QĐND Online – Với Đại tá, NSND Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, nguyên Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân thì Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi ông vinh dự được có mặt tại Dinh Thống nhất vào ngày 30-4-1975, để ghi vào ống kính những thước phim lịch sử mà trong cuộc đời của một nghệ sĩ, chiến sĩ không phải ai cũng may mắn có được. 40 mùa xuân đã qua đi nhưng những thước phim do ông và đồng đội thực hiện vào thời khắc thiêng liêng đó mãi để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người chiến sĩ “viết sử bằng hình”.

Nhận nhiệm vụ bí mật

Khi nhận nhiệm vụ làm quay phim trong đoàn do cố đạo diễn Trần Việt của Điện ảnh Quân đội phụ trách, chiến sĩ trẻ Đặng Xuân Hải khi đó hăm hở chuẩn bị quân trang, máy quay sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ nhưng chưa biết cụ thể sẽ đi đâu, làm gì. Với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, sẵn sàng vào chiến trường để thực hiện nhiệm vụ của người chiến sĩ, tổ làm phim ra trận với ý chí “Tất cả vì miền Nam thân yêu”.

“Trên đường đi, đạo diễn Trần Việt phân công nhiệm vụ cho từng người, lúc đó tôi mới biết mình tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh cùng 2 đồng đội nữa, còn mũi khác đi theo Quân đoàn 3. Tổ làm phim của tôi đi theo Đoàn 232 tiến vào Sài Gòn, trong đó tôi là quay phim chính. Dọc đường đi từ Lộc Ninh về Sài Gòn, chúng tôi đã quay được rất nhiều hình ảnh đặc sắc như quân ta cùng với các xe tăng đang vượt sông Vàm Cỏ; nhiều đồn bốt của địch bị tiêu diệt…”, nghệ sĩ Đặng Xuân Hải nhớ lại.

Suốt đêm 29-4, tổ làm phim hành quân cùng bộ đội bộ binh, đến sáng ngày 30-4 thì có mặt tại khu vực Cầu Bông. Khi đến đây thì gặp một ổ phản kích và thời gian dừng lại tại đây khá lâu nên tổ làm phim đã quay được những hình ảnh chiến đấu của quân ta để mở nút Cầu Bông, tiến vào Sài Gòn. Sau đó, tổ làm phim tiếp tục đi về ngã tư Bẩy Hiền và sang phía Bộ Tổng tham mưu ngụy. Dọc đường đi, quay được rất nhiều hình ảnh quân ngụy bị bắt; giầy dép, quần áo của bọn chúng vứt la liệt trên đường; bộ đội, xe tăng của ta vượt sông, vượt đầm lầy… Tất cả những hình ảnh đó sau này sử dụng vào phim “Chiến thắng lịch sử xuân 1975”.

Đại tá, NSND Đặng Xuân Hải và bức ảnh ông đang cầm chiếc máy quay phim đã từng quay toàn bộ nội các Dương Văn Minh ngày 30-4-1975

Bộ Tổng tham mưu ngụy khi đó đã bị lực lượng của ta chiếm đóng, tổ làm phim chọn địa điểm này để dừng chân. Vì phương tiện lúc đó rất hạn chế, hơn nữa không ai nắm rõ địa chỉ đường phố Sài Gòn nên tổ làm phim mãi mới tìm được người dân địa phương dẫn đường về Dinh Thống nhất.

“Khi chúng tôi về đến Dinh Thống nhất là 12 giờ 30 phút ngày 30-4. Do bị trễ thời gian nên không quay được cảnh xe tăng húc đổ cửa Dinh Thống nhất. Lúc đó, trong sân của Dinh Thống nhất vẫn còn vắng, chỉ có lác đác một vài người dân đến, chiếc xe tăng húc cửa Dinh Thống nhất vẫn còn trong sân. Mặc dù rất nuối tiếc vì không quay được cảnh này nhưng cố đạo diễn Trần Việt đã liên hệ với Ban phụ trách quân quản của Dinh Thống nhất và bố trí để chúng tôi quay toàn bộ nội các Dương Văn Minh. Lúc đó toàn bộ nội các đã bị bắt và đang giam giữ ở các phòng lân cận trong Dinh Thống nhất, 1 máy quay chính của tôi và của anh Bùi Xuân Viện được huy động để quay những cảnh này”, nghệ sĩ Đặng Xuân Hải kể.

