Đơn vị tôi huấn luyện dã ngoại tại làng Bình Đà, sống trong nhà dân, đặt ba lô xuống là lập tức giúp dân gánh đầy bể nước, dọn nhà, dọn ngõ sạch sẽ. Dân quý, dân thương san sẻ từng tấm chăn, nồi khoai lang luộc nghĩa tình. Tình cảm đó càng thêm thấm đượm khi ngày vui trọng đại của đất nước cận kề.
 |
CCB Nguyễn Văn Chính (thứ 2, từ trái sang) cùng đồng đội. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Lúc bấy giờ, để chào đón Quốc khánh 2-9, đơn vị tôi phối hợp với địa phương tổ chức sôi nổi các hoạt động. Đầu tiên, đơn vị quán triệt rất kỹ: Càng vào những ngày lễ càng phải tăng cường kiểm soát an ninh, chống phá hoại, vui lễ không quên nhiệm vụ; bảo đảm an toàn địa phương, bí mật quân đội. Cũng bởi thế, đơn vị tôi phân công bộ đội canh gác ngày đêm tại các điểm chốt cẩn mật, nghiêm túc hơn thường ngày. Cùng với đó, bộ đội phối hợp với địa phương tuần tra, canh gác thêm tại các điểm giao liên, giao khu nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn những chuyện bất thường, bảo đảm bà con đón lễ an toàn. Bên cạnh đó, đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức thăm các gia đình có liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, các gia đình có con đang đi bộ đội.
Với những chàng trai trẻ đang tuổi đôi mươi như chúng tôi, khoảnh khắc nhiều cảm xúc nhất chính là buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ. Bởi, đây không chỉ là dịp để thưởng thức lời ca tiếng hát, được thể hiện năng khiếu bản thân, mà còn là cơ hội để nói hộ nỗi lòng chất chứa với đất nước, với hậu phương. Cũng sau đêm văn nghệ sẽ là cuộc chia ly không hẹn ngày gặp lại. Bởi, sau khi hoàn thành chuyến hành quân dã ngoại, chúng tôi sẽ lên đường vào Nam chiến đấu. Từng lời ca, tiếng hát như lời thúc giục những người lính trẻ quyết hy sinh hết thảy vì độc lập, tự do của dân tộc. Cũng là những lời hứa hẹn, động viên các mẹ, các chị về một ngày đất nước thống nhất, non sông thu về một mối sẽ không còn xa...
THU SA (Ghi theo lời kể của CCB Nguyễn Văn Chính)