QĐND - Cuối năm 1974, tình hình đất nước đã có những chuyển biến căn bản, những điều kiện cho việc giải phóng hoàn toàn miền Nam đang chín muồi. Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp vào tháng 10-1974 và tháng 1-1975 quyết định mục tiêu giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975-1976. Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh và Bộ Chỉ huy chiến dịch, Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân đã huy động cao độ các lực lượng tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Trước khi bước vào Tổng tiến công, Quân chủng Phòng không-Không quân đã chủ động chuẩn bị lực lượng và chuyển giao hơn 50% số trung đoàn pháo cao xạ, 100% lực lượng tên lửa vác vai tăng cường cho các chiến trường và xây dựng lực lượng phòng không cho các quân đoàn chủ lực. Lực lượng bổ sung của quân chủng đã làm tăng lực lượng phòng không của mặt trận B2 lên gấp 4 lần, B3 tăng hơn 3 lần, B1, B4 đều tăng 1,5 lần. Ngoài việc tăng cường lực lượng phòng không chủ lực, các chiến trường đều đã xây dựng, phát triển lực lượng bắn máy bay bằng súng bộ binh, súng máy phòng không của dân quân, tự vệ vùng giải phóng, vùng giáp ranh. Cả 4 lực lượng cơ bản của quân chủng gồm: Cao xạ, tên lửa, ra-đa, không quân đã tổ chức hành quân thần tốc cùng các binh đoàn bộ binh tiến vào giải phóng miền Nam. Tổng số lực lượng phòng không và không quân tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy bao gồm 5 sư đoàn pháo cao xạ và một đơn vị tương đương sư đoàn (gồm 68 tiểu đoàn pháo cơ giới, 17 tiểu đoàn súng máy cao xạ); 2 trung đoàn tên lửa phòng không; 2 tiểu đoàn tên lửa vác vai A-72, một đơn vị không quân chiến đấu, một đơn vị không quân vận tải, một tiểu đoàn ra-đa trinh sát, chưa kể các lực lượng cao xạ, súng máy phòng không tăng cường cho các đơn vị bộ binh... 

 

Khẩu đội súng máy Quân Giải phóng Trị-Thiên bắn rơi nhiều máy bay địch. Ảnh tư liệu

Trong Chiến dịch Tây Nguyên, bộ đội phòng không-không quân tham gia 8 trung đoàn cao xạ. Lực lượng phòng không đã bám sát các đơn vị bộ binh, pháo binh, đặc công, yểm hộ tốt cho các lực lượng binh chủng hợp thành phá vỡ thế phòng ngự chiến lược của địch ở Quân khu 2, làm thay đổi cục diện chiến trường, tạo ra thời cơ chiến lược mới. Trong trận then chốt mở màn chiến dịch đánh thị xã Buôn Ma Thuột, ta đã sử dụng tên lửa vác vai A-72 cùng với đặc công luồn sâu vào các mục tiêu, tiêu diệt các máy bay bay thấp trực tiếp bốc quân, đổ quân của địch. Các đơn vị phòng không đã đánh 83 trận trên không và 2 trận mặt đất bảo vệ lực lượng của ta và yểm hộ mũi thọc sâu tiến công địch. Không quân địch cũng bị bất ngờ trước sự đánh trả mạnh mẽ của các đơn vị phòng không của ta. Do đó, chúng bị thiệt hại nặng nề, ta đã hạn chế được tổn thất do không quân địch gây ra, bảo vệ có hiệu quả cho các đơn vị đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột... Trong toàn Chiến dịch Tây Nguyên, lực lượng phòng không đã bắn rơi 51 máy bay địch, có 19 chiếc rơi tại chỗ, bắn cháy 11 chiếc khác, bắt sống 3 giặc lái, đánh nhiều trận mặt đất, diệt 105 tên địch, bắt 207 tên, diệt 3 xe M-113 và nhiều ổ đề kháng, công sự, hỏa điểm địch, thu 246 súng các loại.

Trong Chiến dịch Trị Thiên và Chiến dịch Đà Nẵng, không quân địch tập trung đối phó quyết liệt trên hướng tây nam Huế. Cường độ hoạt động của máy bay địch trên hướng này là 20-30 lần/chiếc/ngày. Lực lượng phòng không Trị-Thiên và bắc Khu 5 đã yểm hộ các đơn vị tiến công tiêu diệt và làm tan rã Sư đoàn 2 ngụy, giải phóng Quảng Nam, Quảng Ngãi, uy hiếp Đà Nẵng từ hướng nam. Từ ngày 26 đến  29-3-1975, các lực lượng phòng không Trị-Thiên và bắc Khu 5 đã yểm hộ bộ đội hợp thành phát triển tiến công giải phóng Đà Nẵng, tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn Quân đoàn 1 ngụy, đập nát căn cứ liên hợp quân sự mạnh nhất của địch ở miền Trung, giải phóng hoàn toàn Quân khu 1. Tính từ ngày 5-3-1975 (ngày bắt đầu hoạt động phối hợp Chiến dịch Tây Nguyên) đến ngày 29-3-1975 (ngày giải phóng hoàn toàn Quân khu 1), các lực lượng phòng không Trị-Thiên, bắc Khu 5 đã bắn rơi, bắn cháy 14 máy bay địch, có 5 chiếc rơi tại chỗ, đánh 137 trận mặt đất, mặt nước...

Đà Nẵng được giải phóng, bộ đội không quân đã nhanh chóng tiếp quản sân bay và lập cầu hàng không Hà Nội-Huế, Hà Nội-Đà Nẵng, Đồng Hới-Đà Nẵng, từ Đà Nẵng đã tổ chức các chuyến bay lên các sân bay ở Tây Nguyên. Các loại máy bay An-24, IL-18, Li-2 đã bay thẳng từ Gia Lâm vào Phú Bài và Đà Nẵng, trực thăng thực hiện các chuyến bay trung chuyển từ miền Bắc vào Đồng Hới, rồi từ Đồng Hới tiếp tục vào Đà Nẵng chuyên chở người, vũ khí trang bị kỹ thuật, cờ, biểu ngữ, truyền đơn, đáp ứng cho các đơn vị tiến quân “thần tốc” vào dinh lũy cuối cùng của kẻ thù.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, bộ đội phòng không-không quân tham gia với lực lượng tổng hợp của cả nước, được huy động tới mức cao nhất từ trước đến thời điểm đó, bao gồm lực lượng phòng không tại chỗ và lực lượng phòng không cơ động, có đủ các binh chủng pháo cao xạ, tên lửa phòng không, không quân chiến đấu, không quân vận tải, ra-đa. Một số đơn vị được bổ sung từ miền Bắc cùng với các đơn vị nằm trong đội hình tiến công của các đơn vị binh chủng hợp thành đã có mặt ở chiến trường, tiếp tục cơ động hoặc triển khai bảo vệ vùng mới giải phóng. Sư đoàn Phòng không 367 nằm trong đội hình Quân đoàn 1 từ miền Bắc vào ngày 17-4 đã tập kết lực lượng ở Đồng Xoài; Sư đoàn Phòng không 365 cũng từ miền Bắc vào triển khai bảo vệ khu vực Duyên hải miền Trung; Sư đoàn Phòng không 375 đang bảo vệ vùng giải phóng Trị-Thiên cơ động vào bảo vệ thành phố Đà Nẵng...

Trên hướng bắc Sài Gòn, trong đội hình chiến đấu của Quân đoàn 1, các lực lượng phòng không đã linh hoạt, táo bạo trong tác chiến, không chỉ đánh địch trên không mà khi cần thiết đã tổ chức đánh địch cả ở mặt đất, mặt nước. Sáng 29-4, Trung đoàn Pháo cao xạ 280 được lệnh triển khai chiến đấu đánh địch mặt đất. Tiểu đoàn 105 dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Kiều Công Khí đã cho Đại đội 14 cắt hai khẩu pháo 37mm khỏi xe kéo, dùng sức người đưa pháo lên gò cao bắn tiêu diệt các lô cốt và lực lượng địch trên các nhà gác, tạo điều kiện cho bộ binh ta xông lên làm chủ cứ điểm Tân Uyên. Ngày 30-4, trên đường qua Lái Thiêu, Tiểu đoàn 102 tiếp tục phối hợp với các đơn vị phòng không của Sư đoàn 320, dùng pháo cao xạ diệt địch trên các nhà gác. Trong trận bao vây Phú Lợi, Bình Dương, các đơn vị phòng không yểm hộ Sư đoàn 312 đã tích cực diệt địch mặt đất bằng súng máy phòng không 12,7mm và pháo 37mm, diệt 13 hỏa điểm, 23 tên địch, bắt 302 tên, thu nhiều vũ khí.

