QĐND - Cuối năm 1974, Cục Tác chiến phối hợp với Cục Quân báo đánh giá tình hình ngụy quyền, ngụy quân Sài Gòn. Thế và lực của địch đã suy yếu rõ rệt. Địch nhận định về ta: Năm 1975, quy mô hoạt động của ta sẽ lớn hơn năm 1974, nhưng không bằng năm 1968 và năm 1972. Ta chưa có khả năng đánh thị xã lớn hoặc các thành phố. Sang năm 1976, ta mới mở cuộc tiến công quy mô lớn. Vì vậy, chúng chủ trương: “Quyết duy trì toàn vẹn lãnh thổ, không để mất đất, phong tỏa biên giới, giới tuyến, bờ biển, đánh phá hành lang tiếp vận, chống xâm nhập, kiên quyết giữ vững các khu vực trọng điểm”.
Cục Tác chiến thấy rõ địch đã phạm sai lầm nghiêm trọng. Ta phải tận dụng tối đa cơ hội này.
Sau Chiến thắng Phước Long (đầu tháng 1-1975), ta đã tạo được thế mạnh, bố trí lực lượng phù hợp trên toàn chiến trường. Thời cơ lớn đã đến.
Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cử đồng chí Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam làm Trưởng đoàn đại diện Quân ủy Trung ương và Bộ Tư lệnh chiến trường miền Nam (bí danh là Đoàn A75). Tham gia đoàn có các đồng chí: Lê Ngọc Hiền, Phó tổng Tham mưu trưởng; Đinh Đức Thiện, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần; đồng chí Vũ Lăng (nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến) đã vào làm Phó tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, đồng chí Phan Hàm, Phó cục trưởng Cục Tác chiến, cùng một số cán bộ khác. Ngày 5-2-1975 (Tết Ất Mão), Đoàn A75 lên đường vào Nam, bảo đảm tuyệt đối bí mật.
 |
Các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quân ủy Trung ương nghe báo cáo tình hình tiến quân thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Đại thắng mùa Xuân 1975. Ảnh tư liệu
|
Ở Sở chỉ huy cơ bản tại Tổng hành dinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì các cuộc giao ban hằng ngày, bắt đầu từ Chiến dịch Tây Nguyên đến lúc kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh. Thời gian khẩn trương, Đại tướng làm việc suốt ngày đêm, ăn nghỉ tại đại bản doanh. Dự giao ban có các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần và các cơ quan khác. Đồng chí Lê Hữu Đức, Cục trưởng Cục Tác chiến, quán xuyến công tác tham mưu tác chiến, theo dõi tình hình tác chiến trên các chiến trường, dự kiến sự phát triển đề xuất cách đánh của ta, xử lý các tình huống chiến dịch, chiến lược, soạn thảo các báo cáo chiến sự trình lên cấp trên, truyền đạt các mệnh lệnh, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu tới các cấp lãnh đạo chỉ huy trong toàn quân; tổ chức hiệp đồng công tác tác chiến; tổ chức thực hiện những nhiệm vụ đột xuất được giao.
Toàn thể cán bộ, chiến sĩ Cục Tác chiến phát huy trí tuệ, nỗ lực vượt bậc hoàn thành chức trách với hiệu suất cao nhất, liên lạc chặt chẽ với Đoàn A75 và tất cả các mặt trận. Tổ Bản đồ miệt mài vẽ lên các hình thái địch, ta ở thời điểm mới nhất, trung bình cứ ba ngày thay một bản đồ mới. Các cán bộ, nhân viên của Cục Cơ yếu, đêm cũng như ngày, dịch ngay những bức điện mật dồn dập gửi về cũng như gửi đi.
Sau khi hoàn thành công tác chuẩn bị chiến lược cả ở miền Nam và miền Bắc, nhất là ở miền Nam, cuộc Tổng tiến công chiến lược của ta được phát động và diễn ra bằng 4 đòn chiến lược: Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Chiến dịch giải phóng quần đảo Trường Sa và Chiến dịch Hồ Chí Minh. Thời gian từ ngày 4-3 đến 30-4-1975.
1. Chiến dịch Tây Nguyên
Từ ngày 4-3-1975, ta cắt đường 19, đánh một số mục tiêu ở Plei-cu để tạo thế và nghi binh. Ngày 10-3, ta bắt đầu trận mở màn, trận then chốt quyết định đánh vào Buôn Ma Thuột, đến ngày 11-3, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột rồi đánh thắng cuộc phản kích của Sư đoàn 23 ngụy, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ Quân đoàn 2 và Quân khu 2 địch, giải phóng toàn bộ vùng chiến lược Tây Nguyên, nhanh chóng phát triển xuống các tỉnh ven biển miền Trung, thực hiện chia cắt chiến lược.
Để chuẩn bị cho cuộc họp của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương ngày 18-3, Cục Tác chiến đã tổng hợp báo cáo tình hình Chiến dịch Tây Nguyên, kèm theo Bản báo cáo ngày 16-3 của Đại tướng Văn Tiến Dũng, Bản báo cáo về Nam Bộ kể cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long và chủ trương của Trung ương Cục miền Nam trong thời gian tới.
Mở đầu cuộc họp của Bộ Chính trị, đồng chí Lê Duẩn vui vẻ thốt lên: “Tình hình phát triển nhanh quá. Tây Nguyên là một mốc quan trọng để đánh giá địch, chúng bị 4 bất ngờ...”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975.
Bộ Chính trị nhất trí: Hoàn thành kế hoạch hai năm ngay trong năm 1975. Hướng tiến công chiến lược chủ yếu là Sài Gòn. Trước mắt nhanh chóng tiến công tiêu diệt toàn bộ lực lượng địch trong vùng chiến thuật 1, từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, giải phóng Huế - Đà Nẵng. Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quyết tâm chiến lược này.
Cục Tác chiến chuyển lệnh của Bộ Tổng tư lệnh cho các mặt trận khẩn trương thực hiện “kế hoạch thời cơ”. Phương châm tác chiến chiến lược là “Táo bạo, bất ngờ, kịp thời, chắc thắng”. Lệnh Quân đoàn 1 (thiếu 1 sư đoàn) lên đường. Ở Đồng bằng sông Cửu Long đánh mạnh, tích cực phá “bình định”, giành đất, giành dân. Thành lập thêm các tiểu đoàn ở huyện, tỉnh, khẩn trương huấn luyện để tác chiến.
2. Chiến dịch Huế - Đà Nẵng
Từ ngày 6-3-1975, ta bắt đầu tiến công ở Trị Thiên và Khu V. Đến ngày 21-3, từ hai chiến dịch ở hai quân khu (Quân khu Trị Thiên và Quân khu 5), ta phát triển thành chiến dịch có ý nghĩa chiến lược tiến công Huế - Đà Nẵng.
Bộ Chính trị họp vào chiều 24-3 (thay vì sáng 25-3 do ta nắm được địch có ý định rút khỏi Cố đô Huế), tại cuộc họp này, đồng chí Lê Trọng Tấn báo cáo về khả năng ta sớm dứt điểm Trị Thiên - Huế. Đây sẽ là một chiến thắng lớn. Địch có thể co cụm về Đà Nẵng, ta phải nhanh chóng tiến công Đà Nẵng, tiêu diệt và làm tan rã 2-3 sư đoàn ngụy, phá ý đồ địch co cụm về Sài Gòn.
Bộ Chính trị khẳng định: “Thời cơ chiến lược lớn đã tới”, hạ quyết tâm mới: Nắm vững thời cơ chiến lược, tranh thủ thời gian cao độ, nhanh chóng tập trung lực lượng vào phương hướng chủ yếu, hành động táo bạo, bất ngờ làm cho địch không kịp dự kiến, không kịp trở tay, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa.
Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở Mặt trận Quảng Đà (Mặt trận 475), chỉ định đồng chí Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, đồng chí Chu Huy Mân làm Chính ủy. Quyết định thành lập Quân đoàn 3 do đồng chí Vũ Lăng làm Tư lệnh, đồng chí Đặng Vũ Hiệp làm Chính ủy.
Cục Tác chiến đã biết ngay ngày 25-3 ta giải phóng Huế. Cục gấp rút hoàn chỉnh Kế hoạch giải phóng Đà Nẵng để Thường trực Quân ủy Trung ương thông qua ngày 26-3. Cục giúp Bộ Tổng tham mưu hiệp đồng với các tổng cục và Đoàn 559 điều động cả binh lực và vật chất kỹ thuật (2.600 tấn hàng các loại) bảo đảm cho chiến dịch này; giúp Bộ Tổng tham mưu trực tiếp tổ chức chỉ huy Chiến dịch giải phóng Đà Nẵng, chủ trì tổ chức cơ quan chiến dịch. Cục cử các cán bộ đã quen thuộc chiến trường như: Cục phó Mai Xuân Tần làm quyền Tham mưu trưởng chiến dịch, Trưởng phòng Lê Phi Long làm Trưởng phòng Tác chiến, cùng nhiều cán bộ khác: Phạm Văn Ái, Phan Đăng Lung và một số cán bộ của Học viện Quân sự cấp cao biệt phái vào cục lên đường đi phục vụ chiến dịch.
Ngày 29-3, ta giải phóng Đà Nẵng. Sau 25 ngày đêm chiến đấu, ta tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ Quân đoàn 1, Quân khu 1, tiêu diệt và làm tan rã 10 vạn quân ngụy, giải phóng 5 tỉnh Bắc Trung Bộ và đến ngày 3-4, ta quét sạch địch, giải phóng toàn bộ đồng bằng và ven biển miền Trung.
3. Giải phóng quần đảo Trường Sa
Ngày 25-3, theo đề nghị của Quân ủy Trung ương, Bộ Chính trị đồng ý ghi vào Nghị quyết: Giải phóng quần đảo Trường Sa.
Theo chỉ thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Cục Tác chiến đã cử cán bộ sang Bộ Ngoại giao xin cung cấp tài liệu, bản đồ về các đảo, quần đảo Việt Nam. Cục chuyển lệnh của Bộ Tổng tham mưu cho Bộ tư lệnh Hải quân phái ngay sở chỉ huy tiền phương vào Đà Nẵng, vừa tiếp quản căn cứ Hải quân ngụy, vừa chuẩn bị sẵn sàng phát triển chiến đấu trên biển, giải phóng các đảo của ta.
Ngày 4-4, Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cho Bộ tư lệnh Quân khu 5 và Bộ tư lệnh Hải quân tiến công giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa do quân ngụy chiếm giữ.
Ngày 9-4, Bộ Tổng tham mưu điện tối khẩn cho Quân khu 5 và Hải quân: “Có tin quân ngụy chuẩn bị rút khỏi các đảo ở Trường Sa. Cho lực lượng ta hành động kịp thời theo phương án đã xác định. Nếu để chậm có thể quân nước ngoài chiếm trước, vì hiện nay, một số nước đang có ý đồ xâm chiếm”.
Từ ngày 14 đến 29-4, bộ đội Hải quân được tăng cường một đơn vị của Quân khu 5 đã giải phóng hoàn toàn các đảo Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn và Trường Sa.
Chiến thắng này có ý nghĩa to lớn, tầm chiến lược.
NGUYỄN CHÍ HÒA
Ghi theo lời kể của Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Phó cục trưởng Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu)
Kỳ 1: Tham mưu các mũi tiến công
Kỳ 3: Chiến dịch Hồ Chí Minh - Non sông thu về một mối