QĐND - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quân đội ta không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, được trang bị vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) ngày càng hiện đại. Đặc biệt đến giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến (1973-1975), công tác bảo đảm kỹ thuật của Quân đội ta có bước phát triển mới. Việc thành lập Tổng cục Kỹ thuật (10-9-1974), cơ quan chỉ đạo công tác bảo đảm, quản lý VKTBKT, nghiên cứu kỹ thuật quân sự và sản xuất quốc phòng, là một sự kiện có ý nghĩa lớn trong lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội; đáp ứng được yêu cầu mới về tác chiến của cuộc kháng chiến. Từ đây, ngành kỹ thuật quân sự được xây dựng thành một hệ thống tương đối hoàn chỉnh và đồng bộ từ cấp chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, tạo thế và lực mới, góp phần bảo đảm cho quân và dân ta tiến hành thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Ngành kỹ thuật quân đội đã tập trung bảo đảm kỹ thuật cho hàng chục nghìn xe cơ giới phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Ảnh tư liệu

Giai đoạn từ 1973 đến 1975, quân và dân ta đã chuyển tới các chiến trường miền Nam một khối lượng VKTBKT và vật tư kỹ thuật gấp 1,6 lần so với tổng khối lượng của 13 năm trước. Nhờ đó tạo được lượng dự trữ vật chất cần thiết, nhất là về VKTBKT trên từng chiến trường để chuẩn bị cho tác chiến lớn. Riêng từ ngày 13-12-1974 đến ngày 6-1-1975, cùng với ngành hậu cần, ngành kỹ thuật đã bảo đảm 1.170 tấn vũ khí, đạn dược và vật chất các loại cho Quân đoàn 4 cùng các lực lượng vũ trang địa phương mở chiến dịch giải phóng thị xã và toàn tỉnh Phước Long. Đây là một trận trinh sát chiến lược, giúp cho Bộ Chính trị đánh giá và kết luận chính xác rằng, thế và lực đã nghiêng về phía ta. Từ đánh giá trên, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, quyết tâm giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976, đồng thời dự kiến nếu thời cơ đến thì giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975.

Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, ngày 9-1-1975, Thường trực Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch Tây Nguyên, mục tiêu then chốt là Buôn Ma Thuột, mở đầu cho cuộc tổng tiến công. Xác định đây là trận mở đầu then chốt, quyết chiến chiến lược, có tính quyết định thắng lợi của toàn bộ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Tổng cục Kỹ thuật đã tập trung mọi nỗ lực, chủ động và phối hợp chặt chẽ với lực lượng hậu cần-kỹ thuật của các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, bảo đảm mọi yêu cầu về VKTBKT cho chiến dịch. Các đơn vị tham chiến được bảo đảm 1.681 tấn vũ khí, đạn. Các tổ, đội, trạm sửa chữa cơ động được điều vào Tây Nguyên cùng cơ quan kỹ thuật chiến dịch kiểm tra, sửa chữa, bảo đảm VKTBKT cho các Sư đoàn 10, 320, 320a, 316. Trong quá trình chiến dịch, tổng cục còn chuyển tiếp vào mặt trận 2000 tấn VKTBKT. Khi địch rút chạy khỏi Tây Nguyên, các đội, trạm kỹ thuật bám theo bảo đảm cho các đơn vị truy kích trên Đường 7, Đường 5, giải phóng Phú Yên, xóa sổ Quân khu 2, Quân đoàn 2 của địch.

Sau Chiến thắng Tây Nguyên, Bộ Chính trị hạ quyết tâm hoàn thành kế hoạch giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975. Thực hiện quyết tâm của Đảng và Mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Kỹ thuật khẩn trương điều động nhiều cán bộ, nhân viên cùng trang bị bảo đảm kỹ thuật phục vụ các chiến dịch. Thắng lợi của Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, ta thu 129 máy bay, 179 xe tăng, 327 khẩu pháo, 47 tàu xuồng chiến đấu, 1.084 xe quân sự, hàng vạn tấn trang thiết bị quân sự, cùng các cơ sở kỹ thuật của địch.

