QĐND - Bên cạnh đường thủy, lực lượng biệt động còn vận chuyển vũ khí bằng đường bộ vào nội đô Sài Gòn. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn và nguy hiểm nhưng các chiến sĩ biệt động vẫn hoàn thành xuất sắc, góp phần cho thành công trên là những lão nông trung kiên với cách mạng và các cô giao liên dũng cảm trên vùng đất thép Củ Chi…

Người "lót ổ" cho những chuyến hàng đặc biệt

Vũ khí từ các đoàn tàu không số được vận chuyển bằng đường thủy về tập kết tại Củ Chi. Một phần trong số đó theo các con tàu có số vào nội thành, phần còn lại được các chiến sĩ biệt động vận chuyển bằng đường bộ. Thời điểm đó, chính quyền Việt Nam Cộng hòa bố trí hệ thống đồn bốt dày đặc cùng với lực lượng tuần tra kiểm soát dọc các tuyến đường trọng yếu từ Củ Chi vào Sài Gòn. Để qua mặt địch, vũ khí được ngụy trang hết sức độc đáo và táo bạo ngay tại Củ Chi. Người phụ trách công việc ngụy trang thường là ông già Dương Văn Ten (Chín Ten) và anh trai Dương Văn Đây (Năm Đây) - những cây đại thụ ở vùng đất thép Củ Chi.

Vũ khí được cất giấu trong bộ ván gỗ. Ảnh tư liệu

Theo lời kể của con gái ông, bà Dương Thị Phiên (tức Hai Phiên), năm nay đã gần 70 tuổi, ông Chín Ten nổi tiếng trong vùng là người không biết sợ. Với đám lính và phòng vệ dân sự của chính quyền Sài Gòn, một ly ông cũng không nhường, lôi thôi là ông chửi. Sự dọa nạt đối với ông chỉ như một liều kích thích, khiến ông càng chống đối chính quyền. Ấy vậy nhưng ông Chín Ten lại sống rất có nghĩa có tình với bà con lối xóm và đặc biệt rất trung kiên với cách mạng. 10 đứa con trong nhà ông đều cho tham gia cách mạng (trong đó có 3 người là liệt sĩ). Ông từng nói với các con: “Đất Củ Chi có đánh đến mấy đời cũng không hết người. Trước sau thì bọn Mỹ cũng thua ta. Không thua sao được, tao dám cá với tụi bay đấy”.

Ngày đầu tham gia cách mạng, ông Chín Ten nhận nhiệm vụ từ đồng chí Hai Trí đào hầm để giấu cán bộ, chứa vũ khí, sau đó ông trực tiếp ngụy trang và vận chuyển vũ khí. Ông đốn cả những cây cao su lớn trong vườn để nhét đạn cối, nòng cối, súng, đạn vào bên trong. Khi cần chuyển bàn đế của khẩu cối 82 vào Sài Gòn, ông Chín Ten cũng hiến luôn cái tủ thờ để ngụy trang. Chiếc tủ thờ được ông nội để lại và là một vật linh thiêng trong gia đình người dân Nam Bộ, nhưng ông đâu có tiếc, tất cả vì cách mạng.  

Cải tiến những ván gỗ, tủ thờ thành các ngăn bí mật chứa vũ khí, ngoài ông Chín Ten và Năm Đây, còn có chiến sĩ biệt động Trần Phú Cương (tức Năm Mộc). Là một thợ mộc giỏi, kiếm nhiều tiền, nhưng ông Năm Mộc không ham. Ông thường xuống Củ Chi ở nhà ông Chín Ten để ngụy trang cho các chuyến hàng đặc biệt vào thành phố. Với đôi tay khéo léo, anh em ông Chín Ten và ông Năm Mộc đã đục các tấm ván hay khúc gỗ cao su thành những khuôn in hình khẩu B40, B41 cùng đạn, súng AK, lựu đạn và thuốc nổ... Nhìn bề ngoài, những tấm ván được ông cải tiến không có gì khác biệt nhưng bên trong là những ngăn, khuôn khéo léo được giằng bởi những tấm gỗ ghép để chống xô lệch. Khi ráp hai mảnh vào nhau, bào mịn đường ghép, đánh véc-ni phẳng như tấm ván liền, không thể phát hiện vết ghép. Tấm ván còn được ngâm vào phân trâu làm cho màu sắc đậm lỳ như đồ gỗ đã lâu năm. Bà Hai Phiên còn dùng mạt cưa chêm quanh số vũ khí để chúng không phát ra tiếng động và bị xê dịch khi vận chuyển.

Không chỉ giấu vũ khí trong tủ thờ, ván gỗ hay những khúc củi, anh em ông Chín Ten còn chặt tre, đan cần xé (sọt đựng rau củ), bồ cà tăng (loại cót dùng làm vách) để ngụy trang cho vũ khí. Đan lát là nghề truyền thống của người dân Củ Chi và gia đình ông Chín Ten. Những cần xé 2 đáy do nhà ông làm vừa chắc, vừa kín đáo, có soi kỹ đến mấy thì cũng không thấy gì khác ngoài rau củ quả. Vũ khí như kíp nổ, lựu đạn, băng đạn nằm giữa hai lớp đáy. Còn những cuộn bồ cà tăng khi cuộn lại bên trong có thể chứa các loại súng lớn như B40, AK... Ngoài ra, vũ khí như lựu đạn còn được giấu trong những chậu cây cảnh, hoa mai... Bà Hai Phiên nhớ lại: "Ngày nào cũng có những chuyến xe lam chở hàng bông từ mạn Củ Chi, Hóc Môn vào thành phố. Trên xe là những cần xé đậu bắp, cà chua, khổ qua… còn trên mui là những cuộn cà tăng xếp chật cứng. Ngụy trang kỹ nên qua các trạm gác, bọn địch đâu có biết những chuyến hàng đặc biệt trên".

