QĐND - Với chức năng làm tham mưu chiến lược, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu (BTTM) có vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu, đề xuất để Bộ Chính trị, Bộ Tổng tư lệnh quyết định những vấn đề chiến lược, thúc đẩy nhanh cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Những ngày sau Hiệp định Pa-ri

Ngày 27-1-1973, Hiệp định Pa-ri được ký kết.

Ngày 29-3-1973, quân đội Mỹ đã phải rút khỏi chiến trường miền Nam.

Bước sang giai đoạn mới, cuộc đấu trí chiến lược giữa các cơ quan đầu não chỉ huy của hai bên đã diễn ra thầm kín nhưng rất quyết liệt.

Qua một thời gian ngắn ta đã có đủ điều kiện để hiểu địch. Với âm mưu thực hiện chủ nghĩa thực dân mới, Mỹ chủ trương xây dựng chính quyền “Quốc gia dân tộc” kiểu Mỹ. Duy trì chế độ Nguyễn Văn Thiệu. Mỹ đề ra chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” cực kỳ thâm hiểm. Chúng vạch ra kế hoạch xây dựng quân ngụy “tinh nhuệ”, “trẻ trung”, đặc biệt hiện đại hóa không quân, hải quân ngụy và đẩy mạnh xây dựng lực lượng địa phương. Quân đội Mỹ rút quân nhưng để lại hầu hết vũ khí, đạn dược cho quân ngụy. Chúng lại tăng viện trợ ồ ạt một khối lượng trang bị quân sự rất lớn: 650 máy bay các loại, 70 khẩu pháo hạng nặng, 220 xe thiết giáp, 70 xe tăng cùng nhiều loại vũ khí chống tăng mới. Đến cuối năm 1973, tổng dự trữ vật tư của quân ngụy lên đến 2 triệu tấn. Quân số ngụy lên đến 1,1 triệu người.

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu hò hét mở liên tiếp các chiến dịch quân sự “Tràn ngập lãnh thổ”, “Bình định lấn chiếm” ra sức phá hoại Hiệp định Pa-ri.

Về phía ta: Quân ủy Trung ương do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị làm Bí thư, đã dự kiến hai khả năng:

- Hòa bình được duy trì-Hiệp định được thi hành từng bước.

- Chiến tranh sẽ tiếp tục.

Mỹ khó quay trở lại, nếu có thì có thể dùng không quân hải quân để cứu nguy. Ta ra sức tranh thủ khả năng 1, chuẩn bị sẵn sàng đối phó với khả năng 2.

Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo tác chiến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Ảnh tu liệu

Với chức năng làm tham mưu chiến lược, chiến dịch quân sự cho Quân ủy Trung ương, BTTM, Cục Tác chiến do đồng chí Vũ Lăng rồi tiếp đến là đồng chí Lê Hữu Đức làm Cục trưởng cùng toàn thể cán bộ, chiến sĩ của Cục, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ ngày 1-2-1969: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, đã xác định rõ ràng nhiệm vụ nặng nề mà cao cả của mình trong giai đoạn mới. Không một ai có ảo tưởng hòa bình, đồng thời cũng không cho rằng “Lửa chiến tranh nay đã tắt rồi...”, không khinh thường địch mà luôn tìm cách đánh giá đúng địch, đúng tương quan lực lượng địch ta, tập trung suy nghĩ lên kế hoạch tác chiến mới để giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Nhận định sau trận Phước Long

Trong những tháng đầu sau Hiệp định Pa-ri, do ta còn sơ hở trong chủ trương đối phó với âm mưu, hành động phá hoại Hiệp định Pa-ri của địch nên quân ngụy đã lấn chiếm và bình định nhiều vùng đất đai, gây cho ta những tổn thất nhất định. Cục Tác chiến đã tổng hợp đánh giá tình hình toàn miền Nam về mặt quân sự và đề xuất các kiến nghị lớn, báo cáo lên Quân ủy Trung ương để trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 21.

Ngày 4-10-1973, Hội nghị Trung ương lần thứ 21 đã ra Nghị quyết: “Thắng lớn vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới”, khẳng định “Con đường cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng, bất kể tình hình như thế nào ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công”.