Làm việc quên cả đói, mệt

Gần 2 ngày miệt mài với những cảnh quay ghi lại thời khắc lịch sử quan trọng của đất nước nên trong lòng các chiến sĩ của Điện ảnh Quân đội cảm thấy vô cùng phấn chấn, quên cả đói, mệt. Hòa chung vào niềm vui chiến thắng của người dân Sài Thành khi đó, các ống kính của những chiến sĩ, nghệ sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam hướng về bộ đội, đồng bào miền Nam trong ngày chiến thắng, những cảnh người dân mang nước uống, thức ăn cho bộ đội vào chiều 30-4; hình ảnh giao lưu giữa bộ đội với nhân dân và các  sinh viên…đều được tổ làm phim ghi lại cẩn thận. 

Máy quay 35ly hoạt động hết công suất, quay phim chính Đặng Xuân Hải khi đó dù mệt nhoài vì phải làm việc với cường độ cao nhưng trong lòng cảm thấy vui bởi đã quay được nhiều hình ảnh có ý nghĩa. Sau khi đã quay hết những cảnh trong Dinh Thống nhất, trên đường đi từ Cầu Bông đến trung tâm Sài Gòn, tổ làm phim quay được khá nhiều hình ảnh người dân vẫy tay hai bên đường chào đón bộ đội.

Hơn 6 giờ chiều ngày 30-4, mặt trời đã lặn, không đủ ánh sáng để tiếp tục quay, tổ làm phim mới dừng công việc. Lúc đó, mọi người mới nhớ ra đã nhịn đói từ đêm hôm trước. Tuy mệt nhưng nhìn lại những thành quả mà tổ làm phim đã làm được, ai cũng cảm thấy ấm lòng. Trên đường về địa điểm tạm trú, đồng chí dẫn đường đã đưa tổ làm phim vào một gia đình cơ sở để ăn cơm.

“Có lẽ đây là bữa cơm đáng nhớ nhất trong cuộc đời bộ đội của tôi bởi đây là bữa cơm của ngày chiến thắng, của tình quân dân”, nghệ sĩ Đặng Xuân Hải bày tỏ.

Đường phố Sài Gòn đêm đầu tiên của ngày chiến thắng thật thanh bình, gương mặt ai cũng rạng ngời niềm vui, đó là một “đêm không ngủ” của người dân miền Nam và cả tổ làm phim.

“Đêm hôm đó, tôi không ngủ được bởi còn nhiều trăn trở, xen lẫn cả niềm vui, nỗi buồn bởi trong ngày chiến thắng, nhiều đồng đội của chúng tôi đã không trở về, các anh đã nằm lại đất mẹ để đất nước được thống nhất. Trong cuộc đời làm điện ảnh của mình, vinh dự lớn nhất của tôi là được có mặt trong thời khắc lịch sử quan trọng của đất nước, ghi chép lịch sử bằng hình ảnh chân thực, với người thật, việc thật, địa danh thật, đó là những tư liệu vô cùng quý giá”, nghệ sĩ Đặng Xuân Hải chia sẻ.

Hàng vạn thước phim quay ở Sài Gòn trong những ngày chiến thắng đã được tổ làm phim khắc họa trong tác phẩm điện ảnh “Chiến thắng lịch sử xuân 1975”, đã được giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ IV.

Trở lại mảnh đất phương Nam cùng 2 con sau 40 năm đất nước thống nhất, ông đến từng địa điểm đã in dấu chân mình năm xưa để kể cho các con nghe về những năm tháng ông có mặt tại đây nơi này để quay những thước phim tư liệu về ngày chiến thắng 30-4.

Đất nước đã thống nhất 40 năm, người chiến sĩ quay phim năm xưa giờ đã gần bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng mỗi khi xem lại những hình ảnh tư liệu đó, trong lòng người nghệ sĩ, chiến sĩ Đặng Xuân Hải lại bồi hồi cảm xúc. Những thước phim của ông đã được sử dụng nhiều trong các bộ phim và đó là vinh dự lớn trong cuộc đời người chiến sĩ.

Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN