QĐND - Nhận ra rằng tướng Nguyễn Khánh cũng không có khả năng làm nên trò trống gì, CIA chuyển hướng sang việc tuyển mộ và làm quen với các sĩ quan hay nhân viên dân sự cấp dưới-những người không tuyệt đối trung thành với tướng Nguyễn Khánh để chuẩn bị thế hành động về sau.
Sự ra đi tất yếu
Hai nhân vật nổi cộm nằm trong tầm ngắm của CIA chính là tướng Nguyễn Văn Thiệu, Tổng Tham mưu trưởng liên quân và tướng Nguyễn Cao Kỳ, Tư lệnh Không quân. Thiệu là người kín đáo, âm thầm bổ nhiệm các sĩ quan gốc Đại Việt vào các chức vụ quan trọng và giải thích với Đ.Xmít rằng các sĩ quan này có kinh nghiệm và khả năng đương đầu Cộng sản. Tuy nhiên, CIA biết rằng tướng Nguyễn Văn Thiệu muốn dùng các sĩ quan tham gia Đảng Đại Việt để âm mưu lật đổ Nguyễn Khánh. Trong khi đó, Nguyễn Cao Kỳ được CIA nhận xét là một sĩ quan thích “bề ngoài” nhưng có khả năng "lôi cuốn".
 |
Nguyễn Văn Thiệu và Đại sứ C.Lốt-giơ trong một cuộc gặp tại Sài Gòn năm 1965.
|
Tháng 2-1964, Nguyễn Cao Kỳ nói với R.Mi-lơ (Russ Miller)-một nhân vật CIA đang ở thăm Sài Gòn, rằng các sĩ quan trẻ cần được giao các chức vụ chỉ huy xứng đáng, nếu không chế độ của tướng Nguyễn Khánh cũng sẽ có cùng số phận như chế độ Dương Văn Minh! Kỳ nghiễm nhiên là “lãnh tụ” của nhóm tướng trẻ và được CIA đánh giá là người có quyền lực nhất tại Sài Gòn.
Ngày 16-8-1964, trong cuộc họp tại Vũng Tàu không có sự tham dự của tướng Dương Văn Minh, theo đề nghị của Kỳ, các tướng đã biểu quyết cách chức Dương Văn Minh, cử Nguyễn Khánh làm Quốc trưởng, và công bố Hiến chương Vũng Tàu. Trong khi đó, các cuộc biểu tình phản đối của các thành phần Phật giáo và Công giáo đã buộc tướng Nguyễn Khánh hủy bỏ Hiến chương, cam kết thành lập chính phủ dân sự. Tháng 1-1965, Khánh lập chính phủ dân sự với Thủ tướng là Phan Huy Quát-một nhân vật của Đảng Đại Việt. Đa số các bộ do các chuyên viên dân sự nắm giữ, ngoại trừ tướng Nguyễn Văn Thiệu giữ chức Bộ trưởng Quân lực kiêm Phó thủ tướng và Kỳ nắm Bộ Thanh niên-Thể thao kiêm Tư lệnh Không quân. Thời gian này, trong Quân đội Việt Nam Cộng hòa có hai tụ điểm quyền lực chống nhau quyết liệt. Nhóm của tướng Nguyễn Khánh muốn đẩy các thành phần Đại Việt ra khỏi chính phủ, trong khi nhóm Đại Việt tính toán đảo chính lật Nguyễn Khánh.
Trong khi đó, sự bất hòa ngày càng gia tăng giữa tướng Nguyễn Khánh và Đại sứ M.Tay-lo (Maxwell Taylor), người thay thế Đại sứ C.Lốt-giơ phải về nước hồi tháng 6-1964 để tham gia công tác vận động tranh cử tổng thống cho ứng viên Đảng Cộng hòa B.Gôn-oát-tơ (Barry Goldwater). Khi đặt chân đến Sài Gòn, M.Tay-lo, với tác phong tự cao tự đại, đã làm mất lòng các tướng Sài Gòn. Đại sứ M.Tay-lo phản đối việc các tướng cách chức Dương Văn Minh và cho rằng điều đó đã làm hỏng nỗ lực giúp đỡ Việt Nam của Mỹ. Khi Nguyễn Khánh không chịu tới Tòa đại sứ gặp mặt theo lời mời, M.Tay-lo đã đích thân đến Bộ Tổng tham mưu gặp và tuyên bố thẳng thừng rằng Nguyễn Khánh không còn nhận được sự ủng hộ của Mỹ nữa. Nguyễn Khánh nói, nếu vậy ông sẽ từ chức và Đại sứ M.Tay-lo nói không thấy có vấn đề gì cả.
