“Vít cổ” 13 máy bay địch

Sinh ra và lớn lên trên quê hương có truyền thống cách mạng, ngay từ khi còn nhỏ, Nguyễn Văn Thoa đã ước mơ lớn lên sẽ được đi bộ đội, vác súng bắn rơi những chiếc máy bay Mỹ thường quần lượn, ném bom tàn phá nhà cửa, trường học, giết hại người dân quê mình. Ao ước ấy được Nguyễn Văn Thoa nung nấu mãi, cho đến tháng 8-1971, khi vừa tròn 17 tuổi, tốt nghiệp Trường Cấp III Lê Xoay, anh đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Đất nước đang có chiến tranh, dù Thoa chưa đủ cân theo quy định, nhưng với khí thế hừng hực của tuổi trẻ, nên cơ quan chức năng không nỡ từ chối.

Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Thoa. 
Ngày đầu nhập ngũ, Thoa được biên chế vào Đại đội 3, Tiểu đoàn 17 thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân. Sau đợt huấn luyện chiến sĩ mới, Nguyễn Văn Thoa được cấp trên cử tham một khóa huấn luyện ngắn chuyên sử dụng tên lửa vác vai A72. Trong quá trình huấn luyện, chiến sĩ Thoa tích cực học hỏi, nghiên cứu thêm những tính năng, cấu tạo từng bộ phận của tên lửa vác vai A72. Nắm chắc nguyên lý và giỏi thực hành, Nguyễn Văn Thoa được đồng đội và thủ trưởng đánh giá là người rất giỏi về ước lượng cự ly, ngắm bắn đón, chọn vị trí, lấy tham số nhanh và phóng đạn kịp thời. Nhận định đó của đồng đội được chứng minh ngay trong trận chiến đấu tiên.

Đó là ngày 5-4-1972, một dàn máy bay Mỹ ầm ầm kéo vào khu vực Minh Thạnh, Tây Ninh. Sau khi được lệnh của cấp trên, chỉ có 37 giây ngắm, anh phóng quả đạn đầu tiên bắn rơi một máy bay địch trước sự vui mừng của cả đơn vị. Thủ trưởng cấp trên nhận định, Thoa là người rất giỏi sử dụng vũ khí vác vai A72, nên hễ có trận chiến đấu nào quan trọng là anh được điều động đi tăng cường, phối thuộc cho các đơn vị bạn. Đến đơn vị nào anh cũng lập được thành tích bắn rơi máy bay địch và được cấp trên khen thưởng. Ngày 15-1-1975, trong trận chiến đấu ở thị xã Mộc Hóa, bên bờ sông Vàm Cỏ Tây, anh bị thương do bị mảnh đạn trúng vào đầu. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian điều trị tạm ổn, anh lại quyết liệt xin đi theo đội hình đơn vị để chiến đấu.

Vào những ngày cuối cùng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, sau khi quan sát thấy máy bay địch vào tầm ngắm, Nguyễn Văn Thoa đã "vít cổ" chiếc máy bay C130 của địch, cách giờ toàn thắng chỉ có 2 giờ 30 phút. Kết thúc sự nghiệp "xạ thủ", tổng cộng Nguyễn Văn Thoa đã bắn rơi 13 máy bay các loại của địch. Anh được tặng thưởng 13 huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, 3 Huân chương chiến công và danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT nhân dân.

Tiên phong trên trận tuyến mới

Tháng 10-1975, Nguyễn Văn Thoa có quyết định nghỉ phục viên. Rời quân ngũ phải làm nghề gì đó để sinh sống. Nghĩ sao làm vậy, nên Nguyễn Văn Thoa đăng ký và thi đỗ vào Trường Đại học Nông nghiệp Thái Nguyên, chuyên ngành thú y, rồi công tác trong ngành chăn nuôi đến năm 1990 thì nghỉ chế độ. Về quê sinh sống, nhưng nghề chăn nuôi đã ngấm vào máu cứ thôi thúc, không cho ông nghỉ. Ông cùng gia đình bàn bạc, thống nhất mở trang trại chăn nuôi quy mô lớn.

Được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, Nguyễn Văn Thoa nhận thầu một khu đất bãi để làm trang trại. Những ngày đầu gặp vô vàn khó khăn, nhưng với ý chí, nghị lực đã được tôi rèn trong bom đạn, Nguyễn Văn Thoa đã từng bước vượt qua. Vừa chăn nuôi sản xuất, ông vừa tích cực tham gia các hoạt động của địa phương, đặc biệt là của Hội CCB. Ông còn thường xuyên đi kể chuyện truyền thống cho học sinh các trường THPT trên địa bàn; tham gia làm phim phóng sự, giao lưu các trương trình do Đài Truyền hình Việt Nam và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức. Năm 2006, ông Thoa được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành, giữ chức Phó chủ tịch Hội CCB xã Cao Đại; năm 2008 được bầu giữ chức Chủ tịch Hội CCB xã Cao Đại.

Ông Thoa cùng với Ban Chấp hành Hội CCB xã luôn suy tư, trăn trở, làm sao để cán bộ, hội viên không còn nghèo đói. Từ tình hình thực tế, đặc điểm, tập quán của địa phương, ông Thoa đã tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức nhiều lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt, phương pháp hoạch toán kinh tế. Nhờ vậy từ năm 2008 đến nay, đời sống kinh tế của các hội viên đã đổi thay rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, tỷ lệ hộ khá và giàu chiếm 65,8%, có 22 hội viên làm kinh tế trang trại, 6 hội viên làm chủ doanh nghiệp. Ông Thoa còn tích cực vận động hội viên tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng đời sống văn hoá mới và luôn gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của từng hội viên, sẵn sàng chia ngọt, sẻ bùi với đồng đội. Ông thật xứng đáng là “thủ lĩnh” của Hội CCB, người tiên phong trên trận tuyến làm kinh tế, xóa đói nghèo.

Bài và ảnh: ĐÀO DUY TUẤN