QĐND - Lịch sử có những phút giây đặc biệt. Nếu nói sự may mắn của lịch thuộc về hai chiếc Xe tăng T-54B, số hiệu 843 và Xe tăng T-59, số hiệu 390, thì chỉ đúng một phần. Bởi để có được thời khắc hai chiếc xe tăng ấy húc đổ cổng chính, cổng phụ dinh Độc Lập-sào huyệt cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa-là kết quả và chiến thắng tất yếu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân dân ta. Theo thời gian, hai chiếc xe tăng ấy sẽ trường tồn cùng dân tộc, bởi nó là hình ảnh biểu trưng cho chiến thắng lẫy lừng của quân đội và nhân dân Việt Nam thế kỷ XX.

Đôi nét về Đại đội 4 anh hùng

Hai chiếc Xe tăng, số hiệu 843 và 390 được công nhận là Bảo vật quốc gia vì đây là hiện vật có giá trị đặc biệt liên quan đến Chiến dịch Hồ Chí Minh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Hai chiếc xe tăng này đã tiến vào dinh Độc Lập sớm nhất. Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót khi chúng ta bóc tách quá rành rẽ, chỉ kể về hai chiếc xe tăng này mà không nói đến 75 chiếc xe tăng khác của Lữ đoàn 203 (Quân đoàn 2)-đơn vị chủ công trong mũi thọc sâu đánh chiếm Sài Gòn của cánh quân phía đông. Cũng sẽ là thiếu sót nếu không nói đến tập thể Đại đội 4, Tiểu đoàn 1 đã sát cánh “đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể”. Và lại càng thiếu sót nếu không kể đến bao hy sinh mất mát của đồng đội để hai chiếc xe tăng đó lập công đúng giờ toàn thắng.

 

Hai chiếc Xe tăng 843 và 390 là vật chứng báo hiệu thời khắc miền Nam hoàn toàn giải phóng trong ngày 30-4-1975 lịch sử.

Chúng tôi xin bắt đầu câu chuyện vào sự kiện tháng 2-1972, khi Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203 làm nhiệm vụ chiến đấu độc lập theo hướng đánh vu hồi phía tây nam thành Huế. Đại đội 4 lúc này được biên chế 8 chiếc xe tăng T-59 với số hiệu lần lượt: 380, 381, 382, 386, 387, 388, 389 và 390. Biên chế thành hai trung đội, trong đó xe 386 của Đại đội trưởng Bùi Quang Thận và xe 390 của Chính trị viên Vũ Đăng Toàn. Cho đến trước ngày 27-1-1973, khi diễn ra trận đánh cứ điểm Tà Lương, Đại đội 4 đã thiệt hại một xe (xe 388) trong trận oanh kích của B-52 khi cả đại đội vượt đỉnh Trường Sơn hướng về Huế. Nhiều chiến sĩ đã hy sinh trong các hoàn cảnh khác nhau do bị sức ép của bom, vướng mìn, sốt rét… Mỗi chiếc xe tăng đều là tài sản quý và được sự chăm sóc nâng niu của toàn thành viên trong đại đội. Trong Chiến dịch Huế-Đà Nẵng, Đại đội 4 chi viện hỏa lực cho bộ binh đánh thắng nhiều trận, trong đó có trận truy kích bắt sống hàng chục xe tăng địch tại cửa biển Thuận An-Huế. Đó có thể coi là chiến công đầu của Đại đội 4 dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Bùi Quang Thận và Chính trị viên Vũ Đăng Toàn.

Gặp chúng tôi, cựu chiến binh (CCB) Vũ Đăng Toàn kể lại, sau khi tham gia giải phóng Đà Nẵng, Đại đội 4 lại được lệnh tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Từ ngày 10-4 đến 24-4-1975, Đại đội 4 trong đội hình của Lữ đoàn 203 đã tổ chức hành quân gần 1000km vào Rừng Lá thuộc địa phận tỉnh Bình Thuận, trong đó có những chặng xe tăng phải chạy ròng rã 230 cây số một ngày. Trên đường cơ động vào chiến trường, đơn vị đã khắc phục nhiều khó khăn, đưa xe vượt cầu yếu, ngầm, đèo… bảo đảm 100% xe và người vào địa điểm tập kết an toàn. Tại đây, đơn vị được giao nhiệm vụ dẫn đầu Quân đoàn 2 thọc sâu đánh chiếm Sài Gòn.

Ngày 29-4-1975, Đại đội 4 được lữ đoàn giao nhiệm vụ hiệp đồng với bộ binh tiến công căn cứ Nước Trong. Đây là một căn cứ quan trọng án ngữ đường tiến về Sài Gòn nên địch tổ chức phòng ngự rất mạnh, Đại đội tăng 5 cùng với bộ binh đã đánh 3 trận mà chưa giải quyết được, còn bị thiệt hại nặng. Khi nhận nhiệm vụ, Đại đội 4 đã tiến hành nhiều biện pháp như: Tích cực trinh sát nắm tình hình, chủ động đề đạt lùi thời gian tiến công với bộ binh; tổ chức đội hình thành hai tuyến để chi viện lẫn nhau; dùng đạn nổ phát quang rừng cao su để phát hiện xe tăng địch. Trong trận này, Đại đội 4 đã tiêu diệt 3 xe M48 và 1 xe M41 cùng nhiều bộ binh địch, làm cho Chiến đoàn 318 của địch phải núng thế rút chạy, mở đường cho cánh quân phía đông tiến về Sài Gòn. Ngày 30-4-1975, Đại đội 4 dẫn đầu đội hình thọc sâu của Quân đoàn 2 đánh chiếm Sài Gòn. Tại đầu cầu Sài Gòn, đại đội đã cùng các xe trong tiểu đoàn tiêu diệt 2 xe M48. Sau khi vượt cầu Sài Gòn, đại đội tiếp tục đập tan các ổ đề kháng của địch để tiến về mục tiêu chủ yếu là dinh Độc Lập.

Lúc 10 giờ 45 phút ngày 30-4-1975, hai xe tăng số 843 do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy và số 390 do Chính trị viên Vũ Đăng Toàn chỉ huy, đã húc đổ cánh cổng chính và cổng phụ của dinh Độc Lập. Ngay sau đó, Trung úy Bùi Quang Thận đã cắm lá cờ quyết chiến, quyết thắng của quân đội ta lên nóc dinh Độc Lập, báo hiệu giờ khắc hoàn toàn giải phóng miền Nam.

Năm 2013, Đại đội 4 (Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn TTG 203) đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân, Đại đội trưởng Bùi Quang Thận được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Gặp những chứng nhân lịch sử

Thuở nhỏ, tôi (PV Đông Hà) thường nghĩ cha mình (Đại tá, họa sĩ Lê Duy Ứng, Anh hùng LLVTND) là lính xe tăng thật sự. Thực ra trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông chỉ đi cùng xe tăng tiến vào giải phóng Sài Gòn. Có lần trong lớp, tôi vẽ một bức tranh phỏng theo tấm ảnh xe tăng húc vào cổng dinh Độc Lập. Thầy giáo nhìn bức tranh khen tôi vẽ khá đẹp rồi biểu dương trước lớp. Thầy chỉ thắc mắc một điều, tại sao số hiệu chiếc xe tăng đó lại là 847. Tôi hồn nhiên đáp: “Thưa thầy, vì bố em đi chiếc xe tăng đó!”. Sau này tôi mới biết, chiếc xe tăng 847 của Đại đội 5, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203 do bác Đĩnh, Đại đội trưởng làm trưởng xe, đã bị cháy ngay trước cửa ngõ Sài Gòn trong trận đánh căn cứ Nước Trong. Còn xe tăng húc đổ cổng chính và cổng phụ của dinh Độc Lập là hai chiếc 843 và 390 của Đại đội 4. Trong trận đánh tại căn cứ Nước Trong, Đại đội 4 đã chi viện cho Đại đội 5 một xe số hiệu 380 và cũng bị thương khá nặng. Những chuyện lịch sử sau này tìm hiểu kỹ tôi mới được biết.

Mang tâm thế ấy, khi thâm nhập thực tế tìm hiểu "lý lịch" hai chiếc Xe tăng 843 và 390 đã được công nhận là Bảo vật quốc gia, tôi cảm nhận được sự chân tình cởi mở khi trò chuyện với các nhân chứng lịch sử. Người đầu tiên tôi gặp là Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt, nguyên chiến sĩ lái xe tăng số hiệu 380, ông cũng là tác giả của cuốn “Hành trình đến dinh Độc Lập” (Nhà xuất bản QĐND-2008) viết về Đại đội 4 anh hùng. Sau Chiến thắng 30-4-1975, Nguyễn Khắc Nguyệt được biên chế thành lái xe của chiếc xe tăng số hiệu 843.

- Điều gì ông nhớ nhất ở hai chiếc xe tăng 390 và 843?-Tôi hỏi.

CCB Nguyễn Khắc Nguyệt hồi tưởng:

- Chiếc xe tăng 390 của Chính trị viên đại đội Vũ Đăng Toàn gắn bó với chúng tôi từ năm 1972 ở Quảng Bình, cho đến khi tôi đi học sĩ quan năm 1976. Có lẽ vì thế nên tôi có nhiều kỷ niệm hơn với chiếc xe 843 của anh Bùi Quang Thận được bổ sung thay thế chiếc 386 hỏng hóc trước Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4-1975. Dù vậy, tôi cũng phải khẳng định rằng, cả hai chiếc xe tăng đó đều đã trở thành một phần đời không thể quên của không chỉ riêng tôi mà với tất cả các cán bộ, chiến sĩ Đại đội 4.

Hiện giờ, 8 thành viên trong hai kíp chiến đấu của xe 843 và 390 húc đổ cổng dinh Độc Lập ngày 30-4-1975 chỉ còn 6 người. Đó là các CCB: Vũ Đăng Toàn, Lê Văn Phượng, Nguyễn Văn Tập, Ngô Sĩ Nguyên, Lữ Văn Hỏa và Nguyễn Văn Kỷ. Cũng phải nhắc đến một thành viên khác trên xe 390 là Đỗ Cao Trường, pháo thủ số 2, bị thương trong trận căn cứ Nước Trong. Mặc dù bị “hụt” mất vinh dự ghi tên mình vào lịch sử, song CCB, thương binh Đỗ Cao Trường luôn tâm niệm vinh quang của đồng đội cũng là vinh quang của cá nhân mình. Điều đáng trân trọng là các CCB trong Đại đội 4 giờ đây mỗi lần gặp mặt ôn lại kỷ niệm xưa đều nhắc đến Đỗ Cao Trường. Sự nhắc nhớ đó cũng là một cách ghi công xứng đáng mà đồng đội đã dành cho ông. Trong số các thành viên của hai kíp xe tăng này có Lữ Văn Hỏa là người ra quân sớm nhất vì lý do sức khỏe giảm sút do bị sốt rét triền miên. Các thành viên khác được học các lớp sĩ quan tổ chức trong và ngoài nước. Ngoài Đại đội trưởng Bùi Quang Thận sau này phát triển thành cán bộ chỉ huy cấp lữ đoàn, còn có Lê Văn Phượng và Vũ Đăng Toàn phát triển lên cán bộ cấp tiểu đoàn.

Gặp lại Chính trị viên Vũ Đăng Toàn của Đại đội 4 năm xưa, nay nghỉ hưu ở xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc (Hải Dương), chúng tôi không khỏi cảm phục trước cái tâm của một người chiến sĩ cách mạng luôn hướng về đồng đội. Khi được hỏi về những kỷ niệm đáng nhớ với chiếc xe tăng 390, ông rất xúc động: “Năm 1996, chúng tôi trở lại thăm Lữ đoàn 203, tôi được gặp lại chiếc xe tăng 390 sau mười mấy năm xa cách. Cảm xúc thật khó tả. Chúng tôi leo lên xe đếm từng vết thương do đạn 12,8mm, do mảnh bom phát quang gây ra cho nó… tất cả vẫn còn đó. Mỗi vết thương trên xe đã gợi lại cho chúng tôi nhiều kỷ niệm. Trong đó có nhiều kỷ niệm đau buồn. Sự mất mát hy sinh của những thành viên trong kíp xe, trong đại đội luôn nhắc chúng tôi phải sống xứng đáng hơn với những người đã ngã xuống cho độc lập, tự do của Tổ quốc”.

Tháng Tư này, các thành viên của kíp chiến đấu xe 843 và 390 đang rất bận rộn. Ban tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đã mời tất cả các thành viên cùng vợ vào thăm lại chiến trường xưa và thăm Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. Riêng với CCB Vũ Đăng Toàn, ông đã nhận lời mời tham dự cầu truyền hình đặc biệt "Hà Nội-Huế-Thành phố Hồ Chí Minh: Nghĩa tình sắt son", sau đó ông sẽ cùng với các đại biểu có thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ báo công tại Thành phố Hồ Chí Minh. Những việc đó, đối với một người già quả là bận rộn, nhưng ông đã tìm ra cách riêng để tiếp thêm sức lực cho mình. Đó là mỗi sáng, ông dành ít phút tĩnh lặng để nhớ về đồng đội, nhớ về sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc đã đi qua cuộc đời mình.

Ký sự của VĂN HẢI, ĐÔNG HÀ

Bài 1: Hai “én bạc” làm chao đảo không quân Mỹ 

Bài 2: Cuốn sổ trực ban, tấm bản đồ ghi dấu ấn lịch sử  

Bài 4: Chuyện ít biết về chủ nhân của các bảo vật quốc gia