(Tiếp theo và hết)
QĐND - Ngày 1-4, căn cứ vào sự phát triển tiến công dồn dập như vũ bão của ta trên chiến trường, Bộ Chính trị khẳng định: “Cả về thế chiến lược và lực lượng quân sự, chính trị, ta đã có sức mạnh áp đảo quân địch... Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam, không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, mà thời cơ chiến lược để tiến hành Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa đã chín muồi… Nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, quyết tâm thực hiện Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng tư, không để chậm”.
Ngày 5-4, Thượng tướng Hoàng Văn Thái, Phó tổng Tham mưu trưởng thứ nhất đã hướng dẫn, chỉ đạo Cục Tác chiến những công việc cấp thiết cần làm ngay, tập trung chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn.
Ngày 12-4, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thành lập Tổ thường trực, giúp Quân ủy Trung ương-Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo tác chiến, nghiên cứu cách đánh do đồng chí Cao Văn Khánh, Phó TTMT phụ trách.
 |
Nhân dân Sài Gòn đổ ra đường chào đón Bộ đội Giải phóng. Ảnh tư liệu
|
Cục Tác chiến tham gia Tổ thường trực có các đồng chí thủ trưởng Cục gồm Lê Hữu Đức, Võ Quang Hồ, Mai Xuân Tần, Đoàn Thế Hùng, Lê Duy Mật và một số cán bộ cấp phòng. Mỗi ngày sau khi giao ban, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp nghe Tổ thường trực báo cáo đề nghị ý kiến, kết luận từng vấn đề.
Tổ thường trực đã tập trung nghiên cứu: Phương án hình thành thế bao vây, chia cắt địch về chiến lược, chiến dịch, khả năng tiêu diệt địch ở vòng ngoài không cho chúng co cụm vào nội đô; trận then chốt là ở đâu, thọc sâu vào thành phố từ hướng nào; biện pháp khống chế sông Lòng Tàu, kênh Chợ Gạo, Sân bay Biên Hòa, Sân bay Tân Sơn Nhất. Cách sử dụng máy bay địch đánh mục tiêu trong thành phố; cách chặn đường địch chạy ra biển...
Ngày 13-4, Bộ Chính trị quyết định lấy tên Chiến dịch Hồ Chí Minh, thể theo nguyện vọng của đông đảo cán bộ, chiến sĩ trên các mặt trận.
Trong những ngày ấy, các đồng chí Lê Trọng Tấn, Lê Quang Hòa, Nam Long đã đến Đà Nẵng, chỉ huy Quân đoàn 2, Sư đoàn 3 (Quân khu 5) tác chiến vùng duyên hải và tiến vào khu tập kết, tham gia giải phóng Sài Gòn. Đồng chí Lê Phi Long (Cục Tác chiến) được cử làm trưởng phòng tác chiến cánh quân này. Sau khi ta đã làm chủ thị xã Phan Rang và Sân bay Thành Sơn, bắt sống hai tên tướng là Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Tiền phương Quân đoàn 3 kiêm Tư lệnh Quân khu 3, phụ trách tuyến phòng ngự Phan Rang, Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, Tư lệnh Sư đoàn 6 không quân. Đồng chí Lê Phi Long đã trực tiếp hỏi cung và điện về Cục tác chiến, giúp cho Tổ thường trực nắm được thông tin, nghiên cứu, xây dựng, đề xuất kế hoạch tác chiến tiếp theo. Ngày 16-4, tổ thường trực đã hoàn chỉnh phương án tác chiến giải phóng Sài Gòn.
Sau khi nghe Tổ trưởng Cao Văn Khánh báo cáo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhất trí về cơ bản và chỉ thị: Tình hình phát triển rất nhanh. Các tình huống có thể thay đổi. Phải dự kiến hết tình hình đột biến khi thời cơ lớn xuất hiện. Phải nhanh chóng bao vây chia cắt, tập trung lực lượng thật mạnh đánh đòn quyết định, tiêu diệt các sư đoàn địch ở vòng ngoài không cho địch co cụm vào Sài Gòn. Đồng thời tổ chức những binh đoàn mạnh, nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu quan trọng trong nội đô.
Chú trọng công tác binh vận. Kịp thời khai thác tù, hàng binh. Nắm tình hình mọi mặt ở Sài Gòn và Đồng bằng sông Cửu Long. Nắm vững Tổng tiến công và nổi dậy. Cần dự kiến cho hết sức mạnh nổi dậy của nhân dân.
Tranh thủ giành thắng lợi hoàn toàn trước mùa mưa.
Quyết định là ở các lãnh đạo, chỉ huy tại chỗ!
Ngày 17-4, Cục Tác chiến giúp Tổ thường trực hoàn chỉnh lần cuối Kế hoạch giải phóng Sài Gòn trình lên Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị.
Bộ Chính trị chỉ định các đồng chí Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh chiến dịch, Phạm Hùng làm Chính ủy. Các Phó tư lệnh gồm Trần Văn Trà, Lê Trọng Tấn, Lê Đức Anh, Đinh Đức Thiện. Phó chính ủy là đồng chí Lê Quang Hòa và đồng chí Lê Ngọc Hiền làm Tham mưu trưởng.
