(Tiếp theo và hết)
QĐND - Bảo vật quốc gia là di sản có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học. Chiến tranh càng lùi xa thì các bảo vật quốc gia thời chiến càng có giá trị. Nhưng thời gian cũng là “sát thủ vô hình” dễ làm “tổn thọ” đến tính toàn vẹn của bảo vật quốc gia. Vậy, làm gì, làm như thế nào để đến trăm năm, nghìn năm sau, nhìn vào 6 bảo vật quốc gia thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các thế hệ cháu con mai sau vẫn có thể nhận diện được “ánh hào quang lịch sử” rạng rỡ của ông cha mình trong thế kỷ 20.
Tâm sự của những người bảo quản hiện vật
Đến các bảo tàng, được trực tiếp ngắm nhìn, tìm hiểu kỹ “lý lịch” của các bảo vật quốc gia thời chiến, tâm trạng chúng tôi không khỏi náo nức, bâng khuâng vì cảm thấy các báu vật thiêng liêng ấy như làm “sống dậy” một thời lịch sử oanh liệt của ông cha ta. Nhưng khi lật kỹ từng trang cuốn sổ trực ban Chiến dịch Hồ Chí Minh, một nỗi niềm man mác bỗng dưng choán lên tâm can chúng tôi vì một số dòng chữ đã ít nhiều bị nhòe nét trên những trang giấy ca-rô bạc màu. Nỗi lòng ấy càng thêm đau đáu khi nhìn những màu đỏ thể hiện các mũi tiến công của quân ta vào sào huyệt cuối cùng của kẻ thù trên tấm bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh, nay cũng đã bị bay màu. Cuộc chiến mới đi qua 40 năm, nhưng thời gian - nói như Đại tá, Thạc sĩ Lê Hồng Vân, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự (LSQS) Việt Nam - như một “sát thủ vô hình” làm ảnh hưởng đến sự vẹn nguyên, tinh khôi của nét chữ, màu mực trong cuốn sổ và tấm bản đồ.
 |
Các cựu chiến binh thuộc Kíp xe tăng 390 ngày 30-4-1975, cùng lãnh đạo Tổng cục Chính trị trong ngày lễ đón nhận danh hiệu bảo vật quốc gia cho xe tăng 390 (ảnh chụp tháng 11-2012).
|
Vốn là một kỹ sư hóa học và là một trong số ít chuyên gia đầu ngành về bảo quản hiện vật trong quân đội, Đại tá Lê Hồng Vân rất băn khoăn, trăn trở về việc làm sao để giữ gìn, bảo quản được các bảo vật quốc gia thuộc chất liệu như tấm bản đồ và cuốn sổ trực ban, trong điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa như ở Việt Nam. Bà nói: “Những người bảo quản chúng tôi rất sợ cái kiểu thời tiết “đỏng đảnh” ở nước ta, nhất là vào mùa mưa ở miền Nam và thời kỳ nồm ẩm ở miền Bắc, độ ẩm cao bất thường, ảnh hưởng bất lợi đến tuổi thọ các hiện vật. Ngôn ngữ của bảo tàng là hiện vật. Vì vậy, việc bảo quản sự toàn vẹn của các hiện vật gốc, đặc biệt là các hiện vật dễ bị ẩm mốc, côn trùng xâm hại như giấy, vải, dù… luôn có ý nghĩa sống còn đối với các bảo tàng”.
Chia sẻ thêm nỗi lo về tác động của môi trường, khí hậu đến các bảo vật quốc gia thuộc chất liệu kim loại, Thượng tá Đỗ Thanh Trúc, Trưởng phòng Kiểm kê - Bảo quản (Bảo tàng LSQS Việt Nam), cho biết: Những năm qua, chiếc xe tăng 843 được đưa vào trong nhà trưng bày nên ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Còn hai chiếc máy bay MiG 5121 và máy bay MiG 4324 là những hiện vật khối lớn trưng bày ở ngoài trời. Dù chúng tôi vẫn thường xuyên chăm lo bảo quản, bảo dưỡng từng chi tiết của máy bay để bảo toàn được tính nguyên trạng, nguyên gốc của nó, nhưng cứ để “trơ gan cùng tuế nguyệt” mãi ngoài trời như vậy thì lâu dài, hiện vật sẽ bị mưa nắng bào mòn”.
Vậy làm sao để ngăn ngừa, hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực từ thời tiết, môi trường khí hậu đối với các bảo vật quốc gia thời chiến? Mang băn khoăn này đến Thiếu tướng, TS Nguyễn Xuân Năng, Giám đốc Bảo tàng LSQS Việt Nam, ông cho chúng tôi biết: Đối với tấm bản đồ và cuốn sổ trực ban, điều kiện lý tưởng nhất là nó cần được bảo quản trong điều kiện “vô trùng, vô khuẩn”, tức là đặt hiện vật trong tủ kính với nhiệt độ thích hợp. Riêng đối với hai chiếc máy bay phải làm mái che mưa nắng.
"Về lâu dài, muốn các bảo vật quốc gia có tuổi thọ bền vững đến nghìn năm sau thì nhất thiết phải bảo quản nó ở chế độ đặc biệt, có thể ngăn ngừa hiệu quả những ảnh hưởng bất lợi từ nắng mưa, ẩm mốc, côn trùng và từ sự vô tình ngoài ý muốn của chính con người” - Thiếu tướng, TS Nguyễn Xuân Năng nhấn mạnh.
|
Sau khi chiếc xe tăng 390 ở Bảo tàng Tăng - Thiết giáp (TTG) được Thủ tướng công nhận là bảo vật quốc gia, không chỉ các nhân chứng gắn bó với chiếc xe tăng này, mà tất cả cán bộ, chiến sĩ của Binh chủng TTG đều vô cùng phấn khởi, tự hào. Nhưng để có được danh hiệu ấy, cán bộ, nhân viên Bảo tàng TTG và các cơ quan chức năng của binh chủng đã tốn bao công sức trong gần hai năm để làm nhiệm vụ “thẩm tra lý lịch”, gặp gỡ các nhân chứng và xây dựng, hoàn thiện hồ sơ khoa học cho hiện vật này. Thiếu tá Mai Thị Ngọc, Giám đốc Bảo tàng TTG, giãi bày tâm tư: “Hiện vật được gắn với danh hiệu bảo vật quốc gia là rất đáng quý. Nhưng sau khi đã công nhận danh hiệu rồi thì phải biết cách “chăm, nuôi” thì bảo vật quốc gia mới có thể “sống” lâu dài với đất nước, với thế hệ mai sau. Vì vậy, tôi rất mong ngành di sản văn hóa nước ta cần sớm ban hành quy chế đặc biệt để bảo quản, bảo tồn và phát huy tốt nhất giá trị các bảo vật quốc gia thời chiến”.
Ước vọng của các nhân chứng lịch sử
Một ngày cuối tuần, đúng hẹn, chúng tôi đến thăm Trung tướng Phạm Tuân tại tư gia của ông ở đường Trường Chinh (Hà Nội). Sắp vào độ tuổi “xưa nay hiếm” mà trông thân hình cao to, đạo mạo của chàng phi công năm nào vẫn không bị tuổi tác làm hao mòn diện mạo tinh tú ấy. Khi chúng tôi hỏi ý kiến của chủ nhân lái chiếc máy bay MiG 5121 về việc bảo tồn, phát huy giá trị của bảo vật quốc gia này, Trung tướng Phạm Tuân nói: “Ở Việt Nam ta có ba người bắn B52, anh Vũ Đình Rạng bắn bị thương, anh Vũ Xuân Thiều bắn rơi nhưng đã hy sinh cùng chiếc máy bay, thực tế hiện chỉ còn chiếc MiG 5121. Nó là biểu tượng của Bộ đội Không quân Việt Nam lần đầu tiên bắn rơi “pháo đài bay B52” của siêu cường quân sự Mỹ. Tôi nghĩ, giữ gìn được nó để giới thiệu cho các thế hệ sau này thì rất tốt. Bởi từ lâu, thế giới rất khâm phục, ngưỡng mộ về chuyện người Việt Nam ta đã sử dụng vũ khí của Liên Xô bắn rơi được B52 của không lực Hoa Kỳ”.
Chúng tôi hỏi tiếp:
- Ông thấy việc trưng bày, giới thiệu máy bay MiG 5121 ở Bảo tàng LSQS Việt Nam hiện nay đã xứng với tầm vóc chiến công của nó chưa?
Trung tướng Phạm Tuân ngẫm ngợi chốc lát rồi chia sẻ:
- Tôi đã đến tham quan bảo tàng ở nhiều nước trên thế giới, hiện vật người ta sơ sài thôi nhưng họ làm người xem rất cảm động. Tôi sang nước Nga tham quan bảo tàng, khi có những đoàn khách lớn thì họ mời những con người từng chiến đấu, gắn bó với hiện vật đó để giới thiệu với du khách. Tôi mong các bảo tàng quân sự của ta cũng nên học cách này để góp phần lôi cuốn, hấp dẫn khách tham quan hơn, nhưng đồng thời cũng chuyển tải được thông điệp lịch sử sâu sắc hơn đến công chúng.
Từng là trung sĩ, chiến sĩ lái chiếc xe tăng 843 của Đại đội 4, Tiểu đoàn 1 (Lữ đoàn 203) ngày 30-4-1975, nay cựu chiến binh Lữ Văn Hỏa đã 65 tuổi. Sau hơn 6 năm quân ngũ (1970-1976), ông trở về quê Hà Nam Ninh (cũ) sinh sống, lập nghiệp. Trong căn phòng giản dị của ông ở khu Mễ Nội, phường Liêm Chính, thành phố Phủ Lý (Hà Nam), ông vẫn lưu lại một tấm ảnh có chiếc xe tăng 843 trong khoảnh khắc lịch sử đặc biệt để làm kỷ niệm. Bày tỏ ý nguyện của mình, lời ông Hỏa mộc mạc, hồn hậu: “Hôm nghe đài thông báo chiếc xe tăng 843 được Thủ tướng công nhận là bảo vật quốc gia, tôi phấn khởi vô cùng. Anh em trong kíp xe 843 nói riêng, cựu chiến binh Bộ đội TTG nói chung chỉ mong các cơ quan chức năng, nhất là các bảo tàng hiện lưu giữ hai chiếc xe tăng 843 và 390 cần bảo quản, giữ gìn thật tốt để sau khi chúng tôi mất đi, con cháu mai sau vẫn có cơ hội tìm hiểu, ngắm nhìn hai chiếc xe tăng từng là vật chứng xác thực nhất ghi lại chiến công hiển hách của quân - dân ta trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”.
Là con gái của vị Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, nhiều năm qua, bà Văn Tuyết Mai, con gái cố Đại tướng Văn Tiến Dũng, luôn giữ những ký ức đẹp về người cha kính yêu của mình. Bà Văn Tuyết Mai chia sẻ: “Thời còn sống, cha tôi thường nhắc các con, các cháu là được hưởng thành quả hòa bình của đất nước, đừng bao giờ lãng quên hàng vạn chiến sĩ, đồng bào đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc. Riêng với tấm bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh mà ông đã trao tặng Bảo tàng LSQS Việt Nam, ông mong muốn lưu giữ thật cẩn thận để làm tài liệu nghiên cứu, học tập, giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau, bởi tấm bản đồ không chỉ có giá trị sâu sắc về lịch sử mà còn có thể khai thác, tìm hiểu ở cả góc độ nghệ thuật quân sự độc đáo trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của Quân đội ta ở thế kỷ 20”.
Giữ tiếng thơm lưu danh muôn thuở
Trước khi viết loạt bài này, chúng tôi tự hỏi: Một nghìn năm sau, liệu con cháu chúng ta có còn nhớ về một cuộc chiến tranh đã làm chấn động cả lương tri loài người như cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam thế kỷ 20? Theo quy luật sinh tồn, tất cả các nhân chứng lịch sử trong cuộc kháng chiến vĩ đại này của dân tộc ta sẽ trở về Đất Mẹ. Vậy thế hệ mai sau sẽ có thể tìm đến điểm tựa nào để trở về những ký ức, tìm lại những chiến công tuyệt đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam từng được ví như “biểu tượng của trí tuệ và lương tâm loài người”? Đó phải chăng là sử sách, là phim ảnh, là những khúc tráng ca, là những áng văn, vần thơ… đã thể hiện cả chiều sâu tư tưởng, tình cảm, vẻ đẹp bất tử của cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam?
Đúng vậy! Cùng với những di sản phi vật thể - trữ lượng tinh thần to lớn ấy, những bảo vật quốc gia thời chiến sẽ trở thành vật chứng sinh động nhất, thuyết phục nhất để chuyển tải những ký ức chiến tranh vệ quốc cho các thế hệ mai sau. Vì vậy, thông qua loạt bài này, chúng tôi mong muốn thế hệ hôm nay, nhất là những người làm công tác bảo tàng - cần “thổi hồn” vào các bảo vật quốc gia ấy một sinh khí mới để nó có sức sống trường tồn cùng thời gian. Chúng tôi nghĩ rằng đấy không chỉ là một cách lưu giữ ký ức thiêng liêng của lịch sử, mà còn góp phần “đánh thức” truyền thống, tri ân tiền nhân, biến sức mạnh quá khứ của dân tộc thành nội lực tiềm tàng cho mỗi con dân đất Việt hướng về tương lai, vun đắp giang sơn gấm vóc tươi đẹp, xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của các thế hệ cha anh và thời kỳ lịch sử “cả nước cùng ra trận” oai hùng của dân tộc ta.
Ký sự của VĂN HẢI, ĐÔNG HÀ
Bài 1: Hai “én bạc” làm chao đảo không quân Mỹ
Bài 2: Cuốn sổ trực ban, tấm bản đồ ghi dấu ấn lịch sử
Bài 3: Cặp đôi xe tăng bất tử cùng thời gian
Bài 4: Chuyện ít biết về chủ nhân của các bảo vật quốc gia