Sau kỳ họp Quốc hội thứ 9, khóa XI, báo Quân đội nhân dân nhận được nhiều thư của cán bộ, chiến sĩ hỏi về chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) mới được thực hiện trong quân đội như thế nào? Phóng viên báo Quân đội nhân dân đã làm việc với Cục Chính sách Tổng cục Chính trị, để trả lời bạn đọc.

Trong chương III, Luật Bảo hiểm xã hội bắt buộc, mà Quốc hội thông qua ngày 29-6-2006, đã quy định các chế độ được hưởng chi - trả BHXH. Trong đó, có quy định mới: Hạ sĩ quan, chiến sĩ trong quân đội, ngoài việc việc được hưởng 2 chế độ BHXH trước đây là tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và chế độ tử tuất, còn được hưởng bảo lưu thời gian tham gia BHXH trong quân đội, hoặc được nhận trợ cấp BHXH một lần từ quỹ BHXH quân đội.

Về chế độ hưu trí đối với người nghỉ hưu hưởng lương theo bảng lương Nhà nước quy định (trong đó có những người hưởng lương quân đội), Luật BHXH mới quy định: Tính bình quân theo thời gian 5 năm, 6 năm, 8 năm, 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu, tùy thuộc vào thời gian bắt đầu tham gia BHXH. Như vậy, quân nhân và người lao động được hưởng lương hưu cao hơn so với cách tính cũ khoảng 20%. Luật BHXH mới đã làm cho các chế độ BHXH được hưởng mức trợ cấp cao hơn, cụ thể hơn, sát thực tế, có lợi hơn cho người lao động. Như: Chế độ ốm đau được tăng thời gian nghỉ việc thêm 10 ngày, người mắc bệnh cần chữa trị dài ngày có quy định chi tiết, cụ thể hơn; Người lao động được nghỉ việc chăm sóc con nhỏ ốm đau không khống chế số lượng con; Được tăng số lần nghỉ việc để đi khám thai sản từ 3 lần lên 5 lần; Giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động được bổ sung khi người lao động bị nhiều tai nạn hoặc mắc nhiều bệnh nghề nghiệp; Tùy thuộc vào tỷ lệ suy giảm khả năng lao động để chia thành nhiều mức trợ cấp phù hợp; Nâng mức trợ cấp 1 lần từ 24 tháng mức lương tối thiểu lên 36 tháng đối với thân nhân khi người lao động chết; Nâng mức trợ cấp mai táng từ 8 tháng lên 10 tháng lương tối thiểu chung…

Sau thời gian làm việc với các bộ, ngành chức năng có liên quan, với sự nhất trí cao, đầu tháng 1-2007 Bộ Quốc phòng đã trình lên Chính phủ dự thảo Nghị định về BHXH bắt buộc đối với quân nhân… Trong phần Tổ chức thực hiện có các điểm cụ thể nhằm mục đích quản lý toàn bộ việc tổ chức thực hiện BHXH bắt buộc trong quân đội một cách thống nhất, chặt chẽ, hiệu quả, tránh sự chồng chéo và bất hợp lý (bao gồm cả thu và chi) đối với những người đang phục vụ trong quân đội và trước khi chuyển ra khỏi quân đội. Ví dụ: Những sĩ quan nghỉ hưu, đối với nam có hơn 30 năm, nữ hơn 25 năm tham gia BHXH thì được hưởng trợ cấp 1 lần (không hạn chế quy định tối đa 5 tháng lương như trước đây) do BHXH quân đội chi trả, cộng với lương hưu hằng tháng (do BHXH tỉnh, thành phố chi trả); Hằng tháng, toàn bộ số tiền thu BHXH của quân đội sẽ được chi trả cho các đối tượng. Như vậy, theo dự thảo Nghị định, BHXH quân đội tổ chức cả thu và chi đối với tất cả các đối tượng: sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, CNV quốc phòng, hạ sĩ quan, chiến sĩ, lao động hợp đồng trong các đơn vị và doanh nghiệp quân đội…

Đại tá Hồ Thủy, Trưởng phòng BHXH quân đội, cho biết: Nội dung của dự thảo Nghị định mà Bộ Quốc phòng đã trình Chính phủ bảo đảm được bí mật quân sự theo yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, chi trả trợ cấp cho các đối tượng trọn vẹn và quỹ BHXH trong quân đội ngày càng phát triển. Đây là xu hướng chung mà quân đội các nước trên thế giới và khu vực đã làm có hiệu quả. Theo dự thảo, việc quân đội thực hiện BHXH sẽ khắc phục được những khó khăn bất cập trước đây, bảo đảm thu - chi đầy đủ, kịp thời; quản lý chặt chẽ đối tượng chính sách và tài chính BHXH; bảo đảm cho mọi hoạt động của quân đội bí mật, an toàn, tiết kiệm ngân sách quốc phòng; tăng cường sự gắn kết giữa chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội. Tuy nhiên, quá trình thực hiện BHXH quân đội theo cơ chế mới cần tập trung khắc phục những bất cập, nhất là trong chế độ chính sách, cơ chế quản lý và tổ chức thực hiện.

BHXH là một chính sách lớn trong hệ thống chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước ta, đã góp phần to lớn trong bảo đảm đời sống toàn dân, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của đất nước. Quân đội là một bộ phận xã hội đặc thù, nên BHXH quân đội cũng có những nét riêng. Nếu như trước đây, trong cơ chế tập trung bao cấp, BHXH quân đội chủ yếu là sự đãi ngộ của Nhà nước đối với quân nhân, thì ngày nay BHXH quân đội theo cơ chế mới là sự đóng góp, san sẻ của cả cộng đồng nhằm thiết thực bảo đảm cuộc sống cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, tai nạn, già yếu hoặc giảm thu nhập từ nghề nghiệp do bị mất hoặc giảm khả năng lao động, việc làm trong quân đội, góp phần quan trọng xây dựng quân đội ổn định, vững vàng về chính trị tư tưởng; giải quyết thấu đáo về chính sách đối với quân nhân và hậu phương quân đội; giảm bớt gánh nặng cho ngân sách quốc phòng; động viên và phát huy nhân tố con người để xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

VŨ NGA - MAI PHƯƠNG