Lần đầu tiên tới Campuchia, các thành viên trong đoàn đều có chung cảm xúc vừa hồi hộp, háo hức, vừa xúc động, nghẹn ngào khi thăm lại chiến trường xưa, nơi quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam từng chiến đấu giúp đỡ nhân dân Campuchia chống lại chế độ diệt chủng Pol Pot. Tôi nhớ mãi tình cảm nồng ấm, chân thành cùng sự tri ân sâu nặng của ngài Sim Ka, Phó chủ tịch thứ nhất Thượng viện Campuchia-khi đón tiếp đoàn tại trụ sở Thượng viện. Trong lời phát biểu của mình, ngài Sim Ka khẳng định: “Những thành tựu to lớn của đất nước Campuchia ngày nay không thể tách rời khỏi sự giúp đỡ lớn lao, kịp thời và hiệu quả của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam anh em”.

Đoàn đại biểu cựu Quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam trong chuyến thăm và làm việc tại Campuchia tháng 3-2019.

Cũng với tinh thần đó, bà Men Sam On, Ủy viên Ban thường vụ Đảng Nhân dân Campuchia, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quan hệ với Quốc hội, Thượng viện và Thanh tra, Chủ tịch Hội hữu nghị Campuchia-Việt Nam, đón tiếp đoàn chúng tôi trong không khí gần gũi, thân mật, cởi mở và vô cùng ấm áp. Đặc biệt, tôi không bao giờ quên được khoảnh khắc bất ngờ mà bà Men Sam On dành riêng cho tôi. Ấy là, trong buổi tiếp đón hôm đó, tôi được đại diện cho thân nhân liệt sĩ đi trong đoàn phát biểu cảm tưởng. Nghe xong, bà nắm chặt tay và ôm tôi vào lòng, hai mắt ngấn lệ. Trước khi chia tay, bà lưu luyến chụp ảnh cùng các thành viên trong đoàn, một lần nữa ôm tôi và nói: “Cô không bao giờ quên cháu!”. 

Cùng với sự tiếp đón của các nhà lãnh đạo cấp cao trong Chính phủ Hoàng gia Campuchia, đoàn còn được các lãnh đạo, nhân dân hai tỉnh Battambang và Siem Reap cùng một số đơn vị Quân đội Hoàng gia Campuchia như: Bộ Quốc phòng, Quân khu 4, Quân khu 5 đón chào trong không khí tươi vui, phấn khởi, thân mật và không kém phần trang trọng. Tôi còn nhớ, trong buổi làm việc với Bộ tư lệnh Quân khu 4, sau khi thay mặt thân nhân liệt sĩ phát biểu, bày tỏ cảm xúc của mình, tôi rất bất ngờ khi thấy một nữ sĩ quan Quân đội Hoàng gia Campuchia chạy lại ôm tôi và khóc. Nữ sĩ quan cho biết, năm 1979, chị đã chứng kiến bọn Pol Pot giết hại cha mẹ mình. Mấy chị em chị may mắn được Quân tình nguyện Việt Nam kịp thời đến cứu, đưa về trại trẻ mồ côi. Lớn lên, chị được cử sang Việt Nam học tập tại Học viện Quân y và về phục vụ trong Quân đội Hoàng gia. Chị nhắc đi nhắc lại rằng, nếu không có Quân tình nguyện Việt Nam kịp thời đến cứu, chị đã không thể sống sót để có ngày hôm nay. Vì thế, hơn ai hết, chị thấm thía vô cùng cái giá phải trả để giành được hòa bình. Sau này tôi mới biết, chị là Đại tá quân y Pich Sovan, hiện đang công tác tại Bộ tư lệnh Quân khu 4.  

Bên cạnh niềm tự hào, phấn khởi, hạnh phúc, chúng tôi vẫn đau đáu trong lòng một nỗi niềm đó là trong hàng vạn Quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại chiến trường Campuchia vẫn còn nhiều hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy. Vì thế, trong tất cả các buổi gặp gỡ, làm việc của đoàn, chúng tôi luôn bày tỏ nguyện vọng thiết tha, niềm mong mỏi, khát khao được sớm đón hài cốt của các liệt sĩ trở về với quê hương.

Thấu hiểu nguyện vọng trên, các nhà lãnh đạo cấp cao trong chính phủ Campuchia, lãnh đạo hai tỉnh Battambang và Siem Reap cũng như các tướng lĩnh trong quân đội Hoàng gia Campuchia khẳng định sẽ nỗ lực hết sức để đưa được hài cốt Quân tình nguyện Việt Nam về nước. Thống tướng, Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Campuchia Chhay Siangyun cho biết, trong những năm qua, cùng với sự giúp đỡ của chính phủ và nhân dân Campuchia, hơn 10 nghìn bộ hài cốt của Quân tình nguyện Việt Nam đã được tìm thấy, cất bốc và quy tập về các nghĩa trang ở Việt Nam. Trong thời gian tới, Bộ Quốc phòng Campuchia sẽ nỗ lực hết sức để đưa được hài cốt Quân tình nguyện Việt Nam về nước, đúng như lời cam kết của Thượng tướng Ek Samol, Phó tư lệnh Lục quân Quân đội Hoàng gia, Tư lệnh Quân khu 5: “Còn một bộ hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện Việt Nam nằm trên đất nước Campuchia thì chúng tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm”.

Bài và ảnh: NGUYỄN THỊ THÚY HÀ (Giảng viên trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội)