(Tiếp theo)
“Thỏ non” bắt gọn “cáo già”
QĐND Online - Đại tá Vũ Đình Hòe chậm rãi nhấp ngụm nước rồi giải đáp với chúng tôi:
- Khi anh Nguyễn Hữu An nêu vấn đề, tôi nhớ lại thời kỳ đi học Học viện Phrun-de ở Liên Xô, tôi đã tìm hiểu cách nắm địch khi tiến quân thần tốc của quân đội nước bạn trong Thế chiến thứ 2 thông qua việc sử dụng lực lượng trinh sát đi trước bằng xe tăng, xe bọc thép. Trên xe có phương tiện thông tin để đi đến đâu thì trinh sát kỹ thuật thông báo tình hình địch đến đó, lại có khả năng vừa trinh sát, vừa đánh địch. Lúc đó, thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam cũng đã rõ ràng, nên lực lượng điệp báo của ta bắt đầu ra công khai, nhiều cụm điệp báo đã cử người ra hai bên đường đón đại quân ta, nắm chắc tình hình địch tại chỗ để thông báo cho quân ta được biết.
 |
Anh hùng LLVT nhân dân ngành trinh sát kỹ thuật Nguyễn Tiến Nhự
|
Tư lệnh Nguyễn Hữu An và Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 đã thực hiện đề xuất này của Đại tá Vũ Đình Hòe. Bằng cách sử dụng lực lượng tăng-thiết giáp đi trước, vừa trinh sát nắm địch, vừa bất ngờ tiến công khi gặp địch. Xe tăng ta tiến như vũ bão, điệp báo và nhân dân loan báo rộng rãi càng khiến các đơn vị quân đội Việt Nam Cộng hòa thêm hoang mang trước những bước tiến thần tốc của quân ta. (Trong sự kiện 30-4-1975, cũng chính lực lượng xe tăng của Quân đoàn 2 đã mạnh dạn thọc sâu, tiến vào Dinh Độc lập đầu tiên, bắt sống nội các Dương Văn Minh).
Câu chuyện với Đại tá Vũ Đình Hòe tình cờ nhắc chúng tôi nhớ đến một lực lượng tình báo đã có đóng góp rất quan trọng trong tất cả các chiến dịch trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975: Lực lượng trinh sát kỹ thuật. Đại tá Nguyễn Dạn là một nhân chứng lịch sử từng tham gia xây dựng ngành trinh sát kỹ thuật từ những năm tháng tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, chính ông là người đã “bắt” được cuộc điện đàm của Pháp về việc cho lính nhảy dù, tăng cường xây dựng Điện Biên Phủ thành cụm cứ điểm kiên cố. Thông tin quan trọng này đã được báo cáo kịp thời với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, góp phần để ông đi đến quyết định đề nghị Đảng ủy Mặt trận cho phép chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.
 |
Tiểu đoàn 35, Trung đoàn 75 Trinh sát kỹ thuật – đơn vị có nhiều thành tích nắm địch xuất sắc.
|
Tiếp chúng tôi vào những ngày tháng 4 rực nắng, người cán bộ tình báo từng nghiên cứu, khắc chế thành công “hàng rào điện tử Mắc Na-ma-ra” vui vẻ:
- Nói về trinh sát kỹ thuật thì tôi có thể nói được, nhưng là những cái chung thôi. Lực lượng trinh sát kỹ thuật trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước phát triển rất toàn diện, về sau được biên chế về các quân khu, quân đoàn chủ lực, nên những chuyện nắm địch cụ thể thì nhiều lắm. Đặc biệt là trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, nếu như trước khi bước vào các chiến dịch, nguồn tin từ điệp báo chiến lược rất quan trọng để cấp trên xây dựng quyết tâm tác chiến, thì khi bước vào chiến dịch, tin tức thu được từ trinh sát kỹ thuật lại chiếm vai trò chủ yếu để ta đánh nhanh, đánh mạnh vào các khu vực địch phòng thủ.
Theo Đại tá Nguyễn Dạn, thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng trinh sát kỹ thuật gặp vô vàn khó khăn khi bám nắm địch. Mỹ-ngụy có máy móc tối tân, lại được đào tạo chính quy, kỷ luật cao nên rất khó nắm bắt. Có khi, một bức điện của địch chỉ vài dòng nhưng nơi gửi, nơi nhận đều được giấu bằng danh hiệu mật. Nội dung điện vừa mã, vừa tắt, có “bắt” được cũng không dễ gì đọc hiểu được. Địch lại thường xuyên thay đổi phương tiện, tần số làm việc khiến ta rất khó theo dõi. Khó khăn hơn cả là ngành trinh sát kỹ thuật của tình báo ta lúc đó còn non trẻ, các máy thu của Liên Xô, Trung Quốc tài trợ để nắm địch, sử dụng có khi còn chưa thành thạo. Trình độ Anh văn của bộ đội thấp, đa số đều trải qua đào tạo cấp tốc về Anh văn. Cục Nghiên cứu đã mạnh dạn đề nghị cấp trên cho tuyển số anh em đã tốt nghiệp Đại học Anh văn ở bên ngoài vào để đào tạo nghề tình báo.
Nhưng cũng nhờ nghiệp vụ ta yếu đã khiến địch có phần chủ quan. Trình độ yếu nhưng tình báo kỹ thuật tràn đầy quyết tâm, quyết thắng. Với khẩu hiệu “không sợ khó, không bó tay”, từ chỗ lơ mơ về nghiệp vụ, về ngoại ngữ, càng về sau anh em càng thành thạo nghiệp vụ, nắm chắc quy luật hoạt động của đối phương, xây dựng thành lý luận, khắc phục mọi khó khăn để nắm địch. Nhiều người đã ví: Khởi đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, trinh sát kỹ thuật của ta chỉ là “thỏ non”, còn địch đã thực sự là “cáo già”, hiếm có tình báo kỹ thuật nước nào đạt đến đỉnh cao của họ. Vậy mà về sau, “thỏ non” đã “bắt sống cáo già” hết chiến dịch này đến chiến dịch khác. Như đồng chí Nguyễn Tiến Nhự, từ chỗ không biết Anh văn, đã kiên trì tự học, khi thấy bất cập máy thu tin siêu tần số của ta chỉ phù hợp giải tần từ 70-100Mhz, trong khi của địch lại từ 70-350Mhz, nên nhiều kênh tín-thoại của địch ta không bắt được. Nguyễn Tiến Nhự đã cải tiến trang bị ngay trong chiến trường, bằng cách lắp thêm các sợi dây đồng vào ăng-ten cũ, thay những nhánh khác nhau theo số liệu tính toán trước và làm thêm các tụ điện ở bên trong để thay đổi bộ lọc của máy. Kết quả, ta thu thêm được các bản tin có nội dung dài của địch, nhiều bản tin có giá trị như các báo cáo của Bộ Tổng tham mưu ngụy về tình hình các chiến trường. Hiểu biết về địch cứ tăng dần, cho đến khi Mỹ điên cuồng cho B52 ném bom hòng hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh miền Bắc thì ngành trinh sát kỹ thuật đã hoàn toàn làm chủ, “nắm thóp” địch để báo cáo cấp trên biết trước nhiều ngày, nhiều giờ. Cho nên mới có câu chuyện trước khi ném bom Hà Nội, máy bay B52 của địch “sắp chết” nhưng địch vẫn không hay biết…
Vừa “tóm”, vừa “lừa” địch
- Trong mùa Xuân 1975, trinh sát kỹ thuật của ta không chỉ nắm chắc địch mà còn sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để nghi binh lừa địch rất tài tình, đúng không ạ ? – chúng tôi hỏi Đại tá Nguyễn Dạn.
