Bên cạnh các cơ sở y tế nhà nước thì hệ thống y tế tư nhân đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần làm giảm bớt sự quá tải ở các bệnh viện nhà nước. Tuy nhiên, để hệ thống y tế tư nhân hoạt động hiệu quả hơn ở nước ta vẫn còn là một bài toán cần tìm nhiều lời giải.Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Giáo sư-Viện sĩ (GS-VS) Phạm Song, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam về thực trạng trong việc hành nghề y tư nhân, những giải pháp quản lý và tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới.
Có nên thành lập Trường đại học y tư nhân?
- Phóng viên (PV): Thưa giáo sư, từ khi nào, nước ta chính thức có quy định về việc phát triển y tế tư nhân?
- Bước vào thời kỳ đổi mới, ở nước ta đã bắt đầu hình thành một hệ thống y tế tư nhân bên cạnh hệ thống y tế nhà nước. Khung pháp lý về vấn đề này cũng khá cơ bản. Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân ra đời năm 1989 mở đầu cho sự đổi mới của ngành y tế, trong đó công nhận 3 chủ thể: Nhà nước, Tập thể và Tư nhân. Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân ban hành ngày 29-01-1993. Nghị đình 06/CP của Chính phủ ngày 29-01-1994 cũng quy định về hành nghề trong lĩnh vực y dược. Bộ y tế đã ban hành Thông tư hướng dẫn cụ thể về việc hành ngề y tư nhân, thông tư hành nghề y học cổ truyền tư nhân; Thông tư hành nghề dược tư nhân, hành nghề trang thiết bị tư nhân… Mục tiêu của ngành y tế Việt Nam là thực hiện dịch vụ hoá ngành y tế, đến năm 2010 sẽ chuyển bệnh viện bán công thành bệnh viện tư, bệnh viện công tự chủ tài chính.
- PV: Giáo sư đánh giá như thế nào về vai trò của y tế tư nhân trong giai đoạn hiện nay?
- Hiện nay, các dịch vụ của y tế tư nhân chiếm khoảng 15-20%. Mặc dù quy mô chưa lớn so với lịch sử phát triển hệ thống y tế công nhưng y tế tư nhân đã cùng chia sẻ nhiệm vụ cao cả trong việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ của người dân trong suốt thời kỳ đổi mới đất nước. Thống kê chưa đầy đủ nhưng hiện cả nước cũng có khoảng hơn 25.000 cơ sở hành nghề y, hơn 20.000 cơ sở hành nghề dược, gần 8000 cơ sở hành nghề y học cổ truyền và nhiều bệnh viện tư có vốn nước ngoài đã ra đời ở nước ta tạo điều kiện nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho người dân bằng phương tiện kỹ thuật khám, chữa bệnh hiện đại…
- PV: Với hành lang pháp lý khá rõ ràng như vậy, nhưng có nhiều ý kiến cho rằng, y tế tư nhân của chúng ta vẫn chưa thực sự phát triển?
- Quả thực là những năm gần đây, nhiều cơ sở y tế tư nhân ra đời nhưng so với nhiều nước trong khu vực và thế giới thì hệ thống y tế tư nhân của chúng ta vẫn phát triển chậm vì còn nhiều yếu tố bất cập. Văn bản pháp luật đã quy định, nhưng vấn đề quan trọng là việc thực hiện ở các cơ sở còn thiếu thống nhất, không đồng bộ, nơi này thì chặt chẽ, nơi kia thông thoáng. Luật của nước ta còn chung chung, dễ vận dụng. Dịch vụ y tế cũng sẵn sàng phục vụ người dân nhưng, khó khăn hiện nay của y tế tư nhân là sự hưởng thụ dịch vụ ấy không phải là đối tượng nghèo và trung lưu mà là người giàu.
- PV: Những bất cập nào cản trở hoạt động của các bệnh viện, phòng khám tư ở nước ta, thưa Giáo sư?
- Y tế tư nhân hiện chưa có bảo hiểm cho người bệnh.Các phòng khám tư nhân, các loại hiện đang phát triển mạnh như: phòng khám đa khoa, phòng khám tư nhân một người, phòng khám ngoài giờ của bác sĩ công và tư nhân đầu tư vào bệnh viện công những máy móc công nghệ cao mà bảo hiểm y tế không chi trả được.
 |
Giáo sư, Viện sĩ Phạm Song (ảnh internet) |
Nguồn nhân lực đang rất thiếu, chủ yếu là của bác sĩ công và cán bộ y tế hưu trí đảm nhiệm việc ngoài giờ hoặc giờ rỗi ở bệnh viện công. Đặc biệt ở tuyến xã, nhân lực y tế tư nhân nhiều hơn y tế công kể cả bác sĩ vì có nhiều cán bộ hưu trí, nhưng bảo hiểm y tế không kiểm soát được. Trong khi đó, sự tham gia của Tổng hội y học và các tỉnh thành hội y học thì rất hạn chế. Các tổ chức này chỉ được phép tham gia như một thành viên cấp giấy phép hành nghề mà thôi.
Những bất cập này dẫn đến tình trạng người dân và các hộ gia đình phải trả chi phí quá cao cho chăm sóc y tế, thậm chí có nhiều gia đình có nguy cơ nghèo đi vì khám chữa bệnh. Người nghèo rất khó tiếp cận được các dịch vụ y tế. Giới trung lưu cũng khó tiếp cập được các dịch vụ kỹ thuật cao.
- PV: Để khắc phục cho tình trạng thiếu nhân lực cho các bệnh viện và phòng khám tư, một số người đã đề xuất việc thành lập Trường đại học y tế tư nhân, Giáo sư suy nghĩ như thế nào với đề xuất này?
- Tôi nghĩ việc thành lập trường đại học y tư nhân là không đặt thành vấn đề. Vấn đề là đào tạo và chất lượng đào tạo ra sao? Mục đích cuối cùng là ai sẽ được hưởng thụ sự phát triển của dịch vụ ấy mới là điều quan trọng.
Băn khoăn về sự công bằng và chất lượng...
- PV: Giáo sư rất ủng hộ quan điểm là phải phát triển mạnh hệ thống y tế tư nhân ở nước ta. Liệu đây có phải là một xu hướng mà ngành y tế ở nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới đang xây dựng?
- Theo tôi được biết thì ở Hàn Quốc là một nơi có mô hình tư nhân hoá y tế thành công nhất ở châu Á, người dân được tiếp cận các dịch vụ tốt. Số lượng thầy thuốc tư nhân chiếm 86%. Để bảo đảm công bằng tương đối và hướng tiếp cận chính cho mọi người dân là Bảo hiểm y tế toàn dân và đề cao vai trò xã hội dân sự của Tổng hội Y học, hội hành nghề tư nhân,… Ở Cộng hòa Liên bang Đức thì tỷ lệ y tế tư nhân trên y tế công là 9/1; Ở Phi-lip-pin thì 45% giường bệnh là tư nhân. Ở In đô-nê-xi-a thì cho phép hầu hết bác sĩ làm bệnh viện công được khám bệnh tư nhân sau giờ làm việc.
Mỗi đất nước sẽ có một hướng đi riêng của mình dựa trên nền tảng truyền thống nhưng khi nước ta đã bước chân vào WTO thì việc đưa y tế tư nhân phát triển là nhiệm vụ sẽ rất quan trọng để bảo đảm công bằng cho mọi người đều được tiếp cận thuận lợi.
- PV: Nhưng làm sao đảm bảo công bằng để mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ?
- Đó là một bài toán công bằng, là bài toán khó nhất trong các dịch vụ này. Theo tôi đảm bảo công bằng cho mọi người cũng chỉ đạt tương đối. Nhưng vấn đề quan trọng là phải công bằng trong việc tạo điều kiện tiếp cận cho người dân. Nói cách khác là không để người dân chết vì không được đi chữa bệnh mà chết vì chữa không được. Muốn có được những dịch vụ y tế chất lượng bảo đảm công bằng xã hội thì chỉ có bảo hiểm y tế toàn dân. Đây là việc rất khó làm nhưng cần phải hướng tới. Trước mắt thì cần đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế.
- PV: Có một vấn đề khác là bên cạnh các bệnh viện tư, phòng khám tư chất lượng thì vẫn tồn tại rất nhiều cơ sở y tế tư nhân hoạt động ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. Nhiều phòng khám tư thành lập mà chất lượng không đảm bảo nhưng lại thu phí của người bệnh rất cao. Người bệnh vẫn còn nhiều thiệt thòi. Giáo sư nhận thấy điều gì còn băn khoăn nhất?