Tình hình trên khiến CIA bỏ Nguyễn Khánh!
Ngày 13-9-1964, một nhóm sĩ quan Công giáo miền Nam và Đại Việt cùng Nguyễn Văn Thiệu chuyển quân về Sài Gòn định đảo chính tướng Khánh nhưng bất thành do sự can thiệp của Kỳ. Tướng Nguyễn Khánh nhân cơ hội này loại trừ các sĩ quan Đại Việt ra khỏi các chức vụ quan trọng.
Ngày 3-2-1965, Nguyễn Cao Kỳ nói với R.Mi-lơ rằng các tướng trẻ không còn ủng hộ Nguyễn Khánh và đã đến lúc Nguyễn Khánh phải ra đi. Ngày 19-2, một cuộc đảo chính nhằm lật đổ Nguyễn Khánh diễn ra. Vụ đảo chính này do các sĩ quan Đại Việt và Công giáo tiến hành. Ngày 21-2, Nguyễn Cao Kỳ nói với R.Mi-lơ rằng cần để cho Nguyễn Khánh tự nguyện từ chức hơn là bị lật đổ.
Ngày 22-2-1965, Đại sứ M.Tay-lo họp ban tham mưu để tìm cách giải quyết bế tắc và cử R.Mi-lơ đi thuyết phục Nguyễn Khánh từ chức như đã nói trước đây. Kết quả là ngày 24-2-1965, Nguyễn Khánh từ chức và được cử đi làm đại sứ lưu vong.
“Kín đáo” và “thích giật gân”
Tháng 6-1965, các tướng trẻ giải tán chính phủ dân sự và thành lập Hội đồng Lãnh đạo quốc gia do tướng Nguyễn Văn Thiệu làm Chủ tịch (tương đương với Tổng thống) và tướng Kỳ giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương (tương đương Thủ tướng).
Lúc này đây, theo CIA, rất khó phán đoán Nguyễn Văn Thiệu vì người này kín đáo và trong thành phần phụ tá cận kề lại rất ít người có giao thiệp với CIA. CIA kết luận rằng, Nguyễn Văn Thiệu là người thận trọng, đa nghi quá mức cần thiết. Trái lại, Nguyễn Cao Kỳ rất dễ nắm bắt được vì nhiều nhân sự thân cận của Nguyễn Cao Kỳ có quan hệ với CIA. Theo CIA, Nguyễn Cao Kỳ là "một phi công giỏi, có khả năng lôi kéo người khác, nhưng không có kinh nghiệm quản lý và thích làm chuyện giật gân nguy hiểm". Một nguồn tin cho biết, sau khi bị Ngô Đình Diệm tạm giữ một thời gian do vụ hai phi công thuộc Không quân ném bom dinh Độc Lập ngày 2-1-1962, Nguyễn Cao Kỳ nói rằng thích những vụ ném bom như vậy vì tính gay cấn của nó chứ không phải vì chính trị. Nguyễn Cao Kỳ đưa ra một chương trình chiến tranh 26 điểm, nhưng tình hình chiến tranh không thấy xoay chuyển. Lúc này, Mỹ có 50.000 quân tại Việt Nam và từ tháng 5-1965, Tổng thống L.Giôn-xơn mở chiến dịch ném bom miền Bắc. Trong khi đó, CIA đẩy mạnh chương trình bình định. Trên danh nghĩa, Mỹ chỉ cố vấn các giới chức Nam Việt Nam, nhưng trên thực tế, CIA điều hành trực tiếp chương trình bình định từ cấp tỉnh trở xuống.
Ngày 21-6, G.Gioóc-gien-xen (Gordon Jorgensen), Trưởng trạm CIA Sài Gòn-người thay thế P.Xin-va đã được đưa về Mỹ điều trị sau vụ một xe bom phát nổ cạnh Tòa đại sứ hồi tháng 3-1965, báo cho Nguyễn Cao Kỳ biết chương trình tình báo và sự tiến triển của chương trình bình định. Nhân dịp này, Nguyễn Cao Kỳ yêu cầu CIA thông báo kịp thời nếu có âm mưu đảo chính.
VŨ DUNG
Kỳ 3: Đồng sàng dị mộng
Kỳ 1: “Một cổ hai tròng”