- Đương nhiên rồi, đó cũng là một phần công tác của trinh sát kỹ thuật mà. Tôi lấy ví dụ như trong Chiến dịch Tây Nguyên, ta chọn Buôn Ma Thuột sẽ là điểm đột phá. Các Sư đoàn 10, Sư đoàn 320 được điều động về gần Buôn Ma Thuột chuẩn bị chiến dịch, nhưng hệ thống điện đài của các đơn vị này vẫn giữ nguyên vị trí cũ và liên tục phát đi các bức điện, báo cáo, mệnh lệnh giả với tần suất cao. Cách nghi binh đó đã giúp ta giữ bí mật ý định tác chiến. Cũng thông qua trinh sát kỹ thuật, mà ta xác định được là đến giờ chót, địch vẫn không hề nắm được mũi tấn công chủ yếu của ta. Điều đó góp phần quan trọng để Bộ tư lệnh Chiến dịch hạ lệnh tiến công. Quá trình chiến đấu là quá trình ta và địch liên tục đấu trí với nhau, nhờ nắm địch, ta biết là chúng đang đối phó ta ra sao. Nhờ đó, ta lại điều chỉnh đội hình, nhằm giảm thương vong cho bộ đội mà vẫn giữ được mục tiêu tiến công.
 |
Đại tá Nguyễn Dạn (bên phải) với phóng viên Báo QĐND.
|
Chiến dịch Tây Nguyên không chỉ mở ra thời cơ để ta xây dựng kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975, đây cũng là chiến dịch mà nghệ thuật sử dụng lực lượng trinh sát kỹ thuật đạt đến đỉnh cao. Bộ tư lệnh B2 thành lập Đoàn 21 trinh sát kỹ thuật với một lực lượng hùng hậu. Các quân khu, quân đoàn, sư đoàn, trung đoàn… đều có đơn vị trinh sát kỹ thuật với đầy đủ các bộ phận thu tin sóng ngắn, thu tin sóng cực ngắn, thu tin siêu tần số, mã thám-thông báo cùng các bộ phận bảo đảm. Riêng ở chiến trường Tây Nguyên, lực lượng trinh sát kỹ thuật chuyên trách trên toàn chiến trường đã được bố trí khá hoàn chỉnh với lực lượng chủ lực là Đội C150 do Cục Nghiên cứu (Bộ Tổng tham mưu) tăng cường cho Bộ tư lệnh Mặt trận B3. Với hơn 100 chiến sĩ, đội được chia thành các phân đội thu tin, mã thám, thông báo, bảo đảm và được trang bị nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại. Quá trình chiến đấu, Đội C150 dưới sự chỉ huy của Đội trưởng Lê Kiểm, Chính trị viên Trần Đình Thảo còn thực hiện thu máy địch để đánh địch. Nhiều loại máy của Mỹ-ngụy như máy thu sóng cực ngắn PRC-25, máy thu siêu tần số, máy khai thác mật mã… đã được đưa vào phục vụ nắm địch. Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo, nguyên Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên ngày 30-4-1995 đã phát biểu: “Về C150, tôi cảm ơn Cục Nghiên cứu-Bộ Tổng tham mưu đã cử vào Mặt trận B3 một đội trinh sát có trình độ rất cao. Tôi cũng cảm ơn đội C150. Đối với tôi, khi ở cương vị Tư lệnh Mặt trận B3, nhiều lúc nguồn tin của trinh sát kỹ thuật là chính xác nhất, đáng tin cậy nhất. Phần đóng góp thầm lặng của Đội C150 nói riêng, của trinh sát kỹ thuật B3 nói chung vào chiến thắng là rất to lớn, không những về mặt chiến thuật, chiến dịch mà cả chiến lược. Có thể nói, trinh sát kỹ thuật là một trong những nhân tố của chiến thắng ở Tây Nguyên”.
