QĐND - Những ngày tháng Tư lịch sử này, chúng tôi có dịp trở lại thành phố mang tên Bác. Mới đầu tháng mà thành phố đã đón những cơn mưa đầu tiên. Nhắc tới mùa mưa, 40 năm về trước, Bộ Chính trị cũng từng hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trước mùa mưa. Để hiểu hơn sự kiện lịch sử đặc biệt này, chúng tôi đã tìm về các nhân chứng từng gắn bó với cuốn sổ trực ban Chiến dịch Hồ Chí Minh và tấm bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Giải mật “hộp đen” sổ trực ban tác chiến

Trong câu chuyện với chúng tôi tại Bảo tàng Quân khu 7, Đại tá Nguyễn Duy Thiệu, Giám đốc bảo tàng khẳng định: “Sổ trực ban tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh phản ánh sinh động cuộc sống, chiến đấu của bộ đội ta, nhất là không khí làm việc khẩn trương, mưu trí, sáng tạo của Sở chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh thông qua việc báo ban hằng ngày. Ngoài ra còn nhiều chi tiết, diễn biến của chiến dịch đều được thể hiện cụ thể, chân thực trong cuốn sổ đặc biệt này”.

Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Đại tá Nguyễn Duy Thiệu giới thiệu chúng tôi đến gặp Đại tá Nguyễn Hoàng Vị, ở đường Đồng Xoài, phường 13, quận Tân Bình, một trong những chủ nhân góp phần làm nên bảo vật quốc gia này. Ông Vị sinh năm 1944, nhập ngũ năm 1963, hơn chục năm có lẻ chiến đấu trên các chiến trường, người ông mang đầy thương tích. Vào thời điểm diễn ra Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông là Đại úy, Trợ lý Tác chiến Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ông Vị vừa trở lại TP Hồ Chí Minh sau chuyến về quê ở Thanh Hóa nghỉ dưỡng dài ngày. Sau chuyến hồi hương, trông ông có vẻ mệt mỏi, phần do vết thương tái phát, phần do thời tiết thay đổi giữa hai miền, thế nhưng gặp chúng tôi, ánh mắt ông vẫn ánh lên niềm phấn chấn. Ngồi trong phòng khách với nhiều tấm hình gợi nhớ kỷ niệm chiến trường tại tư gia của ông, chúng tôi đọc lại một trang trong cuốn sổ trực ban Chiến dịch Hồ Chí Minh: 9 giờ 00 ngày 30 tháng 4 năm 1975, một mũi thọc sâu của Quân đoàn 2 (hướng đông): eBB66 + Lữ TG 203 do đồng chí Hoàng Đan, Quân đoàn phó Quân đoàn 2 trực tiếp chỉ huy, sau khi chọc thủng và vượt qua tất cả các phòng tuyến bên ngoài của địch đã đánh thẳng vào dinh Độc Lập (Phủ Tổng thống ngụy) bắt sống Dương Văn Minh và đồng bọn tay sai, kéo cờ Giải phóng lên nóc dinh Độc Lập… Chúng tôi hỏi ông Vị: "Trong khi làm nhiệm vụ ghi sổ trực ban tác chiến sự kiện trọng đại này, trong lòng bác lúc đó chắc có rất nhiều cảm xúc?". Ông đáp: “Lúc đó tôi bâng khuâng lắm. Sở chỉ huy tiền phương hồi đó ở trong rừng Căm Xe (nay thuộc xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương). Sở chỉ huy là một căn hầm bán âm dài hình chữ nhật. Giữa hầm có một bộ bàn ghế gỗ trên vách hầm treo bản đồ quyết tâm, tôi ngồi trên nóc hầm ấy vừa nghe điện thoại, thi thoảng lại quan sát bản đồ. Tôi hình dung những mũi tiến công của quân ta rất sinh động, từng giờ từng phút tiến sâu vào nội đô Sài Gòn. Tôi nghĩ thầm, khí thế tiến công này vũ bão lắm, chắc chắn sẽ giải phóng trong một vài ngày tới… Đến khi nghe đầu dây bên kia báo về đã chiếm được dinh Độc Lập, trong lòng tôi vô cùng hồi hộp, sung sướng nhưng vì nhiệm vụ nên không dám bộc lộ ra ngoài”.

Một trang trong cuốn sổ trực ban Chiến dịch Hồ Chí Minh (trang ghi ngày 30-4-1975).

"Khi nhận được tin ấy, bác có báo ngay cho Sở chỉ huy không?". “Báo ngay chứ!”. “Mọi người có vui mừng ôm chầm lấy nhau không? Có ai khóc không?”, chúng tôi phấn chấn hỏi tiếp.

Ông Vị bồi hồi nhớ lại:

- Không ai khóc. Nhưng nom các cụ phấn khích kỳ lạ, mấy ngày ấy và đặc biệt ngày 30-4, các cụ ai cũng như khỏe ra, trẻ ra. Đồng chí Văn Tiến Dũng xử lý các tình huống chiến dịch rất linh hoạt, kiên quyết. Cụ Lê Đức Thọ, cố vấn cho Bộ chỉ huy Chiến dịch thường xuyên nhắc nhở phải chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội trong quá trình đánh vô Sài Gòn. Cụ Phạm Hùng lúc đó là Chính ủy chỉ đạo về mặt chính trị rất chặt chẽ, đánh đến đâu, công tác chính trị phải như thế nào, dân vận ra sao, cụ định hướng rất sát sao, cụ thể… Còn tâm lý mọi người lúc ấy không chỉ riêng tôi, mà cả các đồng chí trong Ban tác chiến, Cục Tình báo Miền đều phấn khích vô cùng. Điện thoại trong Sở chỉ huy reo liên tục, chúng tôi phải chạy chứ không còn đi bộ nữa, phần để đáp ứng với diễn biến tình hình chiến sự quá nhanh, quá thuận lợi cho ta, phần vì ai cũng háo hức, hân hoan trong giờ phút sắp toàn thắng. Cách Sở chỉ huy mấy chục mét là Cục Tình báo quân đội do anh Nguyễn Ngọc Lân phụ trách. Lúc 9h30 phút, anh Lân thông báo tin vui với tôi: “Dương Văn Minh có ý định đầu hàng rồi đấy”. Tôi hỏi: “Đầu hàng như thế nào?”. “Ông ta bảo Mặt trận Dân tộc giải phóng và Quân đội Bắc Việt bố trí người nhận bàn giao”. Tôi báo với Sở chỉ huy, cụ Lê Đức Thọ bày tỏ thái độ dứt khoát với kẻ thù: “Chúng còn cái gì đâu mà bảo bàn giao. Cậu điện cho các đơn vị đánh tới cùng, không có nhận bàn giao nào cả, trừ khi chúng đầu hàng vô điều kiện. Toàn bộ chính quyền, binh lính phải hạ vũ khí”. Tôi nhận chỉ thị ấy của cụ rồi điện ngay cho các đơn vị liên quan.

Cuốn sổ trực ban Chiến dịch Hồ Chí Minh hiện được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 7. Sổ bìa nhựa màu nâu, in số và chữ 555-320 PACFS giấy ca-rô, chữ viết tay. Sổ có 54 trang viết tay của các sĩ quan trực ban.

Trước mắt tôi, khung cảnh Sở chỉ huy tiền phương của Chiến dịch Hồ Chí Minh hiển hiện từng đoạn, từng đoạn như trong một bộ phim quay chậm. Niềm vui chiến thắng dồn nén lại như áp suất trong mắt bão, nhưng từ người chỉ huy Sở chỉ huy tiền phương đến cán bộ, chiến sĩ phải nén lòng lại để không mắc những sai sót đáng tiếc ở những giây phút cuối cùng. Và cuốn sổ trực ban tác chiến giống như một “hộp đen” mở ra “giải mã” cho từng giờ, từng khắc của bộ phim ấy.  

Bản đồ Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh - Trí tuệ và lòng nhân đạo

Sau Chiến thắng Tây Nguyên và đặc biệt sau Chiến thắng Huế-Đà Nẵng, tình hình chiến trường miền Nam thay đổi nhanh chóng theo hướng có lợi cho Quân Giải phóng. Trong tình thế khẩn trương, nắm bắt thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh đã thực hiện bản đồ Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh trong thời gian từ ngày 15-4 đến ngày 22-4-1975. Bản đồ Quyết tâm này đã thể hiện được ý chí quyết chiến quyết thắng, mà cũng rất nhân văn của Bộ chỉ huy chiến dịch, Quân ủy Trung ương, Bộ Chính trị và tài cầm quân thao lược của vị Tư lệnh chiến dịch, Đại tướng Văn Tiến Dũng. Trong cuốn hồi ký “Đại thắng mùa Xuân”, Đại tướng Văn Tiến Dũng viết: “Đánh vào Sài Gòn như thế nào cho nhanh, chắc thắng, làm sụp đổ cả chế độ phản động… Nhưng phải đánh vào Sài Gòn như thế nào để thành phố ít bị tàn phá nhất, giải phóng được mấy triệu đồng bào không dẫn tới chỗ làm cho đồng bào bị thiệt hại nhiều về tính mạng, mất mát nhiều tài sản và cuộc sống mau trở lại bình thường”.

Các chiến sĩ công an tham quan, tìm hiểu bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Văn Đông

Hình ảnh Đại tướng Văn Tiến Dũng trăn trở bên bản đồ quyết tâm chiến đấu vừa trí tuệ vừa nhân văn đó đã được nhiều đồng đội của ông ghi lòng. Đại tá Nguyễn Hoàng Vị, lúc đó cũng tham gia phác thảo trên tấm bản đồ này, đã kể lại với chúng tôi: “Tấm bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh được anh em chúng tôi thực hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền (Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, quyền Tham mưu trưởng Chiến dịch Hồ Chí Minh), sau đó trình Đại tướng Văn Tiến Dũng. Cụ xem và sửa lại cũng nhiều. Có thể hình dung về tấm bản đồ này như sau: Quân ta sử dụng lực lượng gồm 4 quân đoàn chủ lực và Đoàn 232 (tương đương với quân đoàn) cùng lực lượng các binh chủng kỹ thuật, một bộ phận hải quân, không quân và LLVT các địa phương trên địa bàn chiến dịch thành 5 hướng tiến công đánh vào các mục tiêu quan trọng như Bộ Tổng tham mưu ngụy, dinh Độc Lập, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát và Sân bay Tân Sơn Nhất. Các lực lượng của ta cô lập được địch ở vòng ngoài không cho chúng kéo về co cụm tại thành phố, ngoài ra các mũi thọc sâu vượt qua các ổ đề kháng đã được vô hiệu hóa và bị làm tan rã, thọc sâu tiêu diệt 5 mục tiêu đầu não. Cách đánh được Đại tướng Văn Tiến Dũng từng nói là “khiến địch không tưởng tượng được” (khi trả lời phỏng vấn của Kênh truyền hình quốc tế OpenVault) đã được thực tế chiến trường khẳng định là một kế hoạch chiến đấu tuyệt vời, vừa giữ được thương vong tối thiểu của cả hai bên, vừa tránh hủy hoại một thành phố lớn từng được ví như “hòn ngọc Viễn Đông”.

Tấm bản đồ này được Đại tướng Văn Tiến Dũng lưu giữ từ năm 1975 cho đến năm 1990. Nhân kỷ niệm 15 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1990), ông đã trao tặng cho Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam). 40 năm sau, ngày 14-1-2015, bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh đã được công nhận là bảo vật quốc gia.

Hôm nay, tấm bản đồ này được trưng bày trang trọng ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam để lớp lớp cháu con và bè bạn quốc tế đến tham quan, chiêm ngưỡng. Đó chính là vật chứng xác thực minh chứng cho tài năng, trí tuệ và lòng nhân đạo của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh hình chữ nhật (185,5 x 170cm), bản đồ can 12 mảnh, trên bản đồ có ghi chữ : “Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh”, phía dưới góc bên phải bản đồ có ghi chữ viết tay: "Làm tại Chỉ huy sở, ngày 22/4/1975", có chữ ký của Tư lệnh Chiến dịch Văn Tiến Dũng và Chính ủy Chiến dịch Phạm Hùng.

Ký sự của VĂN HẢI, ĐÔNG HÀ 

 

Bài 1: Hai “én bạc” làm chao đảo không quân Mỹ

 

Bài 3: Cặp đôi xe tăng bất tử cùng thời gian