằng, có lẽ nhân viên các cấp bỏ tiền vận động vào túi thay vì dùng để vận động. Ngày 2-10, Quốc hội Lập hiến Việt Nam Cộng hòa hợp thức hóa sự đắc cử của liên danh Thiệu-Kỳ dưới sự vận động của tân Trưởng trạm CIA Sài Gòn G.Hát (John Hart). Ngày 31-10, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ tuyên thệ nhậm chức.
… đến đối đầu
Sau cuộc bầu cử, người ta thấy Nguyễn Văn Thiệu không im lặng như trước bầu cử và không đóng vai trò phụ cho Nguyễn Cao Kỳ như mọi người tưởng. Cuộc đụng chạm đầu tiên phải kể đến là khi Đài Truyền hình NBC muốn phỏng vấn Thiệu và Kỳ trong chương trình “Meet The Press”. Nguyễn Văn Thiệu nói với NBC rằng, chỉ cần phỏng vấn tổng thống là đủ và điều này khiến Nguyễn Cao Kỳ nổi giận, buộc R.Mi-lơ phải tìm cách khuyên Nguyễn Cao Kỳ kiềm chế. Mỹ lo ngại sự thể này có thể làm Nguyễn Cao Kỳ từ chức Phó tổng thống hay tệ hơn là công khai cạnh tranh với Nguyễn Văn Thiệu.
Giữa lúc đó, với sự hỗ trợ tiền bạc của CIA, Đặng Đức Khôi, một người thân tín của Nguyễn Cao Kỳ và có nhiều quan hệ với CIA, đã giúp Thượng nghị sĩ Trần Văn Đôn, một cựu tướng lĩnh, thành lập "Mặt trận Cứu nguy dân tộc" ra mắt ngày 18-2-1968. Dù trung thành với Nguyễn Cao Kỳ, nhưng Khôi cũng nghĩ rằng, việc đối đầu giữa Thiệu và Kỳ cần chấm dứt và Mỹ hy vọng mặt trận sẽ làm việc với Thiệu. Tuy nhiên, Tổng thống Thiệu không trông chờ "Mặt trận Cứu nguy dân tộc" vốn do người của Kỳ kiểm soát, sẽ ủng hộ mình nên đã xúc tiến thành lập một phong trào khác lấy tên là "Lực lượng Tự do dân chủ", ra mắt tại Sài Gòn vào tháng 3-1968.
Lúc này, nhân vật mới cầm đầu CIA tại Sài Gòn là R.Ca-trốt (Ralp Katrosh) hoạt động như con thoi với cả Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ, nên cả hai đều tưởng rằng CIA chỉ ủng hộ mình. Trong khi đó, "Mặt trận Cứu nguy dân tộc" của Kỳ và "Lực lượng Tự do dân chủ" của Thiệu đều thất bại trong việc tập hợp lực lượng hậu thuẫn. Qua R.Ca-trốt, Đại sứ E.Băng-cơ gây áp lực buộc Thiệu và Kỳ lập một liên minh chung gồm mọi đảng phái. Ngày 4-7-1968, liên minh ra mắt với sự đồng hiện diện của Thiệu và Kỳ, gồm "Mặt trận Cứu nguy dân tộc", "Lực lượng Tự do dân chủ", "Nghiệp đoàn Công nông" và 25 nhóm chính trị nhỏ khác.
Tháng 6-1968, Nguyễn Văn Thiệu hoàn tất chương trình cô lập Nguyễn Cao Kỳ. Các nhân vật thân cận Kỳ và đa số làm việc với CIA đều bị gạt ra khỏi các chức vụ then chốt và CIA lúng túng vì thiếu người trung thành hợp tác làm việc. Thành phần CIA đã móc nối còn làm việc cạnh Thiệu đều là người không đáng tin, trong đó có một nhân vật làm việc gần gũi và có ảnh hưởng giới hạn nào đó đối với quan điểm của Thiệu về mặt vận động quần chúng. Thiệu biết nhân vật này làm việc với CIA và đôi khi dùng sự quan hệ giữa y với R.Mi-lơ và sau này với R.Ca-trốt để gián tiếp chuyển quan điểm của mình đến Đại sứ E.Băng-cơ.
Trong tháng 9 và tháng 10-1968, trước áp lực của Mỹ yêu cầu đồng ý với đường lối đàm phán của Oa-sinh-tơn tại Pa-ri, Nguyễn Văn Thiệu hai lần báo động nhằm gián tiếp cho Mỹ biết Nguyễn Cao Kỳ muốn đảo chính. Để trấn an, CIA báo cho tay chân của Nguyễn Cao Kỳ biết Mỹ không chấp thuận bất cứ âm mưu nào chống Thiệu.
Tháng 1-1969, Nguyễn Văn Thiệu đuổi khéo Nguyễn Cao Kỳ khỏi Sài Gòn bằng cách cử Kỳ sang Pa-ri quan sát cuộc đàm phán với Hà Nội.
VŨ DŨNG
Kỳ 4: Tháo chạy
Kỳ 1: “Một cổ hai tròng”
Kỳ 2: Bộ đôi không hoàn hảo