Đại tá Nguyễn Dạn cho biết:
- Khi còn quân Mỹ trên chiến trường, việc thu tin từ trinh sát của Mỹ khó khăn hơn, vì quân đội Mỹ thường sử dụng kỹ thuật mã “lóng”. Quân ngụy thì dễ nắm hơn. Đặc biệt là kể từ khi bị mất Tây Nguyên, địch hoảng loạn nên gần như không mã thám tin tức nữa. Tin tình báo thu được dồn dập, chủ yếu địch sử dụng tin moóc và thoại. Mà ngụy thoại thì rất dễ đoán, có lúc địch nói thẳng trên điện đàm.
Lực lượng trinh sát đã đóng góp to lớn cho chỉ huy các cấp không chỉ trong nắm địch mà cả trong chỉ huy chiến đấu. Như trong chiến dịch Tây Nguyên, sau khi địch để mất địa bàn chiến lược, trinh sát kỹ thuật của ta đã thu được các bản tin của quân ngụy về việc tổ chức rút chạy khỏi Tây Nguyên qua hướng Quốc lộ 7. Quốc lộ 7 là con đường mà địch đã “bỏ quên”, từ lâu không tu sửa. Địch tưởng rằng, việc rút chạy qua Quốc lộ 7 sẽ gây bất ngờ cho ta, nhưng không ngờ bị trinh sát kỹ thuật “bắt” được, Bộ chỉ huy Chiến dịch đã kịp thời điều động lực lượng chốt chặn trên Quốc lộ 7, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu một lực lượng lớn quân ngụy.
 |
Trực ban tình huống D2, E75 Trinh sát kỹ thuật trong những ngày cuối tháng 4 năm 1975.
|
Cũng chính trinh sát kỹ thuật đã sớm nắm được ý đồ địch bỏ Huế, rút chạy về Đà Nẵng bằng đường biển. Nắm được ý đồ này, Bộ tư lệnh Chiến dịch đã điều quân chủ lực chặn địch ở cửa khẩu Thuận An, làm tiêu hao và tan rã một lực lượng lớn của địch. Đại tá Nguyễn Dạn cho biết, bắt đầu từ Chiến dịch Tây Nguyên, đến Chiến dịch Huế-Đà Nẵng, rồi Chiến dịch Hồ Chí Minh, lực lượng trinh sát kỹ thuật đã phát triển rộng khắp, cùng với điệp báo chiến lược, quân báo trinh sát và tình báo nhân dân, hợp thành khối tin tức tổng hợp để từ Tổng hành dinh cho đến chỉ huy cấp phân đội chủ động xây dựng kế hoạch tiến công thần tốc. Đó cũng là một nét nghệ thuật quân sự độc đáo của ngành tình báo quốc phòng mà thế giới chưa có tiền lệ.
- Chúng cháu nghe kể, chính trinh sát kỹ thuật của Tiểu đoàn 35, Trung đoàn 75 đã thu được tin Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi và Chuẩn tướng Phan Ngọc Sang bị kẹt ở sân bay Thành Sơn, nguồn tin trên đã thông báo kịp thời để bộ đội ta bắt sống hai tên tướng ngụy trong chiến dịch đập tan tuyến phòng thủ Phan Rang? – chúng tôi hỏi Đại tá Nguyễn Dạn. Ông cho biết:
- Đó là một chiến công rất thú vị. Hai tướng ngụy sau khi bị bắt đã khai ra nhiều tin tức quan trọng, góp phần cho chúng ta xây dựng kế hoạch tác chiến trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Nhưng về khoản này, các anh nên hỏi anh Tống Trần Thuật, người tham gia khai thác tin tức từ hai tướng ngụy.
(còn nữa)
HỒNG HẢI – THU HÙNG (thực hiện)
Kỳ 1: Vào “biển giáo, rừng gươm” như trẩy hội
Kỳ 3: Liên tục “giải mật” tài liệu địch