QĐND Online - Nhà tôi ở gần số 8 Cửa Đông, Hoàn Kiếm, Hà Nội, nơi có căn hộ của nữ Anh hùng tình báo Đinh Thị Vân. Bà đã thanh thản ra đi mãi mãi, để lại những câu chuyện như huyền thoại về một nữ điệp viên cộng sản cả đời hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Những mẩu chuyện như việc bà “lấy vợ cho chồng”, gạt bỏ mọi nỗi niềm riêng để hoạt động trong lòng địch… giờ được ông Đinh Văn Đạt, người cháu của bà, kể lại với niềm tự hào đặc biệt.
Cho đến nay, khi bà đã trở thành người thiên cổ thì những câu chuyện về bà vẫn gây xúc động mạnh mẽ cho những người được biết. Nữ Đại tá Đinh Thị Vân, Anh hùng LLVT nhân dân đầu tiên của ngành tình báo sống mãi trong lịch sử ngành tình báo quốc phòng Việt Nam không chỉ bởi những chiến công mà còn bởi bà là người đã chịu đựng, hy sinh hạnh phúc riêng tư vì nhiệm vụ, trước mọi đòn roi tra tấn của quân thù, bà đã nêu cao khí tiết “uy vũ bất năng khuất” của người cách mạng.
 |
Bà Đinh Thị Vân chuẩn bị cho một chuyến công tác vào nội đô Sài Gòn (ảnh chụp lại). |
Tháng 8-1959, khi đang hoạt động trong hang ổ Mỹ-ngụy giữa Sài Gòn thì bà bị một tên phản bội chỉ điểm. Bà bị địch bắt và tra khảo về đồng chí Năm Phong, một giao thông viên của Đặc khu ủy. Bọn mật vụ thay nhau tra khảo suốt đêm không nghỉ, hòng làm bà mỏi mệt phải khai ra. Tiếp đó, những trận đòn vùi dập trong Sở mật vụ khiến 10 ngón tay bà sưng húp, không cựa quậy được. Những chiếc đinh bù loong vẫn liên tiếp dội lên người bà. Không moi được gì, chúng đem máy quay điện đến. Bà chỉ còn thấy những tia xanh đỏ lóe lên trước mặt, toàn thân rung lên rồi không biết gì nữa. Ngất đi, tỉnh dậy không biết bao lần nhưng bà không hé răng khai nửa lời khiến bọn mật vụ cay cú trói bà vào ghế.
Địch đổi cách tra tấn. Chúng cho một tên nói năng nhỏ nhẹ đến tâm sự. Nó nói: “Như thế là chúng đánh dì 4 cách rồi, còn 3 cách nữa, ác lắm, con sợ dì không chịu được. Vì vậy dì nên khai đại đi, nếu chúng không lập được hồ sơ về dì thì con sợ chúng đánh dì chết mất”. Bà nghĩ: “Chúng bay còn 3 cách, chứ 30 cách tra tấn nữa tao cũng không sợ”. Bà lại tiếp tục im lặng khiến tên này không moi được gì.
Tức giận, địch treo ngược bà lên, đạp văng từ bên này sang bên kia, có lúc quay tít như con quay, đầu óc choáng váng, nước mắt, nước mũi trào ra. Sau chúng giúi đầu bà xuống thùng nước xà phòng, bắt bà uống nước đầy bụng, rồi trói chặt bà vắt lên nắp thành phuy chứa nước bẩn, đưa máy quay điện dí sát vành tai rồi quay mạnh. Bà bị hất nhào đầu xuống nước, toàn thân co giật liên hồi. Khi tỉnh dậy, nhớ lời dạy của Bác Hồ: “Uy vũ bất năng khuất”. Bà thì thầm: “Bác ơi, dẫu cháu có phải chết, cháu cũng sẽ đứng vững, sẽ xứng đáng là người đảng viên của Đảng do Bác sáng lập”. Nghĩ đến các cơ sở đã che giấu cho mình, bà càng có thêm quyết tâm chịu đau, không khai nửa lời.
 |
Đồng chí Đinh Thị Vân khi được phong Anh hùng LLVT nhân dân (ảnh chụp lại). |
Sau mấy ngày địch không tra tấn, chúng gọi bà lên và nói: “Nếu thực sự bà chỉ là người buôn bán, thì giấy bút đây, bà viết hai câu: Đả đảo Cộng sản, đả đảo Hồ Chí Minh, chúng tôi sẽ thả bà ngay”. Bà lấy lý do tay đau, với lại Cụ Hồ có bắt bớ gì bà đâu mà bà đả đảo. Nó bảo bà hô bằng miệng cũng được, bà không kìm được, đứng dậy chỉ vào mặt tên chủ sự: “Tổ sư cha cái thằng Ngô Đình Diệm tay sai nhà mày”. Tên chủ sự đạp bà bắn vào chân tường. Bà ngất lịm. Lại những cuộc tra tấn chết đi, sống lại. Bà giật dây chuyền, bông tai ném xuống rồi nghiến răng nói: “Mày cứ quay điện đi, quay nữa đi, quay cho tao chết đi, tao không sợ. Bỏ đây tao quay cho”. Bà bứt dây trói, cầm lấy bình quay tít, người bung khỏi ghế, đầu lao xuống nhà, lịm đi.