Việc tổ chức bảo đảm hậu cần-kỹ thuật cho các quân đoàn chủ lực nhanh chóng áp sát Sài Gòn, cơ động chiến lược đường dài với quân số hàng chục vạn người, cùng nhiều xe máy, vũ khí, trang bị là một nhiệm vụ rất nặng nề. Ngoài sự chi viện lớn của cơ quan hậu cần-kỹ thuật cấp chiến lược, các cơ quan hậu cần-kỹ thuật quân đoàn cũng phải tổ chức hết sức chặt chẽ, dốc sức cùng cơ quan hậu cần-kỹ thuật các sư đoàn, các đơn vị binh chủng thực hiện nhiệm vụ mới có thể bảo đảm được đầy đủ, kịp thời cho bộ đội hành quân cơ động an toàn, vừa hành quân vừa đánh địch, tới điểm tập kết vẫn đủ sức chiến đấu. Với tinh thần “thần tốc, quyết thắng”, ngoài việc bảo đảm kỹ thuật cho các đoàn xe chở bộ binh, binh khí kỹ thuật, Tổng cục Kỹ thuật còn bảo đảm cho Quân đoàn 1 gần 1.200 tấn đạn, trong đó chủ yếu là đạn pháo. Nhờ đó, đã góp phần giúp quân đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công trong trận tổng công kích. Lực lượng kỹ thuật còn nhanh chóng bảo đảm vũ khí trang bị cho các đơn vị tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo ven biển Quân khu 5, các đảo ở vùng biển Tây Nam. 

Đến giữa tháng 4-1975, toàn bộ lực lượng tham gia chiến dịch đã đến vị trí tập kết trên các hướng theo kế hoạch, khối lượng đạn dược bảo đảm cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lên đến 60.000 tấn, vượt yêu cầu đề ra. Tính chung từ đầu tháng 1-1975 đến cuối tháng 4-1975, Tổng cục Kỹ thuật đã huy động hơn 2000 lượt cán bộ, nhân viên, gần 3000 lượt xe quân sự, cùng hơn 8000 xe của Bộ tư lệnh Trường Sơn và các địa phương tổ chức vận chuyển hàng chục vạn tấn VKTBKT bảo đảm cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc.

Phát huy những bài học quý trong kháng chiến chống Mỹ và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, ngành kỹ thuật phải quán triệt, nắm vững và vận dụng đúng đắn, sáng tạo đường lối quân sự của Đảng vào chỉ đạo và tổ chức bảo đảm kỹ thuật cho các lực lượng vũ trang nhân dân trong mọi tình huống. Trên cơ sở đó, ngành kỹ thuật tập trung mọi nỗ lực tiến hành công tác bảo đảm kỹ thuật phù hợp với điều kiện tác chiến, thực trạng VKTBKT và yêu cầu của đơn vị. Việc chỉ đạo và tổ chức bảo đảm kỹ thuật phải tập trung, thống nhất, kịp thời và đồng bộ, phù hợp với yêu cầu của từng chiến dịch, nhất là trong tác chiến hiệp đồng quân binh chủng. Toàn ngành cần phải luôn coi trọng công tác giáo dục, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm thực hiện nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn giỏi. Đây là nhân tố đóng vai trò quyết định thắng lợi trong công tác bảo đảm kỹ thuật. Cơ quan kỹ thuật các cấp phải nắm vững quyết tâm chiến đấu và kế hoạch bảo đảm kỹ thuật trong từng chiến dịch. Các lực lượng kỹ thuật, cơ sở bảo đảm kỹ thuật, cán bộ quản lý, chỉ huy kỹ thuật phải bám sát đội hình chiến đấu của bộ đội để nắm vững tình hình chiến trường, tình hình đơn vị, nhất là những đơn vị binh chủng kỹ thuật, từ đó có phương án bảo đảm kỹ thuật kịp thời, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và quy mô tác chiến.

Trung tướng NGUYỄN CHÂU THANH, Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật