Bà Hoàng Thúy Lan tên thật là Nguyễn Thị Panlette Quới, quê gốc ở Vĩnh Long, sinh năm 1925 trong một gia đình trí thức ở Phnom Penh, Campuchia. Thời gian hoạt động tình báo, bà mang nhiều tên, biệt danh khác nhau. Tháng 10-1949, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 2-1955, bà và gia đình tập kết ra Bắc. Năm 1965, bà tham gia ngành tình báo. Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, cơ sở bị lộ, bà bị bắt vì có kẻ phản bội chỉ điểm. Tuy nhiên trước khi bị bắt, bằng linh cảm và trực giác nhạy bén của một người làm tình báo, bà đã kịp tiêu hủy hết tài liệu. Tòa án ngụy quyền Sài Gòn kết tội bà phản nghịch với bản án 20 năm khổ sai. Chúng đưa bà đi khắp các nhà tù, trong đó có “chuồng cọp Côn Đảo”.

Nơi nhà tù, bà bị thẩm vấn, tra tấn, đánh đập dã man, nhưng khi nhắc đến Đảng, nhắc đến cách mạng, bà khẳng định: “Tôi là đảng viên! Mà cho dù không phải là đảng viên, tôi vẫn tin và làm theo lời Bác Hồ. Đã tin là tin đến cùng! Chỉ chọn một con đường là trung với nước. Vậy thôi!”. Trong phong trào chống chào cờ của các chị em phụ nữ trong ngục tù, người chiến sĩ cách mạng Hoàng Thúy Lan cùng các chị em kiên quyết đấu tranh. Bà bị cai ngục gọi ra và nói: “Nếu chịu ra chào cờ sẽ cho nhận thư của gia đình”. Bà kiên quyết từ chối. Cho đến sau này bà mới hay, bức thư đó báo tin mẹ của bà mất.

Ngày bà trở về theo Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, các bạn bè, đồng chí, người thân của bà không kìm nổi nước mắt. Đó là những giọt nước mắt của sự mừng vui vì bà đã thoát khỏi “chuồng cọp”. Nhưng đó cũng là giọt nước mắt của sự đau xót khi nhìn thấy người phụ nữ từng là “tuyệt thế giai nhân”, nay phải nằm trên chiếc băng ca, thân hình gầy gò, chỉ còn da bọc xương, đôi chân bị liệt.

Hiện tại, bà Hoàng Thúy Lan đã về với cõi cực lạc. Câu chuyện về cuộc đời hoạt động cách mạng của bà giờ chỉ còn lại qua những thước phim như “Người phụ nữ Việt Nam ấy, bà là ai?” do Nghệ sĩ Ưu tú Việt Tùng, Đình Hiệp đạo diễn, “Mối tình đầu” do Nghệ sĩ Nhân dân Hải Ninh đạo diễn. Nhưng những cống hiến và một phần cuộc đời thầm lặng, đầy sóng gió và hy sinh mất mát của nữ tình báo Hoàng Thúy Lan mãi được các thế hệ sau ghi nhớ.

THÙY TRANG