Tháng 8 đang là mùa mưa ở Trường Sơn nên hầu hết các đơn vị bộ đội chủ lực thường rút quân về căn cứ để củng cố, xây dựng lực lượng. A Vao là một căn cứ của các đơn vị chủ lực địa phương, các đơn vị du kích của Thừa Thiên-Huế. Đồng bào ở đây chủ yếu là người dân tộc Pa Cô, Vân Kiều mang họ của Bác Hồ. Dân cư sống rải rác từng cụm, mỗi cụm có năm, mười hộ gia đình, làm nghề nương rẫy, săn bắt để sinh sống.
Đồng bào rất yêu quý bộ đội, họ sống chân thật và rất nguyên tắc, rất tin Đảng, tin Bác Hồ, tin Bộ đội Cụ Hồ. Vì vậy có chuyện là bộ đội ta tập hợp đồng bào nói chuyện về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta do Đảng, Bác Hồ lãnh đạo ngày càng giành được nhiều thắng lợi to lớn và đang thế đi lên. Nghe vậy đồng bào đứng lên nói rằng: “Mình không thích thế đi lên, mình chỉ thích thế đi xuống. Vì đi xuống khỏe hơn, nhanh hơn…”.
Mùa mưa với bộ đội thường là mùa đói, mùa sốt rét. Vì đường vận chuyển thường bị tắc do mưa lũ, đơn vị nhiều bữa không có gạo phải ăn sắn, rau rừng thay cơm. Ai mang theo cái gì từ Bắc vào mà đổi được cho đồng bào lấy gạo, rau, thịt là cứ đổi. Thời ấy mỗi chiến sĩ từ Bắc vào nhiều người mang trong mình tấm ảnh diễn viên điện ảnh Ái Vân, những năm tháng ấy Ái Vân rất nổi tiếng và xinh đẹp trong vai phim “Chị Nhung”. Đồng bào rất thích ảnh Ái Vân nên bộ đội chủ yếu đổi gà về làm thịt. Có một lần nhiều người dân đến lán tiểu đội tôi chơi, anh bạn đem ảnh ra đổi gà, đồng bào nói có con gà to bằng hai gang tay, nghe thế anh bạn ước chừng con gà ít nhất cũng nặng 1kg, thích quá anh đưa ảnh cho đồng bào ngay. Cầm ảnh xong, đồng bào về nhà bắt gà đem đến. Con gà chỉ bằng nắm tay, chừng vài lạng. Anh bạn tôi cho là đồng bào nói dối và không đổi nữa. Nhưng đồng bào bảo: “Mình nói nó to bằng hai gang tay là khi nó xòe cánh ra chứ không phải khi nó cụp cánh vào!”. Ảnh Ái Vân thì đồng bào bỏ túi rồi, anh bạn tôi đành phải nhận con gà nuôi chớ không thể làm thịt ngay được.
 |
Cuộc gặp gỡ bất ngờ của đôi bạn trẻ cùng quê trên đường ra mặt trận. Ảnh tư liệu |
Ngày ấy cạnh đơn vị tôi tạm trú có mấy gia đình Vân Kiều có con đi theo Quân Giải phóng, có thành tích chiến đấu và được cử ra Trường Sĩ quan Lục quân 1 học khóa ngắn hạn. Trong quá trình học có một anh cưới được vợ quê Nam Hà là chiến sĩ phục vụ ở trường. Sau khi anh tốt nghiệp ra trường thì cô gái cũng xuất ngũ và đi theo chồng vào quê. Anh chồng ở đơn vị du kích địa phương nên ít khi về, cô vợ ở nhà với gia đình chồng. Mỗi lần chúng tôi vào thăm cô đều khóc, có lẽ trước khi lấy anh cô không có điều kiện tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, quê hương của người sĩ quan dân tộc Vân Kiều này. Một hôm chúng tôi vào thăm và nghe bà mẹ chồng nói: “Thằng ấy (anh chồng) vừa về nói với nó (chị vợ), "mày" vô đây không quen rừng, không quen suối, muốn ở cũng không được, thôi về ngoài ấy thì tốt hơn, đừng nghĩ gì nữa…”. Một thời gian sau chúng tôi không thấy cô ấy nữa, nghe nói anh chồng đã gửi cô đi theo một chuyến xe vận tải ra Bắc.
Năm 1972 là năm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang ở giai đoạn gay go và ác liệt. Bởi vậy quân số thương vong trong các trận chiến đấu không hề nhỏ. Kết thúc mùa khô 1971-1972, số bộ đội ta bị thương nặng còn điều trị ở các trạm xá, bệnh xá trung đoàn, bệnh xá bộ đội địa phương… vẫn chưa thể chuyển kịp về tuyến sau. Thời gian tạm trú ở A Vao, chúng tôi có thêm nhiệm vụ vận chuyển thương binh về các bệnh xá tuyến sau. Do cuộc chiến đấu ngày càng gian khổ, ác liệt, có những chiến sĩ thì dù vết thương nặng thế nào cũng kiên quyết không rời đơn vị chiến đấu.
Tôi nhớ một buổi sáng trời mưa như trút nước nhưng chúng tôi vẫn cáng một thương binh về bệnh xá của binh trạm cách đấy gần một ngày đường. Anh thương binh ấy bị thương nặng, gãy chân phải đã nằm trạm xá tiền phương gần một tháng nhưng chưa khỏi, lần này đơn vị chuyển anh về bệnh xá phía sau điều trị và cho trở ra Bắc. Gần trưa, chúng tôi gác võng anh trên cành cây và nghỉ nấu cơm. Khi cơm chín đến đỡ anh dậy thì không thấy đâu nữa. Chúng tôi cuống quýt đi tìm, vào cả nhà mấy đồng bào Vân Kiều, Pa Cô, rồi lại vào trạm xá của trạm giao liên gần đấy hỏi tìm nhưng vô vọng. Chúng tôi đoán anh thương binh bỏ trốn và có thể khi qua con suối gần đó đã bị nước cuốn đi. Mấy anh em đành quay về báo cáo đơn vị… Khoảng ba tháng sau, nghĩa là khi chiến dịch mùa khô năm 1972-1973 bắt đầu thì anh thương binh ấy bỗng “lù lù” trở về tiểu đoàn bộ chúng tôi. Gặp anh, tôi giận tím cả ruột nhưng khi biết chuyện thì lại cảm phục ý chí quyết không rời đơn vị của anh. Thì ra hôm ấy lợi dụng trời mưa, chúng tôi đang nấu cơm, anh đã lẻn vào nhà một gia đình Vân Kiều trốn, dặn người nhà giữ bí mật. Sau khi chúng tôi bỏ cuộc tìm kiếm và trở về đơn vị thì anh đến trạm xá trạm giao liên xin điều trị khỏi để trở về đơn vị chiến đấu. Anh tên là Lĩnh, quê ở Hậu Lộc, Thanh Hóa.
Thời gian ở A Vao, chúng tôi cũng tăng gia sản xuất, trồng rau, trồng sắn, khoai, cũng có huấn luyện củng cố tổ chức chờ hết mùa mưa để bổ sung vào đơn vị chiến đấu...
HỒ NGUYỄN