Cục Tác chiến nhận được điện của các đồng chí ở chiến trường và đồng ý với những đề xuất của Tổ thường trực vẽ phương án tác chiến giải phóng Sài Gòn.
Chiều 21-4, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức, trao quyền cho Phó tổng thống Trần Văn Hương lên thay làm Tổng thống.
Ngày 22-4, Bộ Chính trị hội ý, khẳng định thời cơ chính trị, quân sự để mở cuộc Tổng tiến công vào Sài Gòn đã chín muồi. Cũng trong ngày này, lần cuối cùng Kế hoạch tác chiến Sài Gòn-Gia Định được Đảng ủy và Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh thông qua, phê duyệt tại chỗ.
Ngày 23-4, Tổng thống Mỹ G.Pho tuyên bố: “Cuộc chiến tranh tại Việt Nam đã chấm dứt đối với người Mỹ”. Hạ tuần tháng 4-1975, các lực lượng lớn của ta lần lượt vào các vị trí tập kết, triển khai chiến đấu. Ta đã huy động lực lượng lớn nhất trong lịch sử cuộc chiến tranh cách mạng Việt Nam gồm 4 Quân đoàn và 1 đơn vị tương đương quân đoàn (Binh đoàn 232).
Ngày 26-4-1975, ta bắt đầu tiến công mở màn chiến dịch. Riêng hướng Đông và Đông Nam được nổ súng tiến công trước 1 ngày (25-4) theo đề nghị chuẩn xác của đồng chí Lê Trọng Tấn. Cả 5 cánh quân tiến công mãnh liệt vào các hướng của TP Sài Gòn.
Cục Tác chiến đã cử một số cán bộ đi cùng đồng chí Lê Văn Tri, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân bay vào Đà Nẵng, rồi đến Sân bay Thành Sơn để chỉ huy biên đội không quân ta dùng máy bay Mỹ mà ta đã thu được, ném bom Sài Gòn. Ngày 28-4, lúc 16 giờ 30 phút, Biên đội Quyết Thắng với 5 chiếc A37 do phi công Nguyễn Thành Trung chỉ huy đã ném bom trúng đường băng Sân bay Tân Sơn Nhất, góp phần đẩy nhanh quân địch tan rã.
Ngày 30-4-1975, lúc 11 giờ 30 phút, lá cờ của Quân Giải phóng được cắm trên dinh Độc Lập, Sài Gòn được giải phóng. Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Đến ngày 1-5, toàn bộ Đồng bằng sông Cửu Long và các đảo Côn Đảo, Phú Quốc… đều được giải phóng. Tất cả các đô thị ở miền Nam hầu như nguyên vẹn, không bị hư hại.
Sau 55 ngày đêm chiến đấu, chúng ta đã giải phóng toàn bộ miền Nam gồm tất cả đất liền, lãnh hải, các vùng biển và các quần đảo (trừ quần đảo Hoàng Sa) kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hoàn thành trọn vẹn cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước.
Kịp thời phối hợp và triệt để phát huy thắng lợi trên chiến trường chính miền Nam Việt Nam, nhân dân Cam-pu-chia giành được thắng lợi ngày 17-4-1975, tiếp đó là nhân dân Lào giành thắng lợi hoàn toàn ngày 2-12-1975.
Cục Tác chiến trong những ngày vui đại thắng, ai cũng xúc động nhớ ơn các đồng chí đã hy sinh trên các chiến trường Đinh Xuân Mần, Hồ Hải Nam, Nguyễn Văn Quý, Nguyễn Cứu, Nguyễn Uẩn, Dương Ngọc Lâm, Phan Văn Các, Lưu Đức Hòa...
Đánh giá kết quả công tác của Cục Tác chiến trong giai đoạn này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Chiều 1-5-1975, tôi tranh thủ đến thăm Cục Tác chiến, cơ quan trực tiếp phục vụ chỉ huy quân sự, trong không khí tưng bừng phấn khởi. Hầu như mọi người đều có mặt... Qua 30 năm lãnh đạo, chỉ huy quân đội, lần này tôi thấy công tác tham mưu có tiến bộ vượt bậc. Từ kế hoạch tác chiến đến nắm địch, nắm ta, truyền đạt mệnh lệnh đều chính xác kịp thời. Xin cảm ơn tất cả các đồng chí” (theo sách "Tổng hành dinh trongmùa Xuân toàn thắng", trang 347).
Cục Tác chiến đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trưởng thành nhanh chóng. Thời gian sau, Đảng và Nhà nước đã khen tặng Cục Tác chiến Huân chương Hồ Chí Minh, năm 2000, Cục được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
NGUYỄN CHÍ HÒA
(Ghi theo lời kể của Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Phó cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu)
Kỳ 1: Tham mưu các mũi tiến công
Kỳ 2: Xây dựng kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam