So với cách đây 3 năm, sức khỏe của chị Nga đã tiến triển tốt hơn nhiều. Nhìn vẻ bề ngoài cùng dáng đi nhanh nhẹn, nhiều người không tin chị bị mắc bệnh hiểm nghèo, phải phẫu thuật và trải qua nhiều đợt hóa trị, xạ trị. Chị Nga nhớ lại: "Khi mới phát hiện bệnh, không chỉ tôi mà người thân trong gia đình rất hoang mang, lo lắng. Quá trình điều trị tại Bệnh viện K, tôi được sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, các tổ chức quần chúng, đồng chí, đồng đội; được quân y đơn vị giải thích về quyền lợi khám, chữa bệnh (KCB) BHYT đối với quân nhân, giúp tôi thêm yên tâm điều trị bệnh".
 |
Đồng đội đến thăm và động viên Đại úy QNCN Lê Thị Kim Ngân sau đợt điều trị (tháng 3-2019). |
Có thẻ BHYT, chị Nga được thanh toán toàn bộ chi phí thuốc men trong quá trình khám, điều trị. Tuy nhiên, trong phác đồ điều trị, một số thuốc không có trong danh mục thanh toán của BHYT, hoặc chỉ được chi trả 50%. “Tính sơ sơ, toàn bộ chi phí của đợt điều trị hết hơn 100 triệu đồng (chưa kể chi phí đi lại, lưu trú trong quá trình điều trị…), tôi được BHYT thanh toán hơn 80 triệu đồng, số còn lại gia đình chi trả”, chị Nga cho biết.
Còn Đại úy QNCN Lê Thị Kim Ngân, nhân viên quân y Phòng Hậu cần, Sư đoàn 371 (Quân chủng Phòng không-Không quân) đang điều trị bệnh hiểm nghèo chia sẻ: “Tháng 4-2018, tôi phát hiện bị mắc bệnh hiểm nghèo và được Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn (nơi đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu) giới thiệu đi điều trị tại Bệnh viện K, cơ sở 3 Tân Triều. Đến nay, tôi đã trải qua phẫu thuật và hai đợt truyền hóa chất; được BHYT chi trả theo quy định. Riêng với loại thuốc tăng cường hệ miễn dịch thì không nằm trong danh mục BHYT nên tôi phải chi trả bằng tiền cá nhân”.
Theo quy định tại Điều 11, Nghị định số 70/2015/NĐ-CP ngày 1-9-2015 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu, cán bộ, chiến sĩ khi đi KCB được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB trong phạm vi được hưởng và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán đối với một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với một số trường hợp.
Thạc sĩ, bác sĩ Chu Văn Tuynh, Trưởng khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết: "Đối với các bệnh nhân bị bệnh nặng đến điều trị tại bệnh viện, quá trình khám sàng lọc và điều trị, chúng tôi thường đưa ra những phác đồ tích cực, vừa điều trị hiệu quả, lại góp phần giảm chi phí tối đa cho bệnh nhân. Mỗi mặt bệnh có phương pháp điều trị khác nhau, loại thuốc sử dụng khác nhau, được BHYT quy định không giống nhau. Đơn cử, sử dụng liệu pháp điều trị đích trong ung thư (là phương pháp trị ung thư bằng cách sử dụng thuốc) có loại nằm trong danh mục BHYT chi trả 100%, có loại chi trả 50% và có loại không nằm trong danh mục chi trả của BHYT...
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, thuốc đặc trị điều trị bệnh hiểm nghèo thường có giá rất cao, nếu không có BHYT hỗ trợ thì nhiều bệnh nhân không có điều kiện chi trả, dẫn đến tình trạng có người chấp nhận không điều trị. Mặt khác, sau quá trình điều trị tích cực, bệnh nhân tạm thời khống chế được bệnh, ổn định về sức khỏe nhưng vẫn phải tiếp tục được theo dõi sát sao theo chỉ định của bác sĩ. Kèm với đó, chi phí thuốc men để hồi phục sức khỏe, giữ ổn định bệnh… Những loại thuốc này nằm ngoài danh mục BHYT chi trả và khá tốn kém. Đây chính là bài toán nan giải đối với các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Có dịp tìm hiểu, gặp gỡ, trò chuyện với những bệnh nhân là quân nhân đã và đang điều trị bệnh hiểm nghèo, chúng tôi càng khâm phục nghị lực của họ. Bởi họ đã vượt qua cú sốc tinh thần, chiến đấu với bệnh tật để trở lại cuộc sống bình thường. Và chúng tôi càng tâm đắc với chia sẻ của Trung tá QNCN Tô Thị Thúy Nga: Ốm đau là điều không ai mong muốn, song nếu không may mắc phải thì để chiến thắng bệnh tật, chiếc thẻ BHYT là hết sức quan trọng, cùng sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan chức năng, sự giúp đỡ, chia sẻ của đồng chí đồng đội, người thân và tinh thần, ý chí vươn lên chiến thắng bệnh tật của người bệnh.
Bài và ảnh: KIM ANH