Tại buổi họp báo, Phó chánh Văn phòng Bộ TT&TT Hoàng Thị Phương Lựu cho biết một số nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong tháng 6 như sau: Trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 154/2013/NĐ-CP ngày 8-11-2013 của Chính phủ quy định về khu công nghệ thông tin tập trung.

Trình Chính phủ ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Tổ chức Hội nghị VNNIC Internet Conference 2023. Tiếp tục hoàn thiện Nghị định quy định danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia, việc xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia. Rà soát cập nhật khung Kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0, trong đó, cần làm rõ vị trí, vai trò của Đề án 06. Tổ chức Chiến dịch Tuyên truyền nâng cao nhận thức về an toàn thông tin mạng trên phạm vi toàn quốc. Hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

leftcenterrightdel
Quang cảnh buổi họp báo thường kỳ. 

Đặc biệt, tiếp tục triển khai kiểm tra toàn diện hoạt động của Tiktok tại Việt Nam. Phê duyệt Kế hoạch tổ chức Giải thưởng sách Quốc gia lần thứ Sáu.

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm: Qua kết quả sơ bộ của đoàn kiểm tra, Bộ đã phát hiện những sai phạm ban đầu của Tiktok – đó cũng là những sai phạm mà Bộ nhận định ban đầu về các vi phạm của nền tảng Tiktok tại Việt Nam.

Bên cạnh việc kiểm tra và phát hiện vi phạm, Bộ cũng vừa gặp gỡ, trao đổi với cộng đồng những người sáng tạo nội dung và những người có ảnh hưởng trên các nền tảng xã hội xuyên biên giới, trong đó có nền tảng Tiktok. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, cuộc gặp này có hai mặt, đó là phát hiện sai phạm và xử lý sai phạm, dù đó là sai phạm của nền tảng xuyên biên giới hay sai phạm của cá nhân, tổ chức; mặt khác là kêu gọi và cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật tới cộng đồng sáng tạo nội dung để làm lành mạnh trên các nền tảng mạng xã hội trong và ngoài nước. Đồng thời để các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới hiểu rằng, xu hướng lành mạnh, tuân thủ pháp luật là xu hướng lâu dài và giúp họ tồn tại, phát triển dịch vụ ở Việt Nam.

leftcenterrightdel
Bộ đã phát hiện những sai phạm ban đầu của Tiktok. 

Bộ TT&TT đã tổ chức 82 đoàn thanh tra trên cả nước về việc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất, dự kiến kết thúc trong tháng 6-2023. Mục tiêu của đợt thanh tra diện rộng lần này tập trung vào việc xử lý nghiêm tình trạng lợi dụng, sử dụng thông tin của người khác để đăng ký SIM thuê bao; tình trạng cố tình đăng ký nhiều SIM thuê bao để lưu thông ra thị trường nhưng không thực hiện chuyển quyền sử dụng.

Bộ TT&TT đã tổ chức đấu giá băng tần 2.300MHz gồm 3 khối băng tần A1 (2.300-2.330 MHz), A2 (2.330-2.360 MHz), A3 (2.360-2.390 MHz). Tuy nhiên đến hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá của từng khối A1, A2, A3, không có doanh nghiệp nào nộp hồ sơ và nộp tiền đặt trước đăng ký tham gia đấu giá. Vì vậy, các cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số đối với các khối băng tần A1, A2, A3 là đấu giá không thành công.

Về công tác đấu tranh với các nền tảng MXH xuyên biên giới, từ 15-4 đến 15-5, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 399 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức (tỷ lệ 91%). Google đã gỡ 1.901 video vi phạm trên Youtube (tỷ lệ 94%). TikTok đã chặn, gỡ bỏ 51 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực (tỷ lệ 98%).

Tại buổi họp báo, Bộ TT&TT đã trả lời các câu hỏi của phóng viên về lĩnh vực chuyển đổi số quốc gia; quản lý nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới; đấu giá băng tần 5G; thanh tra SIM viễn thông tại các tỉnh, thành phố...

VIỆT NGA