Trên hướng tiến công của Quân đoàn 2, các Trung đoàn Pháo cao xạ 284, 243, 245 trong đội hình yểm hộ cho các Sư đoàn 325, 3, 304 đánh chiếm Long Thành, Nhơn Trạch, Cát Lái, Bà Rịa, Vũng Tàu, Nước Trong, Long Bình. Tại hướng này, địch điên cuồng dùng không quân đánh vào đội hình bộ binh, xe tăng, pháo binh, cao xạ của ta, có ngày chúng huy động tới hơn một trăm lần máy bay các loại oanh tạc, đối phó quyết liệt với đòn tiến công của quân đoàn. Các lực lượng phòng không đã phối hợp nhịp nhàng, chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Các trung đoàn thuộc Sư đoàn Phòng không 673 đều tiêu diệt được máy bay địch. Ngày 26-4, Trung đoàn 245 bắn rơi 2 chiếc AD-6, 1 chiếc A-37; Trung đoàn 284 và 243 bắn rơi 4 chiếc, Tiểu đoàn 18 thuộc Trung đoàn 243 đang cơ động bị địch đánh vào đội hình đã chiến đấu trong hành tiến, bắn rơi 1F-5E, pháo 37mm bắn rơi tại chỗ 1 trực thăng. Trận đánh quyết liệt nhất là ở Nước Trong, pháo cao xạ chiến đấu trong điều kiện địch sử dụng cả phi pháo ở mức độ tập trung cao.

Ngày 29-4, Tiểu đoàn 18 thuộc Trung đoàn 243 bố trí ở Long Tân đã dùng các loại pháo 23, 37, 57mm bắn chìm và bắn cháy 8 tàu địch trên sông Đồng Nai, Tiểu đoàn 120 thuộc Trung đoàn 284 trên đường hành tiến đã chủ động hiệp đồng với Tiểu đoàn 18 bắn chìm thêm 2 tàu địch. Tiểu đoàn 7 thuộc Trung đoàn 243 yểm hộ Sư đoàn 3 tiến công Vũng Tàu đã đánh 3 trận, bắn rơi 2 trực thăng. Tiểu đoàn 7 thuộc Trung đoàn 284 trong đội hình thọc sâu của Quân đoàn 2 khi qua Thủ Đức đã dùng pháo 37, 57mm bắn địch trên tháp nước, chòi cao, yểm hộ đắc lực cho bộ binh, xe tăng vượt qua và bám sát được đội hình binh chủng hợp thành tiến công vào dinh Độc Lập. Trên các hướng tiến công như vũ bão của quân đội ta, các lực lượng phòng không ba thứ quân và bộ đội không quân đã đề cao ý chí quyết tâm, hiệp đồng chặt chẽ, luôn bám sát các đơn vị binh chủng hợp thành, phối hợp nhịp nhàng với các đơn vị bộ binh, pháo binh, xe tăng, làm tròn nhiệm vụ đánh địch trên không, trên mặt đất, mặt nước, bắn rơi 253 máy bay các loại, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Đối với bộ đội không quân trong giai đoạn đầu của cuộc Tổng tiến công, nhiệm vụ chủ yếu là lập cầu hàng không phục vụ công tác chỉ huy, cơ động lực lượng, tiếp quản các sân bay thu được của địch. Ngày 19-4, Bộ tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho Quân chủng Phòng không-Không quân chuẩn bị cho không quân trực tiếp chiến đấu. Ngay trong ngày 19-4, quân chủng đã lựa chọn đủ số phi công tham gia chuyển loại máy bay và các thành phần chỉ huy, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu. Với tinh thần “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, quyết thắng”, các phi công MiG-17 của ta đã nêu cao ý chí quyết tâm, ngày đêm học tập, nghiên cứu sử dụng máy bay, sử dụng vũ khí, trang thiết bị trên máy bay A-37, chỉ sau 6 ngày luyện tập khẩn trương đã làm chủ máy bay ném bom A-37 vừa thu được của địch. Chiều 28-4-1975, “Biên đội Quyết thắng” của Không quân nhân dân Việt Nam gồm 5 phi công: Nguyễn Văn Lục, Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng, Nguyễn Thành Trung và Trần Văn On-phi công ngụy quyền Sài Gòn tình nguyện phục vụ cho ta-đã sử dụng 5 máy bay chiến lợi phẩm A-37 cất cánh từ Sân bay Phan Rang, bất ngờ tập kích Sân bay Tân Sơn Nhất, phá hủy 24 máy bay A-37 và F-5E, 4 máy bay vận tải của địch. Tiếng bom như sấm rền của không quân ta đánh vào Sân bay Tân Sơn Nhất đã góp phần đẩy nhanh sự tan rã của chính quyền ngụy quân, ngụy quyền, tạo thuận lợi cho các đơn vị tiến vào giải phóng Sài Gòn trưa 30-4-1975.

Thiếu tướng NGUYỄN PHƯƠNG DIỆN, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn - Tổng cục Chính trị