QĐND - Quy luật chung trong tiến công chiến lược, đánh thắng chiến dịch mở đầu và các đòn tiếp sau, có quy mô ngày càng lớn và hiệu quả ngày càng cao, sẽ tạo ra thời cơ mở chiến dịch quyết chiến, giành thắng lợi quyết định chiến tranh. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, ta đánh thắng quân địch ở Tây Nguyên, tạo điều kiện đánh đòn quyết định tiêu diệt toàn bộ quân địch ở vùng 1 và vùng 2, giải phóng Huế và Đà Nẵng. Mở ra thời cơ lớn để ta tiến hành chiến dịch quyết chiến, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong quá trình xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ và ngụy quyền đều coi trọng xây dựng vùng 1 thành trận tuyến mạnh nhất, chúng coi đây là nơi đối đầu, ngăn chặn và đánh tan các cuộc tiến công, cũng như chi viện của ta vào chiến trường. Vùng 2 được coi là chiến trường hiểm yếu, tạo thế liên kết và bảo vệ phía sau vùng 1, phía trước vùng 3 và Sài Gòn, khống chế ngã ba Đông Dương, kiểm soát vùng Nam Lào và Đông Bắc Cam-pu-chia. Để tăng cường sức mạnh nhằm bảo vệ vững chắc cả vùng 1 và vùng 2 chiến thuật, quân địch xây dựng Đà Nẵng thành căn cứ quân sự liên hợp hải, lục và không quân lớn nhất ở Đông Nam Á. Đây là nơi bổ sung lực lượng và phương tiện chiến tranh, bàn đạp tiến hành các cuộc phản công và tiến công quy mô lớn, giữ vững vùng 1 và vùng 2, tạo thế đánh sang Lào và Cam-pu-chia. Sau Hiệp định Pa-ri năm 1973, tại vùng 1 chiến thuật, quân ngụy bố trí lực lượng rất mạnh, với 134.000 quân. Trong đó có 84.000 quân chủ lực, 50.000 quân địa phương, cùng hàng chục nghìn cảnh sát và dân vệ. Trước sức ép của ta và các đòn trừng phạt khi chúng lấn chiếm vùng giải phóng, địch đã phải đưa các đơn vị mạnh nhất là sư đoàn 1 và sư đoàn 2, cùng lực lượng tổng dự bị là sư đoàn dù và thủy quân lục chiến, 4 liên đoàn biệt động ra giữ vùng 1. Với hàng nghìn phương tiện chiến tranh hiện đại, trong đó có 450 xe tăng và thiết giáp, 418 khẩu pháo, sư đoàn không quân và 165 tàu thuyền. Quân địch tổ chức phòng ngự thành 3 tuyến: Màu Cam, Lục và Xanh, thể hiện rõ sức mạnh của vùng 1 chiến thuật. Vùng 2 chiến thuật là địa bàn chiến lược hiểm yếu, vì thiếu lực lượng quân ngụy chỉ bố trí 2 sư đoàn chủ lực, cùng các liên đoàn biệt động quân.
Trước khi bị tấn công, địch đã bị choáng váng trước đòn điểm huyệt ở Buôn Ma Thuột, cùng sự tiến công dũng mãnh, với tốc độ nhanh của ta ở Tây Nguyên, đồng bằng Khu 5, tây nam Huế và Quảng Trị. Lo sợ chiến trường miền Nam bị cắt làm đôi, Huế và Đà Nẵng sẽ nhanh chóng rơi vào tay Quân giải phóng, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vội vã ra lệnh: Rút bỏ Tây Nguyên và thị xã Quảng Trị, về cố thủ ở Huế và đồng bằng. Quân địch rút chạy trong thế bị động, không có chuẩn bị trước, thế trận bị vỡ từng mảng lớn, tinh thần hoang mang tột độ, tạo điều kiện để ta chuyển sang tiến công lớn. Nắm thời cơ, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn chiến trường. Quân khu Trị Thiên và Quân khu 5, cùng Quân đoàn 2 bao vây chặt, tiến công mạnh, tiêu diệt quân địch giải phóng Huế và Đà Nẵng, không cho chúng rút chạy về Sài Gòn. Sư đoàn 325 tiến ra cắt đường số 1, chặn đứng quân địch không cho chúng rút về Đà Nẵng. Một bộ phận tiêu diệt chi khu Phú Lộc giải phóng Lương Điền. Pháo binh ta khống chế cửa biển Thuận An và Tư Hiền. Sư đoàn 324 diệt địch ở Phú Thứ, vượt phá Tam Giang, quét sạch lính thủy đánh bộ chiếm giữ cảng Tân Mỹ. Đường bộ và cửa biển bị ngăn chặn, quân địch co lại giữ các địa bàn quan trọng bên trong thành phố. Phối hợp Quân khu Trị Thiên tiến công giải phóng Đại Lộc, Hướng Điền, tiến vào Lương Mai, hỗ trợ cho quân và dân địa phương giải phóng Phong Điền, Quảng Điền, khóa chặt quân địch bên trong thành phố. Pháo binh ta bắn phá sở chỉ huy vùng 1 ở Mang Cá, tạo thời cơ thuận lợi để quân ta đồng loạt tiến công giải phóng thành phố Huế lúc 1 giờ ngày 25-3.
Phối hợp với Trị Thiên và Tây Nguyên, Quân khu 5 tiến công giải phóng tỉnh Quảng Ngãi, phần lớn tỉnh Quảng Nam, hãm chặt quân địch ở Đà Nẵng. Mất Trị Thiên và nhiều tỉnh đồng bằng trung bộ, TP Đà Nẵng bị cô lập về đường bộ. Tuy vậy, địch còn lực lượng khá mạnh với hơn 70.000 quân, hàng chục nghìn bảo an, cảnh sát và dân vệ. Tại Đà Nẵng, chúng còn gần 400 máy bay, 120 khẩu pháo, hàng trăm xe tăng. Quân địch nhận định: Phải mất một tháng chuẩn bị, Quân giải phóng mới có thể đánh vào Đà Nẵng. Đây là thời gian để chúng tổ chức lực lượng cố thủ thành phố.
Không như toan tính của địch, ngày 26-3, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Mặt trận Quảng Đà được thành lập, quân ta bắt đầu triển khai tiến công. Trước sức ép của ta từ ba phía, quân địch vô cùng hoảng loạn. Hơn 2000 lính địch rút chạy khỏi căn cứ Hòa Cầm, cả lữ đoàn lính thủy đánh bộ bỏ vị trí chiến đấu rút về tuyến sau, Tư lệnh vùng 1 chạy vào bán đảo Sơn Trà. Trước sự rối loạn và tan rã của địch, với tư duy sáng tạo và quyết định táo bạo, Tổng tư lệnh chỉ thị: Nhanh chóng tiến công, bỏ qua lực lượng chốt giữ bên ngoài, đánh thẳng vào các mục tiêu bên trong thành phố, nhanh, kịp thời và táo bạo nhất, bằng lực lượng tới sớm nhất. 5 giờ ngày 28-3, pháo binh ta bắn phá các mục tiêu bên trong thành phố. Đúng 7 giờ 29-3, quân ta từ bốn hướng đồng loạt tiến công địch ở đèo Hải Vân, Đồng Lâm, Sân bay Nước Mặn và Đà Nẵng, tiêu diệt sở chỉ huy vùng 1. Phối hợp lực lượng vũ trang địa phương hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy đấu tranh giành quyền làm chủ, giải phóng TP Đà Nẵng. Tiêu diệt toàn bộ quân địch ở vùng 1 và vùng 2, giải phóng Huế và Đà Nẵng, tạo ra lực, thế và thời có lợi, để ta tiến hành chiến dịch quyết chiến, giành thắng lợi quyết định chiến tranh.
Thiếu tướng, PGS, TS BÙI THANH SƠN