Không còn cách nào khai thác bà, địch đưa bà đến sở thú, nơi chúng có những phương thức tra tấn vô cùng dã man. Bà lấy ghim cài đầu, hì hụi khắc vào tường: “Tôi là Trần Thị Mỹ, quê ở Nam Định, bị bắt ngày 19-8-1959, qua an ninh quân đội, trại Vân Đồn, trại Lê Văn Duyệt. Hôm nay quay về đây, tôi sẵn sàng chết ở đây”. Được mấy hôm, chúng lại bịt mắt, giải bà đến chỗ tên Phan Khanh, một tên cáo già trong tra khảo tù binh. Tên này dẫn chuyện mẹ bà ở Nam Định đã chết trong cải cách ruộng đất, hòng lung lạc bà nhưng không khai thác được gì.
Về sau, lợi dụng chính phủ ngụy quyền liên tục đảo chính, lật đổ lẫn nhau, bà đã thoát ra khỏi nhà tù, tiếp tục gây dựng mạng lưới tình báo. Bà và mạng lưới của bà đã cung cấp sớm cho tổ chức những tin quan trọng như: Việc Mỹ đưa bao nhiên quân vào miền Nam, sự bố trí giữa quân Mỹ và quân ngụy, hỗn hợp quân Mỹ-ngụy; kế hoạch xây dựng nghĩa quân, địa phương quân của địch trên 43 tỉnh, thành miền Nam; chiến dịch “ba mũi tên tìm-diệt” mà Mỹ-ngụy dự định tiến hành; âm mưu của địch trong chiến dịch Gian-sơn Xy-ti với ý đồ đập tan cơ quan đầu não Việt cộng; các thông tin phục vụ Tổng tiến công và nổi dậy của quân dân ta trong Xuân Mậu Thân 1968.
 |
Khoảnh khắc đời thường của bà Đinh Thị Vân (ảnh chụp lại). |
Cho đến khi bà rút khỏi Sài Gòn, địch không hề hay biết về mạng lưới tình báo của bà. Bà được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân ngày 25-8-1970 và những ngày cuối đời, bà luôn được sống trong vòng tay yêu thương của đồng đội, của nhân dân.
Đại tá Đinh Thị Vân, sinh năm 1916, ở làng Đông An, xã Xuân Thành, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Tên thật là Đinh Thị Mậu, xuất thân trong một gia đình nho học, có truyền thống yêu nước. Ngay từ nhỏ bà đã ý thức được tinh thần đấu tranh chống thực dân đế quốc vì độc lập dân tộc. Được các anh trai là Đinh Lai Hạp và Đinh Thúc Dự, những đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương ngày ấy giác ngộ, động viên tham gia hoạt động cách mạng, làm giao thông liên lạc, cất giữ tài liệu bí mật của Đảng và tham gia tổ chức nhóm “ái hữu tương tế”, nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ cách mạng. Tháng 6-1954, tổ chức quyết định điều động Đinh Thị Vân lên công tác tại Cục Nghiên cứu, Bộ Tổng tham mưu - Bộ Quốc phòng. Bà được giao nhiệm vụ về Hà Nội hoạt động bí mật trong lòng địch, gây dựng cơ sở, tìm hiểu những ý đồ chiến lược của địch. Hoàn cảnh gia đình mẹ già yếu, chồng bị đau ốm nhưng vì nhiệm vụ đặc biệt, bà đã chủ động đề nghị với lãnh đạo đồng thời cưới vợ cho chồng, tạo điều kiện để mình hoàn thành nhiệm vụ.
Năm 1955, tổ chức phân công bà vào Nam. Sau một thời gian ngắn, bà đã ổn định được thế đứng hợp pháp, vận động được người trong hàng ngũ địch làm việc cho ta, lấy được nhiều tin tức, tài liệu của địch. Cuối năm 1959, bà bị bắt, bị địch dùng đủ loại hình tra tấn cực kỳ tàn bạo, dã man. Sau khi thoát khỏi nhà tù, được quần chúng bảo vệ, che chở nên bà liên lạc được với tổ chức, tiếp tục hoạt động. Nhiều lần, bà đến tận căn cứ địch để điều nghiên, giúp trên chỉ đạo tác chiến thắng lợi. Bà đã nêu cao phẩm chất của người đảng viên cộng sản, hy sinh hạnh phúc riêng vì lý tưởng cách mạng. Ngày 25-8-1970, bà được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và là anh hùng đầu tiên của ngành tình báo quốc phòng.
|
Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG