QĐND - Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng biệt động đã mưu trí, dũng cảm vận chuyển thành công hàng tấn vũ khí vào nội đô Sài Gòn. Số vũ khí trên được sử dụng hiệu quả, góp phần làm nên những chiến công vang dội, tiến đến ngày toàn thắng. Nhân kỷ niệm 40 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Báo Quân đội nhân dân giới thiệu cùng bạn đọc những ký ức về chiến công thầm lặng chưa được nhiều người biết đến của lực lượng biệt động vận chuyển vũ khí…
Kỳ 1: Những chiếc ghe có phép "tàng hình"
Nếu những chiếc tàu không số phải bí mật vượt hàng nghìn hải lý vận chuyển hàng hóa, vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam thì những chiếc ghe "có số" của lực lượng Biệt động Sài Gòn lại công khai chạy ngang, dọc trên sông đưa vũ khí vào nội đô. Mỗi chuyến đi của những chiếc ghe đặc biệt trên là cuộc đối đầu, đấu trí căng thẳng giữa các chiến sĩ biệt động với lực lượng tuần tra, kiểm soát của địch dày đặc trên sông…
Mưu lược, biến hóa của chiến sĩ biệt động
Đầu năm 1962, lực lượng Biệt động Sài Gòn có sự phát triển nhanh về lực lượng và nhiệm vụ nên nhu cầu về vũ khí, đạn dược cũng tăng theo. Theo đó, ngoài mìn, lựu đạn, các đơn vị biệt động trong nội thành Sài Gòn còn cần hàng tấn thuốc nổ, các loại súng lớn như: Cối, đại liên, DKZ, B40... để thực hiện những trận đánh lớn vào các mục tiêu đầu não. Các đơn vị làm công tác bảo đảm của Biệt động Sài Gòn như A20 và A30 nhanh chóng được thành lập với nhiệm vụ vận chuyển, cất giấu vũ khí, đạn dược từ ngoại thành vào nội đô, sẵn sàng bảo đảm vũ khí cho lực lượng biệt động chiến đấu.
 |
Cầu Bình Lợi (quận Bình Thạnh), nơi cha con ông Chín Khổ từng vận chuyển vũ khí qua đây.
|
Nhớ lại khoảng thời gian đó, Đại tá Trần Minh Sơn (Bảy Sơn) nguyên Phó tư lệnh Quân khu Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định, kiêm Tham mưu trưởng Biệt động Sài Gòn, cho biết: Bất chấp nguy hiểm, các chiến sĩ biệt động đã thiết lập những mạng lưới vận chuyển cả trên đường sông và đường bộ, các cơ sở liên lạc, ém quân và cất giấu vũ khí từ ngoại thành vào nội đô. Đặc biệt, lực lượng Biệt động Sài Gòn còn chủ động vận chuyển vũ khí từ các bến mà đoàn tàu không số cập dọc các tỉnh ven biển miền Tây như: Đồng Tháp, Bà Rịa-Vũng Tàu lên Sài Gòn bằng các loại xuồng và ghe “có số”. Đại tá Trần Minh Sơn giải thích: "Những chuyến tàu vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam là những con tàu không số, nhưng lực lượng Biệt động Sài Gòn lại có những chiếc ghe có số (tàu lưu thông trên sông phải đăng ký với chính quyền và có số, ký hiệu riêng) chở hàng tấn vũ khí thành công vào nội thành công khai ngay trước mắt địch".
Ông Bảy Sơn là người chỉ huy lực lượng Biệt động Sài Gòn duy nhất còn sống. Dù đã 90 tuổi nhưng ông vẫn mạnh khỏe và minh mẫn. Ông cũng là người từng trực tiếp tham gia vận chuyển vũ khí bằng đường sông.
