Kết nối IoT là kết nối mạng internet cho các vật, máy móc (Things). Phần lớn các Things là các sensor để số hóa thế giới vật lý, đặc điểm của nhóm này là tính kết nối truyền tin ít, tốc độ thấp. Công nghệ NB-IoT (Narrowband IoT) có khả năng ngắt kết nối với thiết bị khi không hoạt động. Chính vì thế thời gian liên lạc của thiết bị đầu cuối được kéo dài tới từ 5 đến 10 năm mà không cần thay pin.

NB-IoT có vùng phủ sóng trong nhà mạnh, hỗ trợ một số lượng lớn kết nối, tiết kiệm chi phí, tiêu thụ ít điện năng và kiến ​​trúc mạng được tối ưu hóa. Điều này có thể là do khả năng kết nối hiệu quả các nhóm thiết bị lớn, đồng thời giảm thiểu mức tiêu thụ điện năng và tăng phạm vi phủ sóng ở các vị trí mà những công nghệ di động thông thường không thể chạm tới.

Việc đưa vào công nghệ mới sẽ giúp người dùng, khách hàng của Viettel tiết kiệm chi phí và tăng tốc độ kết nối.

Đây là kết quả sau 5 tháng đo kiểm, tối ưu và tiến hành thử nghiệm phát sóng trạm NB-IoT trên 100% ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và quận Hải Châu, TP Đà Nẵng của Viettel Solutions. Việc cung cấp dịch vụ NB-IoT vào kinh doanh, thương mại sẽ giúp cho các doanh nghiệp có thêm sự lựa chọn mới về công nghệ truyền tải dữ liệu một cách nhanh chóng, ổn định và tối ưu chi phí nhất. 

Theo ông Nguyễn Mạnh Hổ, Tổng giám đốc Viettel Solutions, việc triển khai kinh doanh dịch vụ NB-IoT đến các doanh nghiệp có thể sẽ được sử dụng trong các ứng dụng cần thiết cho cuộc sống của người dân như: Công tơ điện thông minh, công tơ nước thông minh, quan trắc chất lượng nước, quan trắc chất lượng không khí, cảm biến nhiệt độ, độ ẩm, giám sát vật nuôi, thiết bị đo lưu lượng nước…

Tổng giám đốc Viettel Solutions cũng cho rằng: “Viettel sẽ không ngừng ứng dụng những công nghệ mới vào mọi lĩnh vực để việc chuyển đổi số trở nên gần gũi, thân thuộc hơn với không chỉ cơ quan quản lý, doanh nghiệp mà với cả người dân”.

Tin, ảnh: VĂN PHONG