Tủ thờ, ván gỗ lên thành phố “tránh bom”

Không chỉ ngụy trang, anh em ông Chín Ten còn tham gia vận chuyển vũ khí ra Lộ 1 (nay là Quốc lộ 22). Có lần, hai ông già râu tóc bạc phơ, cưỡi trên chiếc xe bò cà tàng chở chiếc tủ thờ thong thả lên thành phố. Anh em ông Chín Ten có nhiệm vụ chở hàng giao cho người của ta chờ sẵn ở lộ. Từ nhà qua lộ không xa nhưng khá nguy hiểm bởi thường xuyên có mật vụ và chiêu hồi nhòm ngó. Đúng như dự đoán, đi nửa đường, ông Chín Ten gặp tên mật vụ có thâm niên trong vùng. Tên này phản cách mạng, nhận tiền của lính ngụy để do thám chỉ điểm, suốt ngày xăng xái ngoài đường. Hắn thấy ông Chín Ten chở chiếc tủ thờ đẹp liền hỏi:

- Ông Chín mang cái tủ thờ quý đi đâu vậy?

Ông Chín Ten nói:

- Ôi, cái thời này bom đạn dữ quá, để ở nhà tránh sao khỏi hư hỏng, tao mang cái tủ quý này gửi vào nhà người quen trên Sài Gòn cho chắc ăn, bao giờ yên lại chở về.

Tên mật vụ nghe có lý, hắn nhòm ngó một lúc rồi bỏ đi.

Ông Chín Ten (bên trái) cùng anh trai Năm Đây và ông Hai Trí bên chiếc xe bò chở vũ khí. Ảnh tư liệu

Cũng có lần ông Chín Ten đi với cô con gái Hai Phiên hoặc giao liên Nguyễn Thị Ngọc Huệ (bí danh Thu Ba). Theo ông thì con gái có lợi thế trong công việc này hơn mấy ông già. Ông thường căn dặn Hai Phiên và Ngọc Huệ đừng làm cao quá với bọn lính, phải nhanh trí, bắt chuyện cho vào tai để được việc mình. Sinh ra ở Củ Chi, hai cô giao liên Hai Phiên và Ngọc Huệ tham gia cách mạng sớm và là những cô giao liên xinh đẹp, dũng cảm, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Không chỉ làm công việc giao liên đưa thư, dẫn đường, đưa rước cán bộ trên khắp các ngả đường tới lui giữa các cơ sở, hai "bông hoa" vùng đất thép này còn tham gia vận chuyển nhiều chuyến vũ khí an toàn ra lộ. 

 Cô Ngọc Huệ nhớ lại lần chuyển bộ ván gỗ cùng chú Chín Ten lên thành phố “tránh bom” bằng xe bò. Theo kế hoạch, hai chú cháu chở bộ ván ra lộ, giao cho một cơ sở chở về Sài Gòn. Đoạn đường từ nhà ra lộ khá dễ dàng, không bị mật vụ nhòm ngó hay lính gác kiểm tra. Nhưng khi chiếc xe bò vừa ra đến lộ thì một toán lính khoảng 5-6 tên từ đâu đổ ra đi nghênh ngang ngoài đường. Gần đó, chiếc xe tải của cơ sở ta đang chờ trên lộ. Bọn lính thấy cô gái Củ Chi xinh đẹp, liền tán tỉnh:

- Cô em chở bộ ván này đi đâu thế?

- Em chở lên Sài Gòn gửi nhà người quen, để ở đây bom đạn nhiều dễ hư lắm. Ngọc Huệ đáp nhanh và nói tiếp:

- Em phải đi luôn đây không trời nắng.

Tụi lính vẫn lẽo đẽo theo sau chiếc xe bò, trêu ghẹo cô gái trẻ. Đến gần chiếc xe tải, Ngọc Huệ hỏi lớn:

- Xe chú có chở hàng không?

Người lái xe là chiến sĩ biệt động Nguyễn Văn Ba (bí danh Ba Bảo) nhanh nhảu đáp:

- Đang ế đây, chở liền.

Nhân lúc này, Ngọc Huệ liền nói:

- May quá có xe lên Sài Gòn, nhờ mấy anh khiêng giùm em bộ ván lên xe.

Mấy tên lính được dịp thể hiện trước người đẹp. Chúng hăng hái khiêng bộ ván gỗ từ xe bò lên xe tải mà miệng cứ kêu nặng quá và thì thầm chắc là gỗ tốt lắm đây. Nhóm lính đâu có ngờ bên trong đó chứa toàn những loại súng lớn, dùng để đánh vào chính đầu não của bọn chúng trên Sài Gòn.

Cứ thế, nhiều bộ ván gỗ chứa hàng đặc biệt được đi “di tản” ra khỏi Củ Chi vào thành phố tránh bom đạn. Cực nhọc và nguy hiểm là vậy, nhưng anh em lão nông Chín Ten và những cô giao liên trên đất Củ Chi lại cảm thấy vui mừng và tự hào mỗi lần hoàn thành nhiệm vụ. Cô Ngọc Huệ nói: “Mỗi khi nghĩ đến số vũ khí ấy được chuyển thành công vào thành phố, để các chiến sĩ biệt động đánh vào hang ổ đối phương, chúng tôi vô cùng phấn khởi, quên cả mệt nhọc, hiểm nguy".

MINH NGUYỄN

 

Kỳ 1: Những chiếc ghe có phép "tàng hình"

 

Kỳ 3: Những chuyến hàng đặc biệt và căn hầm bí mật