Cuối năm 1965, sau khi khảo sát, nghiên cứu kỹ địa hình và tình hình địch, Tham mưu trưởng Biệt động Sài Gòn Bảy Sơn quyết định trực tiếp lái một chiếc ghe chở vũ khí từ huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) về Bến Tre, chuyển ghe và về Củ Chi. Cùng đi với ông Bảy Sơn còn có một bé gái 12 tuổi tên Thanh, đóng vai con gái. Sau khi lấy vũ khí tại Sở Thượng (Hồng Ngự) và được ngụy trang cẩn thận, bé gái ngồi trước mũi, ông cầm lái, “hai cha con” thẳng tiến lên Sài Gòn. Tuyến đường sông này khá đông đúc vì thương lái thường vận chuyển các loại đặc sản, hoa trái, hải sản của miền Tây lên Sài Gòn. Trong quá trình đi, ghe thường xuyên bị bọn cảnh sát ngụy khám xét nhưng chúng không phát hiện ra do vũ khí được cất giấu cẩn thận ở đáy dưới. Khi vào địa phận Bến Tre thì bị một nhóm lính ngụy trên bờ quát tháo:
- Vô đây, chở bọn tao qua sông.
Ông Bảy Sơn e ngại vì thuyền mình gồm hai đáy, nếu bọn lính bước sang cùng lúc ghe sẽ lắc mạnh, chúng sẽ nghi ngay. Nhưng không cho chúng đi cũng không được. Ông nhanh trí nói:
- Ghe tôi hỏng nhiều chỗ, mấy thầy bước xuống nhẹ nhàng giúp.
Bọn lính sợ ghe chìm, nguy hiểm đến tính mạng nên chúng răm rắp nghe theo sự sắp đặt vị trí ngồi của ông. Chuyến tàu đó đã vận chuyển trót lọt số lượng lớn vũ khí từ Đồng Tháp lên Củ Chi, rồi từ đây, lại được các con tàu, ghe “có số” khác đưa vào nội đô Sài Gòn...
Ghe hai đáy và phép "tàng hình"
Đã nửa thế kỷ trôi qua, những người trực tiếp tham gia vận chuyển vũ khí vào nội đô Sài Gòn trên những con tàu, ghe “có số” giờ không còn nhiều. Về xã Trung An, huyện Củ Chi-nơi xuất phát của các chuyến tàu, ghe "có số", chúng tôi may mắn gặp được anh Võ Văn Nóc (tức Tám Nóc). Anh Tám Nóc cùng cha mình là ông Võ Văn Nhân (Chín Khổ) và mẹ Trần Thị Dởn là những người vận chuyển số vũ khí kỷ lục bằng đường sông vào chiến trường nội đô Sài Gòn. Ba mẹ anh Tám Nóc đã mất lâu, nhưng ký ức về những chuyến vận chuyển vũ khí lên Sài Gòn đối với anh như mới ngày nào...
Cuối năm 1963, gia đình ông Chín Khổ bắt đầu tham gia vận chuyển vũ khí từ xã Trung An vào nội thành Sài Gòn dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Trí (Hai Trí), Chính trị viên Đơn vị Biệt động 159. Lúc đó, gia đình được cấp một chiếc ghe cấu tạo hai đáy một cách khéo léo, nhìn qua không thể phát hiện được. Để đóng được chiếc ghe đặc biệt đó phải là những thợ mộc có tay nghề rất cao ở các cơ sở cách mạng tin cậy. Phần đáy giả không được quá sâu nhưng phải chứa được số lượng vũ khí lớn, bảo đảm phải thăng bằng và không lắc mạnh khi đi trên sông. Đáy trên chính là nắp mở của “căn hầm bí mật” và phải trùng khít không để lộ một dấu vết nghi ngờ nhỏ nào.
Thông thường, sau khi cất giấu vũ khí cẩn thận trong đáy giả, gia đình ông Chín Khổ dùng những bó mía, những khúc gỗ hay hoa quả để ngụy trang. Với những loại vũ khí dài như nòng súng DKZ75 phải dùng đinh móc sát vào đáy ghe. Có chuyến phải vận chuyển bàn đế cối 82 vừa tròn, to lại có mấy sống đế nhô ra rất khó ngụy trang. Bà Chín có sáng kiến lật úp bàn đế lại, lấy đất sét đắp bằng mặt dưới bàn đế, kê lên đó mấy cục gạch biến thành cái bếp dùng nấu nướng, không ai có thể nhận ra.