Cục Tác chiến đã giúp BTTM soạn thảo đề cương báo cáo trong hội nghị trao đổi kinh nghiệm chống lấn chiếm, bình định của địch. Từ đó, các chiến trường đã đẩy mạnh hoạt động, liên tiếp mở các cuộc phản công, phá vỡ các cứ điểm địch trong vùng của ta, đánh bại một bước quan trọng kế hoạch “Tràn ngập lãnh thổ’ của địch.

Đặc biệt, đầu tháng 1-1975, ta mở cuộc tiến công giải phóng tỉnh Phước Long (gần Sài Gòn) giành thắng lợi lớn. Chiến thắng Phước Long cho ta thấy rõ hai điểm lớn: Khả năng chiến đấu của quân chủ lực của ta đã mạnh hơn quân ngụy; khả năng Mỹ trở lại là không còn nữa.

Trận đánh Phước Long là một trận “thăm dò chiến lược”. Cục Tác chiến cho rằng, cuộc tiến công và nổi dậy ở miền Nam có thể tiến hành sớm hơn dự kiến. Cục đã giúp BTTM chỉ đạo thực hiện vượt mức kế hoạch mở rộng tuyến đường vận chuyển chiến lược (chủ yếu là mạng lưới đường Trường Sơn Đông), tích cực chi viện cho lực lượng vũ trang ở miền Nam. Lần đầu tiên miền Bắc đưa các lực lượng và phương tiện đồng bộ quy mô lớn vào chiến trường. Đến cuối năm 1974, ta đã đưa vào được 19 vạn quân (gồm nhiều tiểu đoàn bộ binh, pháo binh, xe tăng-thiết giáp, pháo cao xạ…), 175 vạn tấn hàng (2 vạn tấn vũ khí, 2,3 vạn tấn xăng dầu, 1200 xe vận tải và xe kéo pháo, 8 vạn tấn gạo…).

Cục Tác chiến đã cùng Cục Quân lực đề đạt cấp trên tổ chức 3 quân đoàn để tạo ra sức đột phá mạnh mẽ quyết định thắng lợi chiến dịch: Quân đoàn 4 (tháng 7-1974), Quân đoàn 3 và Quân đoàn 2 (đầu năm 1975); soạn thảo kế hoạch thiết bị chiến trường bao gồm cả hệ thống thông tin đường dài từ miền Bắc đến miền Đông Nam Bộ, hệ thống ống dẫn xăng dầu vào đến Bù Gia Mập. Tháng 3-1974, Bộ đã phê duyệt kế hoạch này và chỉ thị đẩy nhanh thực hiện. Cục Tác chiến cũng đã giúp Bộ tăng cường chỉ huy chỉ đạo củng cố lực lượng vũ trang miền Bắc, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ miền Bắc trong mọi tình huống; phối hợp với Cục Dân quân giúp Bộ tổ chức Hội nghị Quân sự địa phương toàn miền Bắc nhằm thực hiện nhiệm vụ. Theo đó, các địa phương phải đảm đương được việc bảo vệ địa phương mình để ta có thể đưa các đơn vị chủ lực, dốc sức cho chiến trường miền Nam, giành toàn thắng; tham mưu giúp bạn Lào và Cam-pu-chia cùng thực hiện cuộc cách mạng giải phóng trên tinh thần đoàn kết đặc biệt, tình hữu nghị thủy chung “Đông Dương là một chiến trường”.

Xác định các mũi tiến công

Tháng 4-1973, BTTM thành lập Tổ Trung tâm nghiên cứu kế hoạch do Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó TTMT làm tổ trưởng cùng 3 đồng chí: Vũ Lăng, Cục trưởng Cục Tác chiến; Lê Hữu Đức, Võ Quang Hồ, Phó cục trưởng Cục Tác chiến. Thời gian sau bổ sung 2 đồng chí: Lê Ngọc Hiền, Phó TTMT và Phan Hàm, Phó cục trưởng Cục Tác chiến. Tổ Trung tâm làm việc rất bí mật, mỗi tuần dành trọn vẹn 2 ngày để trao đổi ý kiến tại phòng làm việc của tổ trưởng.

Có 5 vấn đề cơ bản trong nội dung nghiên cứu kế hoạch: Đánh giá tương quan lực lượng-Mỹ có trở lại không?; chọn hướng tiến công chủ yếu, mục tiêu chủ yếu; cách đánh chiến lược; những khó khăn cần khắc phục; thời gian bắt đầu tiến công vào tháng, năm nào?

