QĐND - Bức ảnh về chiếc trực thăng Mỹ đậu trên nóc một tòa nhà ở Sài Gòn, với dòng người như đàn kiến đang leo lên để tìm đường di tản ngày 29-4-1975, được xem là biểu tượng cho sự thất bại của Mỹ trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Bức ảnh ấy đã gắn liền với tên tuổi của Hiu-bớt Van Ét (Hubert Van Es), phóng viên ảnh người Hà Lan làm việc cho Hãng Thông tấn quốc tế UPI tại Sài Gòn lúc bấy giờ...

“Giây phút một đi không trở lại”

Trong bài viết có nhan đề Thirty years at 300 millimeters (tạm dịch: 30 năm ở khoảng cách 300mm), đăng trên tờ New York Times số ra ngày 29-4-2005, Hiu-bớt Van Ét kể lại rằng, khoảng 11 giờ ngày 29-4-1975, Brai-ơn Ê-lít (Brian Ellis), Trưởng văn phòng đại diện của CBS News tại Sài Gòn-người phụ trách điều phối việc sơ tán các phóng viên báo chí nước ngoài, đã gọi điện cho ông thông báo địa điểm tập kết là chung cư Pittman trên đường Gia Long. Tuy nhiên, Hiu-bớt Van Ét quyết định cùng vài đồng nghiệp bám trụ lại Sài Gòn chừng nào còn có thể. “Ra đi vào lúc nước sôi lửa bỏng thế này thực sự tôi không muốn, tôi sẽ ở lại tới chừng nào có thể. Là công dân Hà Lan, tôi nghĩ mình sẽ ít gặp nguy hiểm hơn những người khác. May mắn cho tôi là ở lại bên tôi vẫn còn một số kỹ thuật viên người Việt-họ cũng như tôi-muốn tận mắt chứng kiến những giây phút cuối cùng của cuộc chiến này”, ông viết.

Bức ảnh để đời của Hiu-bớt Van Ét. Ảnh đăng trên New York Times

Trên đường từ điểm tập kết về, Hiu-bớt Van Ét đã chụp nhiều bức ảnh quan trọng, trong đó có cảnh một lính thủy đánh bộ chạm trán với một bà mẹ Việt Nam cùng đứa con trai nhỏ, hay các binh lính của Quân đội Việt Nam Cộng hòa vứt bỏ quân phục, vũ khí dọc con đường đến sông Sài Gòn… Để xử lý các bức ảnh vừa chụp được, Hiu-bớt Van Ét quay trở lại văn phòng làm việc nằm trên tầng cao nhất của Khách sạn Peninsula, nơi có thể nhìn thẳng sang chung cư Pittman. Khi liếc mắt nhìn sang, Hiu-bớt Van Ét đã thấy một chiếc thang gỗ được dựng sẵn, khoảng 20, 30 người đang chen nhau trèo lên thang để lên tầng thượng của chung cư. Khoảng 14 giờ 30 phút, bất ngờ ông nghe tiếng một đồng nghiệp hét lớn: “Van Ét, ra đây ngay, có một chiếc trực thăng ở trên mái nhà”. “Trực giác mách bảo tôi rằng, đó là những giây phút một đi không trở lại. Tôi bật dậy, vơ vội chiếc máy ảnh và tìm một ống kính dài nhất có thể (chắc tiêu cự chừng 300mm), lao vội ra ban công, chĩa ống kính sang sân thượng chung cư Pittman. Dòng người đông như kiến đang leo lên chiếc Huey của Hãng hàng không Air American (hãng hàng không vỏ bọc của CIA, chịu trách nhiệm thực hiện chiến dịch di tản ở Sài Gòn cuối tháng 4-1975). Nhưng chiếc Huey chỉ tải tối đa được 12-14 người. Tôi bấm liên tục, chừng 10 kiểu. Sau đó, tôi trở về phòng tối và xử lý phim để kịp có hình trước 5 giờ chiều gửi sang Văn phòng UPI tại Tô-ki-ô”, ông nhớ lại.

Sáng hôm sau (30-4-1975), bức ảnh, một trong những vật chứng sống động của lịch sử đã đến với độc giả toàn thế giới. Ngắm bức ảnh, lòng thấy chút thảnh thơi, Hiu-bớt Van Ét bước chân ra đường phố Sài Gòn. Ông nói: Cuộc chiến đã thực sự kết thúc. Trước mắt tôi là những người lính Giải phóng, phần lớn trong số họ còn rất trẻ. Và điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là họ rất nhiệt tình và thân thiện, thậm chí còn rất vui vẻ khi tôi đề nghị họ chụp ảnh. Thật khác một trời một vực những gì người nước ngoài chúng tôi đã nghe, đã lầm tưởng về “kẻ thù”.

Sự nhầm lẫn đáng tiếc

Tuy nhiên, có một điều đáng tiếc đã xảy ra với bức ảnh đi vào lịch sử này. Hiu-bớt Van Ét cho biết, khi gửi ảnh cho UPI, ông đã viết rõ rằng chiếc trực thăng đang đón người di tản từ mái một tòa nhà ở trung tâm Sài Gòn. Thế nhưng, “dường như những người biên tập không đọc kỹ và cho rằng đó là Đại sứ quán Mỹ, địa điểm sơ tán chính. Tôi đã phải nhiều lần nỗ lực để đính chính điều đó nhưng vô ích. Cuối cùng, tôi đã bỏ cuộc”, Hiu-bớt Van Ét nói với vẻ chua chát.

Theo New York Times, mặc dù bức ảnh xuất hiện hàng nghìn lần hết năm này qua năm khác trên các kênh tin tức, báo chí, thế nhưng tác giả của nó lại hầu như không nhận được một đồng bản quyền nào, ngoại trừ số tiền thưởng ban đầu 150USD từ UPI.

Liên quan đến sự nhầm lẫn đáng tiếc trên, vào năm 2000, Tạp chí People đã dành khoảng 5 tháng để tìm lại viên phi công lái chiếc trực thăng Huey ngày ấy cũng như địa điểm nơi bức ảnh được chụp. Sau nhiều ngày tìm kiếm, đối chiếu các dữ liệu, phóng viên của People cũng đã tìm ra địa điểm chính xác chính là nóc tòa chung cư nằm ở số 22 đường Gia Long (sau ngày giải phóng được đổi tên thành Lý Tự Trọng).

Dù sinh ra tại Hà Lan nhưng Hiu-bớt Van Ét luôn coi châu Á là nhà của ông. Khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, ông tới Hồng Công (Trung Quốc) và làm phóng viên tự do cho nhiều tờ báo, tạp chí lớn của thế giới. Ngày 15-5-2009, ông qua đời ở tuổi 67 vì tai biến mạch máu não. Sinh thời, các đồng nghiệp đã không ngớt dành những lời “có cánh” để nói về sự dũng cảm, tài năng và tính cách của phóng viên ảnh Hiu-bớt Van Ét. “Ông ấy là một trong số ít phóng viên ảnh phương Tây sẵn sàng mạo hiểm để chứng kiến cuộc chiến tranh kết thúc”, phóng viên chiến trường nổi tiếng Pi-tơ A-nét (Peter Arnett) nói với AFP. Trong khi đó, Chủ tịch Câu lạc bộ báo chí nước ngoài ở Hồng Công Ơn Hớp (Ernst Herb) cho rằng, “hiển nhiên Hiu-bớt Van Ét sẽ được nhớ tới như một chứng nhân vĩ đại của một trong những tấn kịch vĩ đại nhất nửa sau thế kỷ 20”.

Trong những dịp quay trở lại Sài Gòn nhân kỷ niệm 20, 25 và 30 năm Ngày Chiến thắng 30-4 của Việt Nam, Hiu-bớt Van Ét nhiều lần tâm sự rằng, Việt Nam đã góp công đầu mang lại danh tiếng nghiệp cầm máy cho ông, rằng bức ảnh lừng danh ông có được là nhờ “sự may mắn của số phận”. Tuy nhiên, có lẽ người Việt Nam và dư luận quốc tế cũng phải cảm ơn những phóng viên ảnh chiến trường như Hiu-bớt Van Ét vì đã ghi lại những giây phút ấy, để lịch sử không thể nào bị lãng quên.

HOÀNG VŨ