Đi về phía vừng đông tự hào

Đoàn công tác thăm, tặng quà, kiểm tra huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 của Tổng cục Chính trị (TCCT) mà tôi được tham gia do Thượng tướng Đỗ Căn, Phó chủ nhiệm TCCT làm Trưởng đoàn; Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Chính ủy Quân chủng Hải quân là Phó trưởng đoàn. Trước ngày lên đường, chúng tôi tập trung tại Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân, tôi thấy nhiều thành viên mang thêm quà để tặng bộ đội và nhân dân ngoài đảo. Đó là sách báo, màu vẽ cho trẻ nhỏ, tông đơ điện cắt tóc, hạt mầm, cây giống, thư của những bạn nhỏ học sinh cấp 1, cấp 2 gửi chú bộ đội Trường Sa... Đặc biệt trong số đó là cờ Tổ quốc, cờ đoàn của các đơn vị trong Đoàn công tác để cán bộ, chiến sĩ các đảo ghi lưu bút. Nhà báo Mai Thanh Hải, Báo Thanh Niên, người đã có hàng chục lần đến với Trường Sa nói với tôi: “Bộ đội ngoài đảo quý nhất sách, báo và tông đơ. Đời sống tinh thần của bộ đội Trường Sa là văn hóa, văn nghệ, là sách, báo. Còn tông đơ là nhu cầu thiết yếu thường dùng nhưng hơi muối mặn của biển làm chúng nhanh hỏng, có đợt một đảo chìm chỉ còn mỗi cái tông đơ mấy anh em dùng chung”.

leftcenterrightdel
Các thành viên trong đoàn công tác mang theo báo, tạp chí tặng bộ đội đảo Sinh Tồn Đông.

Ngày lên đường, tại cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh, đoàn công tác dành ít phút thắp nén tâm nhang tưởng niệm những liệt sĩ Đoàn tàu không số làm nên huyền thoại có thật về “đường Hồ Chí Minh trên biển”. Thêm một hành trang chúng tôi mang theo, đó là sự biết ơn những người đã hy sinh vì biển, đảo Tổ quốc. Nắng tháng 4 lịch sử chiếu rọi, mặt trời dẫn đường đưa chúng tôi tiến về phía quần đảo anh hùng.

Hành trình của trái tim

8 ngày trên biển, tôi ấn tượng với tổ phục vụ tàu Kiểm ngư KN290 và các đồng chí đảm trách hậu cần cho đoàn của các đơn vị thuộc Quân chủng Hải quân. Họ ngày đêm lo từng bữa cơm lẫn các sinh hoạt trên tàu cho 200 con người. Tôi nhớ hải trình ngày thứ 3, biển động, cả tàu chao đảo dữ dội, tôi cũng chếnh choáng nhưng tổ nấu bếp vẫn làm việc không ngơi tay. Có đồng chí say đến tái cả mặt mà vẫn thái thịt, rửa rau, tạo ra những bữa ăn ngon cho hàng trăm người. Sau hôm ấy, chị em phụ nữ trong đoàn không ai bảo ai, từ cô văn công còn rất trẻ đến người mang quân hàm đại tá cùng vào phụ bếp. Không khí trong bếp nhộn nhịp hẳn lên, tay thái thịt, tay đảo cơm, tay rửa bát theo guồng nhanh hơn.

Có lẽ nhiều người cũng giống tôi, chưa đi thì chỉ nghĩ đến sự vất vả của bộ đội đóng quân trên đảo. Nhưng những người thông tuyến đường trên biển đưa hàng quà, các đoàn công tác từ đất liền ra đảo, bảo đảm an toàn cho hải trình cũng như thực hiện nhiệm vụ tuần tra canh gác, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên vùng biển của ta chính là những cán bộ kiểm ngư và lực lượng các tàu hải quân. Họ cũng là một phần của Trường Sa, thực hiện nhiệm vụ trên biển; cũng đối mặt với mưa bão thất thường và những nguy hiểm khó lường khác.

leftcenterrightdel
Lực lượng quân y trong đoàn công tác kịp thời cấp cứu ngư dân gặp nạn trên biển.

Ngay trong hành trình, lực lượng quân y trong đoàn công tác đã kịp thời cấp cứu ngư dân gặp nạn trên biển. Vào 9 giờ sáng ngày 11-4, tàu KN290 nhận được tín hiệu từ 1 tàu cá của ngư dân đang khai thác hải sản trên vùng biển gần đảo Đá Thị, tàu lập tức giảm tốc độ. Được biết ngư dân trên tàu tên Võ Tấn Đạt, 32 tuổi, bị nôn trong nhiều giờ gây mất nước, cơ thể suy nhược nghiêm trọng, các bác sĩ và quân y có mặt trên tàu KN 290 đã tiến hành chẩn đoán và cấp thuốc cho bệnh nhân. Các bác sĩ đã liên hệ trực tiếp với bệnh xá đảo Nam Yết để sẵn sàng các phương án cấp cứu bệnh nhân. Ngay sau khi bệnh nhân được chuyển vào bệnh xá đảo Nam Yết, lực lượng quân y tại đây đã nhanh chóng tiến hành các biện pháp y tế để có hướng điều trị đúng. Đến cuối giờ chiều, bệnh nhân đã có dấu hiệu sức khỏe tích cực. Đó là lần đầu tôi được chứng kiến trực tiếp sự “tác chiến, hiệp đồng” khẩn trương của Bộ đội Hải quân.

Vững vàng Trường Sa

Đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết trong cuốn Hồi ký “Tổng hành dinh trong Mùa xuân toàn thắng”, quần đảo Trường Sa là “những mảnh đất xa xôi, chập chờn trên sóng gió Biển Đông”. Nhìn từ xa, các đảo nhỏ xíu giữa đại dương nhưng sức sống ở đây rất mãnh liệt. Ngay cả những đảo chìm như Núi Le, Đá Nam, Đá Thị, Len Đao… bé nhỏ cũng có vườn hoa, rau xanh tươi tốt, có lợn, gà, vịt do bộ đội tăng gia. Tôi còn bắt gặp cả những chú chó trung thành trên nhà giàn DK1. Những đảo nổi như Nam Yết, Phan Vinh, Song Tử Tây, Sinh Tồn Đông, Trường Sa còn có chùa. Thiếu tá Trần Đăng Khoa, Bệnh xá trưởng Bệnh xá đảo Phan Vinh chia sẻ với tôi: “Ở đảo Phan Vinh chỉ thiếu tiếng cười của trẻ thơ, còn lại tất cả đều đủ cho nhiệm vụ. Những tiếng chuông chùa mỗi chiều giúp chúng tôi cảm thấy đảo gần hơn với đất liền. Ở đảo có sóng điện thoại,  tôi thường tranh thủ gọi điện về cho gia đình lúc 19 giờ để nghe tin tức thời sự qua điện thoại”. Đồng chí Khoa chia sẻ rất nhiệt tình nhưng trong lòng tôi thấy vô cùng cảm phục tinh thần và ý chí của các anh đã gác lại những tình cảm cá nhân, xa cách gia đình để giữ gìn những thanh âm yên bình trên vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

leftcenterrightdel
 Đàn vịt bầu biển tại đảo Núi Le.

Tại đảo Trường Sa, tôi vinh dự khi được dự Lễ mít tinh chào mừng Kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng quần đảo Trường Sa và chứng kiến sự kiện chưa từng có ở đây. Gần 30 vị tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã cùng hát vang ca khúc “Hát mãi khúc quân hành” trước Cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa. Đó là món quà xuất phát từ trái tim mỗi vị tướng, thay cho đoàn công tác gửi tới quân và dân trên huyện đảo Trường Sa nói chung, quần đảo Trường Sa nói riêng với mong muốn cán bộ, chiến sĩ sẽ cùng với nhân dân đoàn kết một lòng, vượt mọi khó khăn, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của dân tộc.

leftcenterrightdel
 Tác giả bài viết động viên, thăm hỏi chiến sĩ đảo Trường Sa.

Giờ đây trong tâm trí tôi vẫn đầy ắp những cảm xúc buổi chia tay đảo Trường Sa. Cả đảo chìm trong màn đêm tối, bộ đội và nhân dân trên đảo bật đèn flash điện thoại vẫy chào tạm biệt chúng tôi. Tàu rời bến tất cả mọi người trên cầu cảng hô vang: “Trường Sa vì cả nước!”. Chúng tôi không ai bảo ai đáp lại: “Cả nước vì Trường Sa!”. Chưa bao giờ tôi thấy tự hào đến thế, đó là sức mạnh của Trường Sa, đoàn kết, nghĩa tình. Một Trường Sa vững vàng giữa Biển Đông!

NGUYỄN NHƯ TOẢN - Trợ lý phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị tổ chức, Ban Cơ yếu Chính phủ