- Hoạt động y tế tư nhân thì yêu cầu "vì nhân dân phục vụ" là không có vì đã hành nghề họ sẽ tính lãi. Yêu cầu họ nhân đạo là rất khó. Vì vậy, chúng ta cần phải quản lý bằng cách khác, đề cao y đức, làm sao để người hành nghề là phải có đạo đức, phải có xu hướng nhân đạo trong đó. Theo tôi biết thì ở một số nước, người ta khống chế và kiểm soát phần lãi của các cơ sở y tư nhân vừa có lãi nhưng vừa bảo đảm tính nhân đạo (cho phép lãi 20%).
Chứng chỉ hành nghề-Cần quản lý chặt chẽ hơn
- PV: Chúng ta cần phải làm gì để kiểm soát được chất lượng hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân?
- Cần giao cho hội đồng y đức của các bệnh viện, xem xét không chỉ có đạo đức nghề nghiệp mà còn xem xét cả khả năng hành nghề của họ. Ở một số nước thì chứng chỉ hành nghề là do Nhà nước sẽ cấp cho những bác sĩ hành nghề y dược tư nhân còn việc xem xét khả năng hành nghề là do các tổ chức đoàn, hội chuyên khoa thẩm định. Nhưng ở Việt Nam thì nên kết hợp giữa Bộ Y tế chủ trì và còn chứng chỉ hành nghề thì nên giao cho các Hội chuyên khoa đánh giá để kiểm nghiệm đánh giá thường xuyên vấn đề này. Thông thường các nước tư sản thì 5 năm kiểm tra đánh giá chứng chỉ hành nghề một lần.Ở Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po thì 2 đến 5 năm đánh giá một lần. Đây là một hình thức tự nâng cao năng lực không phải là sự lựa chọn mà là nghĩa vụ.
- PV: Theo giáo sư thì mô hình bệnh viện tư nhân nào chúng ta có thể vận dụng được trong thời gian tới?
- Chúng ta cần phải có cách đi riêng. Việt Nam đã vào WTO thì tất yếu y tế tư nhân và y tế nhà nước, bệnh viện công- tư cũng phải được bình đẳng. Chúng ta sẽ cần phải xây dựng xã hội phúc lợi và hướng tới thực hiện chế độ bảo hiểm y tế toàn dân. Giải pháp chiến lược là không do dự phát triển y tế tư nhân, coi trọng phát triển bệnh viện tư kể cả bệnh viện đầu tư nước ngoài. Tăng cường vai trò của Tổng hội y học và các hội chuyên ngành, các tỉnh, thành hội tham gia xây dựng bảo hiểm y tế toàn dân và tham gia tích cực từ cấp giấy phép hành nghề, đào tạo liên tục, phát triển y đức, y đạo tiến tới giao cho Hiệp hội hành nghề tư nhân tự quản lý theo quy định và thực hiện kiểm tra định kỳ của Bộ Y tế. Để đạt được những mục tiêu này chúng ta cần phải đạt được sự tăng trưởng kinh tế, giảm tham nhũng lãng phí, tăng chi cho công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân.
- PV: Được biết, Tổng hội Y học Việt Nam vừa tổ chức hội thảo về thực trạng,giải pháp phát triển y tế tư nhân và sẽ kiến nghị lên cơ quan Trung ương một số vấn đề cơ bản của y tế tư nhân? Đó là vấn đề gì vậy, thưa Giáo sư?
- Chúng tôi sẽ cân nhắc thêm nhưng một số vấn đề cốt lõi thứ nhất là đề nghị Đảng và Nhà nước cần khuyến khích phát triển y tế tư nhân, đặc biệt là bệnh viện tư. Bệnh viện tư rất cần thiết nên có chính sách ưu đãi về đất đai, mặt bằng và thuế cho việc thành lập bệnh viện, cơ sở hành nghề y tư nhân trong một thời gian nhất định. Vì nếu không tạo điều kiện về điều đó thì người bệnh sẽ phải chịu cả. Tạo điều kiện cho họ để họ thực hiện tính nhân đạo trong nghề y. Thứ hai là sẽ đề nghị việc cấp chứng chỉ hành nghề do Bộ Y tế chủ trì kết hợp với các Hội chuyên khoa để kiểm soát cho chặt chẽ, tốt hơn, tiến tới tự quản. Khi trình độ quản lý nhà nước đến độ tinh vi thì đến định kỳ sẽ kiểm tra. Ai sai sẽ bị phạt.
Có thể cần phải có một hội nghị "Diên Hồng" để tìm giải pháp thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Toàn dân góp ý, chuyên gia góp ý, nhưng người lãnh đạo cao nhất đứng ra chủ trì thì mới có thể làm được bảo hiểm y tế toàn dân.
HÀ THANH MINH (thực hiện)