Với ghe hai đáy, anh Tám Nóc cùng gia đình trực tiếp tham gia vận chuyển vũ khí từ cuối năm 1963 đến đầu năm 1968 vào nội đô Sài Gòn. Trung bình, khoảng 2 tháng, có lúc 3 tháng, cha con anh lại chở một chuyến “hàng” lên Sài Gòn. Tính ra, gia đình anh đã vận chuyển hàng tấn vũ khí vào Sài Gòn an toàn tuyệt đối. Số vũ khí tới Sài Gòn được đưa tới các hầm bí mật giao tại cầu Thị Nghè, đường Trần Quốc Toản (nay là đường 3-2), hay tại các hầm ở quận 8. Anh Tám Nóc nhớ lại: "Lúc đó, tôi mới có 14 tuổi, suốt ngày cùng ba mẹ rong ruổi trên sông. Đi nhiều thành quen, không biết sợ gì nữa nhưng cũng gặp nhiều nguy hiểm bởi lực lượng cảnh sát tuần tra và các trạm kiểm soát dày đặc trên sông. Có những lần trực thăng của địch trên không nã đạn như mưa quanh ghe, nhảy xuống sông là chết, chỉ còn cách ngồi im. Chúng sà xuống sát mũi ghe, cho người xuống kiểm tra giấy tờ, không có nghi ngờ gì chúng mới bay đi.
Chuyến hàng anh Tám Nóc nhớ nhất là vận chuyển súng cối và một số vũ khí hạng nặng khác chuẩn bị cho Chiến dịch Mậu Thân. Nòng súng cối được móc sát vào hai bên thành ghe, trong khi các vũ khí còn lại được cất giấu trong khoang hai đáy. Đây được coi là chuyến hàng cực kỳ quan trọng nên bố con ông Chín Khổ rất cẩn thận. Từ Củ Chi lên Sài Gòn, vượt qua nhiều trạm gác nghiêm ngặt, trong đó có trạm cầu Bình Lợi (quận Bình Thạnh ngày nay), bọn lính thường gây khó dễ cho các tàu bè, kiểm tra gắt gao. Qua nhiều lần vận chuyển, ông Chín Khổ biết rõ bản chất bọn lính ngụy là tham lam, đánh vào chỗ yếu này là qua mặt được. Gần đến trạm cầu Bình Lợi, ông Chín Khổ nói với con:
- Mầy xem có mấy đứa trên trạm?
Tám Nóc nói vọng xuống:
- Có 3 đứa, thầy ơi.
- Tới trạm, kẹp vào cây sào 150 đồng đưa cho chúng.
Khi tàu tới trạm, một tên nói lớn:
- Cha con ông Chín hả? Dừng lại cái coi.
Chiếc ghe ghé bờ, Tám Nóc nhanh tay đưa cây sào kẹp 150 đồng cho chúng. Nhận tiền nhưng chúng vẫn chưa cho qua ngay. Đến khi chúng ra hiệu cho ghe ông Chín đi thì không may nước triều rút xuống nhanh quá làm cây súng cối mắc bên thành mỗi lúc một lộ rõ. Ông Chín Khổ sợ rằng nếu không đẩy ghe đi nhanh, chúng sẽ phát hiện, nhưng lúc này ghe không thể đi vì mắc kẹt trong bùn.
Ông Chín Khổ hỏi:
- Mấy thầy có thanh gỗ dài nào không? Cho tui mượn.
Tụi cảnh sát đang mải chia chác trên trạm tỏ ra ngạc nhiên nhưng vẫn cho ông mượn một thanh gỗ dài.
Cầm thanh gỗ, ông Chín Khổ nhảy xuống, cắm một đầu vào thành ghe, đầu kia kê lên vai. Ông dùng hết sức đẩy ghe xuống sông. May thay, chiếc ghe trôi tuột, đúng lúc thằng cảnh sát tò mò nhìn xuống. Anh Tám Nóc cười nói: "Bữa đó, ghe không xuống nước chắc chắn hai cha con tui sẽ bị bắt và lô hàng đặc biệt kia sẽ bị lộ...”.
Nước sông Sài Gòn lên xuống theo triều cường và vũ khí, đạn dược vẫn được các con tàu “có số” công khai vận chuyển vào nội thành ngay trước mắt địch...
Bài và ảnh: MINH NGUYỄN
Kỳ 2: Cây đại thụ và những bông hoa trên vùng đất thép