Từ lâu, xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa có nhiều thôn được mọi người gọi với cái tên thân thương là "làng Trường Sa”, bởi nơi đây hội tụ nhiều gia đình bộ đội đã và đang công tác ở Trường Sa. 

Đã hẹn từ trước nên khi chúng tôi vừa tới, chị Nguyễn Thị Mạnh Kiều đã tay bắt mặt mừng. Năm 2008, gia đình chị Kiều xung phong ra sinh sống ở đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa. Vì thế, ngay từ những phút đầu gặp gỡ, chủ đề về Trường Sa đã làm cho câu chuyện giữa chủ nhà và khách trở nên gần gũi, tự nhiên. Chị Kiều kể: “Ngoài đảo không có chợ, nên đồ Tết đều được mang từ đất liền ra. Tuy còn nhiều thiếu thốn nhưng không khí Tết ấm áp, vui vẻ luôn tràn ngập. Từ chiều 30 Tết, khu gia đình tập trung nhau lại, làm mâm cơm Tất niên, mời chỉ huy các đơn vị quân đội tham dự. Bên mâm cơm, câu chuyện về đất liền luôn là chủ đề bàn luận sôi nổi. Giây phút đó, mọi người trên đảo đều hướng về đất liền với tình cảm thiêng liêng, gắn bó. Đêm Giao thừa, cả đảo rộn rã những lời chúc tụng, tiếng cười nói vui vẻ. Các đơn vị đóng quân trên đảo đến từng nhà chúc Tết. Sáng Mồng Một, các hộ gia đình vào đơn vị đón Tết, phụ nữ tham gia giao lưu văn nghệ, giúp các chiến sĩ nấu nướng... Đàn ông tham gia các trò chơi... Không khí Tết cứ như kéo dài mãi”. Kể tới đây, khóe mắt chị Kiều ngấn lệ như nhớ về một kỷ niệm sâu sắc, khó quên trong cuộc đời.

  Chị Hồ Thị Hà và con gái Trần Minh Châu.

Hiện tại, dù đã về đất liền sinh sống được hai năm, nhưng lúc nào chị Kiều cũng nhớ cái nắng gió, mặn mòi của biển, đảo. Mỗi lần nghe bài hát trên đài phát thanh về biển, đảo, chị Kiều lại thẫn thờ. Lật giở chồng đĩa VCD, lấy ra một chiếc, chị Kiều khoe với chúng tôi: “Chiếc đĩa VCD này ghi lại hình ảnh của gia đình tôi đón 5 cái Tết trên đảo. Chúng tôi rất tự hào vì được là công dân Trường Sa. Nhân dịp Tết Bính Thân, gia đình tôi xin chúc cán bộ, chiến sĩ trên các đảo chắc tay súng, bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển của Tổ quốc”.

Chúng tôi đến nhà ông Đinh Công Thuận, có con trai là Đinh Công Phấn đang công tác ở đảo Sinh Tồn, ông Thuận kể: “Hôm trước, cháu Phấn điện thoại về thông báo, sắp có chuyến tàu ra chúc Tết ngoài đảo, nên gia đình đang chuẩn bị gửi ra ít quà. Năm nay, cháu không ăn Tết ở nhà nhưng gia đình thấy rất vui, vì khi nói chuyện với cháu qua điện thoại, tôi thấy cháu chững chạc, ra dáng người lớn hơn rất nhiều. Biết hỏi thăm, quan tâm bố mẹ, gửi tiền về mua quà chúc Tết gia đình và các em”.

Ở Khu tập thể 101, xã Cam Thành Bắc, hầu hết các hộ gia đình đều là bộ đội và có chồng, con đang công tác ngoài Trường Sa. Chị Hồ Thị Hà, có chồng là Thượng úy QNCN Trần Xuân Vương đã 5 lần công tác ngoài các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, cho biết: “Cưới nhau được hơn chục năm thì có hơn 5 năm anh Vương công tác ngoài đảo. Cách đây hơn chục năm, cuộc sống còn nhiều khó khăn, ngoài đồng lương ít ỏi của chồng ngoài đảo gửi về tôi phải xoay xở, chạy chợ buôn bán nuôi con, lo toan cho gia đình. Hằng tháng vợ chồng mới liên lạc được với nhau qua một lá thư. Có những khi phải hai, ba tháng mới nhận được thư. Chúng tôi động viên nhau cùng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”.

Giờ đây, khó khăn đã vơi đi phần nào, các con chị Hà cũng đã lớn, cháu đầu là Trần Thu Nguyệt đã học lớp 8, cháu thứ hai là Trần Minh Châu học lớp 2. Buổi tối, khi rảnh rỗi, anh Vương điện thoại về, cả nhà lại cùng trò chuyện. Cháu Châu vẫn tập hát bài mới về biển, đảo để hát tặng bố. Tuy ở cách xa nhưng gia đình chị Hà, anh Vương luôn tạo ra một bầu không khí gần gũi, tình cảm. Năm nay, anh Vương ăn Tết ngoài đảo, mọi lo toan lại dồn lên vai chị Hà. Tuy vậy, chị Hà cho biết, đã có kế hoạch cụ thể, chuẩn bị Tết cho các con và thăm chúc hai bên gia đình nội, ngoại chu đáo.

Để thể hiện tấm lòng hướng về Trường Sa, vừa qua, Khu tập thể 101 đã thành lập câu lạc bộ “Hướng về biển đảo”. Chị Nguyễn Thị Hợi, Chi hội phó câu lạc bộ cho biết: “Câu lạc bộ được thành lập nhằm mục đích động viên, thăm hỏi, giúp đỡ lẫn nhau khi chồng, con công tác xa nhà, làm hậu phương vững chắc để các anh yên tâm canh giữ biển, đảo”. Hằng tháng, câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt. Ngoài việc tìm hiểu, nắm bắt những khó khăn của chị em có chồng công tác ngoài biển, đảo, câu lạc bộ còn tổ chức các hoạt động sinh hoạt để giáo dục truyền thống đối với thế hệ trẻ". Cháu Nguyễn Thị Hà Châu, học sinh lớp 4, con chị Hợi, tự hào khoe với chúng tôi: “Bố cháu cũng đang công tác ở Trường Sa. Cháu thấy Trường Sa rất gần gũi, thân thương. Cháu tự hào vì có bố là bộ đội Trường Sa”.

Gặp gỡ, trò chuyện với nhiều gia đình có chồng, con đang công tác ngoài quần đảo Trường Sa, chúng tôi thấy họ luôn tràn ngập niềm tin tưởng, tự hào về các anh. Niềm tin ấy như ánh nắng mùa xuân ấm áp đang vươn tới nơi biển, đảo thiêng liêng  của Tổ quốc.

Bài và ảnh: PHẠM VĂN TUẤN