QĐND - Từ sau Chiến dịch Xuân Mậu Thân-1968, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta ngày càng gian khổ, ác liệt hơn. Trong điều kiện địch thường xuyên đánh phá, việc vận chuyển hậu cần, đặc biệt là vận chuyển gạo vào các chiến trường phía Nam vô cùng khó khăn. Mặt khác, do kho tàng dã ngoại, mưa lũ kéo dài, khí hậu ẩm ướt nên gạo bị xuống cấp rất nhanh.
Trước tình hình ấy, ngành quân nhu tích cực nghiên cứu, hoàn thiện quy trình sản xuất gạo đồ và kỹ thuật bao gói, nhằm đưa gạo vào các chiến trường vừa nhanh, vừa bảo đảm chất lượng, số lượng. Cục Quân nhu tiến hành thử nghiệm loại bao đựng gạo có 4 lớp túi: Lớp trong cùng và lớp ngoài cùng bọc bao PVC (pô-li-vi-nin-clo-rua) và PE (pô-li-ê-ty-len), miệng dính kín thành lớp màng bảo vệ, ngăn được nước; hai lớp ở giữa bằng sợi đay. Sau đó mang bao đóng đầy gạo đồ, tiến hành bảo quản 6 tháng trong các trường hợp: Chôn dưới cát gần bờ biển Sầm Sơn, chôn dưới đất cao và dưới ruộng tại vùng Xuân La (Từ Liêm, Hà Nội), thả trôi 5km ở suối Lương Sơn (Hòa Bình) và để trong kho đối chứng tại Kho 205 và kho Viện Nghiên cứu kỹ thuật ăn mặc-Cục Quân nhu (Hà Nội). Kết quả, sau một năm hạt gạo vẫn sáng, không bị hôi, mốc, mọt và chất lượng dinh dưỡng thay đổi không đáng kể.
Sáng kiến này đã bắt đầu một phương thức mới vận chuyển gạo ra chiến trường rất hiệu quả-đó là thả trôi gạo trên sông, trên biển. Hứng khởi trước sáng tạo này, Đại úy Trần Đức Long, nguyên Trợ lý nghiên cứu B3, Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần đã viết mấy câu thơ: “Gạo bao gói, thả sông, thả biển/ Một đặc thù vận chuyển Việt Nam/ Chưa từng thấy ở thế gian/ Mà trong đánh Mỹ, Việt Nam đã dùng/ Dưới những khóm cây, đường ven suối/ Chiến sĩ ta đóng gói, lồng bao/ Chặt tre, chặt nứa làm sào/ Dùng cây để đẩy, dùng sào để đưa…”.
Sáng kiến “thả gạo trôi sông đánh giặc” nói trên được áp dụng ngay. Chỉ riêng trong phục vụ cuộc tiến công chiến lược trên chiến trường Trị Thiên mùa hè năm 1972, ngay từ ngày đầu nổ súng (30-3-1972), quân nhu chiến dịch đã thả được 617 tấn gạo trôi trên các sông Đakrông, Ba Lòng, để phục vụ cho bộ đội ta tiến công vào phía nam Quảng Trị...
XUÂN THƯƠNG
(Theo "Lịch sử Quân nhu QĐND Việt Nam")