Từ ngày bắt đầu nghiên cứu cho tới tháng 1-1975, bản kế hoạch này đã qua 8 lần chỉnh sửa, sau khi được Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo. Ngày 30-1-1974, Bộ Chính trị họp mở rộng bàn kế hoạch nắm bắt thời cơ, đẩy mạnh cách mạng miền Nam. Tổ Trung tâm đã giúp đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình quân sự, chính trị, đánh giá sự chuyển biến ngày càng có lợi trên chiến trường, đề nghị chủ trương phối hợp đấu tranh toàn diện và phương hướng tác chiến đến năm 1975. Đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng kết luận: “Chủ yếu là do sự nỗ lực của ta... Vấn đề bây giờ là phải đẩy mạnh đấu tranh toàn diện, làm cho nghệ thuật hơn, tạo thời cơ và khi đã có thời cơ thì phải nắm ngay để giành thắng lợi”.

Từ ngày 21 đến 22 tháng 7-1974, các đồng chí Phó TTMT Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn và Phó cục trưởng Cục Tác chiến Võ Quang Hồ xuống Đồ Sơn, Hải Phòng báo cáo với đồng chí Lê Duẩn kế hoạch giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975 và 1976. Khả năng nhiều nhất bắt đầu tiến công vào Xuân 1975.

Từ ngày 18-12-1974 đến ngày 2-1-1975, Bộ Chính trị họp mở rộng. Đồng chí Lê Ngọc Hiền báo cáo Kế hoạch hoạt động năm 1975. Bộ Chính trị thông qua Quyết tâm giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975 và 1976. Nhưng ta có thể tạo ra thời cơ mới với nhiều thuận lợi mới, tạo ra được “một ngày bằng 20 năm”, nếu bỏ lỡ thời cơ thì có tội với dân tộc. Nếu thời cơ đến thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975.

Một vấn đề lớn được thảo luận kỹ là mối quan hệ giữa Tổng công kích và Tổng khởi nghĩa. Ngày 7-1-1975, trong cuộc họp của Bộ Chính trị, đồng chí Lê Duẩn kết luận: “Phải 2 cái cộng lại thành một kết quả cao hơn 2 cái đó. Ta khó bất ngờ về chiến lược nên để chuẩn bị tổng công kích- tổng khởi nghĩa thì tổng công kích trước một ít, rồi tổng công kích với tổng khởi nghĩa”.

Vấn đề lớn thứ hai được tranh luận sôi nổi, kéo dài trong nhiều cán bộ cấp cao, cơ quan đơn vị chiến lược là hướng tiến công chiến lược đầu tiên. Sau cùng, hầu hết đều thống nhất với ý kiến đề xuất của Tổ Trung tâm. Ngay từ đầu Cục Tác chiến đã chọn Nam Tây Nguyên mà đòn đánh mở đầu vào thị xã Buôn Ma Thuột, vì đây là một địa bàn chiến lược vừa quan trọng lại vừa cơ động, là nơi địch yếu và sơ hở, dễ bị chia cắt và cô lập. Đánh vào đó thì ta mới thắng to.

Toàn bộ công việc chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng này đã được tiến hành hết sức chủ động, công phu, sáng tạo, giữ được bí mật tuyệt đối.

Về sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Tình hình ở giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến tranh bao giờ cũng diễn ra rất nhanh, không loại trừ đột biến... Thời cơ chiến lược thường xuất hiện trong thời gian ngắn và không bao giờ đứng lâu một chỗ. Phải kịp thời phát hiện thời cơ, nắm bắt thời cơ, “chớp” thời cơ để giành thắng lợi cao nhất... Thời gian là lực lượng... Tư tưởng “chắc thắng” , “thần tốc”, “thận trọng và mạnh bạo”, tùy theo từng tình huống cụ thể... Đó là nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh, là nét độc đáo tài tình của Đảng trong những ngày cuối năm 1974 và đầu năm 1975.

NGUYỄN CHÍ HÒA

(Ghi theo lời kể của Thiếu tướng NGUYỄN VĂN NINH, nguyên Phó cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu) 

 Kỳ 2: Xây dựng kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam