Tham dự sự kiện còn có Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; lãnh đạo Bộ Y tế; đại diện lãnh đạo Cục Tin học hóa, lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), BKAV, đại diện các bệnh viện vệ tinh và các doanh nghiệp tham dự qua các điểm cầu truyền hình...

Công cụ hỗ trợ ngành y tế khám, chữa bệnh từ xa

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ngành TT&TT và ngành Y tế đã chủ động cùng phối hợp thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân. “Có thể nói chưa bao giờ ứng dụng công nghệ mạnh mẽ như vậy”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng ghi nhận và đánh giá cao các lực lượng, trong đó có đội ngũ y, bác sĩ, các chuyên gia công nghệ, các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam đã tích cực tham gia trong chiến dịch phòng, chống dịch bệnh Covid-19. “Nhân đây tôi xin chào những chiến sĩ áo trắng dũng cảm, kiên cường, đi đầu trong phòng chống đại dịch của Covid-19 ở nước ta”, Thủ tướng nói. Từ nhiều năm nay, ngành y tế đã triển khai một số hoạt động khám bệnh từ xa, phẫu thuật từ xa, bệnh án điện tử. Tuy nhiên, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thực tiễn đòi hỏi các bệnh viện phải có thêm kênh khám bệnh từ xa nhiều hơn nữa, phổ cập hơn nữa, giúp tư vấn khám chữa bệnh (KCB), giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, thuận lợi, ít tốn kém và an toàn, nhất là không cần phải đến bệnh viện khi không cần thiết, giúp giảm tải cho bệnh viện, tránh lây bệnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ.

Thủ tướng cho rằng, Việt Nam cần có nền tảng công nghệ để giúp các cơ quan, tổ chức nhanh chóng đưa các hoạt động của mình lên môi trường số, từ đó phục vụ tốt hơn, kịp thời hơn nhu cầu của người dân.

Những gì mà chúng ta chứng kiến từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho thấy lợi ích rõ ràng của hoạt động KCB từ xa. Người bệnh vẫn được khám bệnh nhưng chỉ phải tới bệnh viện khi cần thiết; bệnh viện tuyến trên có thể hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới hết sức nhanh chóng và thuận lợi. Điều đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã rất chủ động, tích cực đồng hành với Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh và đã cho ra mắt hàng chục ứng dụng phục vụ người dân.

Thủ tướng nhấn mạnh việc ra mắt ứng dụng hôm nay hết sức có ý nghĩa, kịp thời cung cấp cho người dân thêm một công cụ để tự bảo vệ chính mình cũng là bảo vệ cộng đồng. Đây cũng là xu hướng chung mà nhiều nước, nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đang thực hiện trong phòng, chống dịch bệnh.

Nhân dịp này, Thủ tướng cho rằng việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, KCB trực tuyến từ xa thì hiệu quả nhân đôi, nhân ba. Đó là đáp ứng được yêu cầu chống dịch, bảo đảm công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính, giảm lượng giấy tờ.

Thủ tướng đề nghị Bộ TT&TT, Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên công nghệ số, ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở KCB.

Thủ tướng mong muốn Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tiếp tục quyết liệt triển khai hoạt động KCB từ xa, liên tục đánh giá, rút kinh nghiệm, trên cơ sở đó đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện trên toàn quốc triển khai hiệu quả hoạt động này.

Thủ tướng lưu ý điều quan trọng là phải có các bác sĩ y khoa chuyên môn cao, đồng thời các bác sĩ này cũng phải là kỹ sư tin học, “chứ đây không thể là câu chuyện thực tập bởi sai một ly, đi một dặm”, cho nên, phải chọn người giỏi, thông thạo chuyên môn. “Chúng ta hãy cùng coi đây là dấu mốc khởi đầu cho một câu chuyện lớn hơn nhiều, đó là chuyển đổi số trong ngành y tế, hướng tới quốc gia số”, Thủ tướng nói và chúc 14.000 cơ sở y tế tổ chức thành công nền tảng này tại bệnh viện, cơ sở của mình.

Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chung tay đẩy lùi dịch Covid-19

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hôm nay, chúng ta chứng kiến tiếp nền tảng tư vấn khám chữa bệnh từ xa cho hàng ngàn cơ sở y tế. Nền tảng này bảo đảm các hoạt động y tế từ xa, như tư vấn, hội chẩn khám chữa bệnh, hội chẩn chẩn đoán hình ảnh, hội chẩn giải phẫu bệnh, hội chẩn phẫu thuật từ xa. Đây cũng là nền tảng Việt Nam, do Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) phát triển và tích hợp. Nền tảng sẽ được triển khai miễn phí trong thời kỳ Covid-19, khi cả nước đang dồn hết sức phòng, chống dịch bệnh.

Theo dõi trực tuyến từ điểm cầu Đại học Y Hà Nội.

Thời gian qua, Bộ TT&TT đã chỉ đạo 4 nhóm Memozone ở TP Hồ Chí Minh, VNPT, MobiFone và BKAV độc lập phát triển, nhưng cùng chia sẻ những khó khăn, thách thức về kỹ thuật, thảo luận phương án giải quyết. Cuối cùng ứng dụng Bluezone của Công ty BKAV được đánh giá cao nhất và được lựa chọn. Đây là một bước tiến mới, có tính đột phá trong việc sử dụng công nghệ để phòng, chống dịch. Đột phá ở chỗ, chính quyền không thu thập thông tin của người dân, các thông tin chỉ được lưu trên máy điện thoại của cá nhân. Ứng dụng chỉ ra đúng những người tiếp xúc đủ gần và đủ lâu để có thể lây nhiễm, tránh việc một người bị nhiễm thì cả làng, cả khu bị cách ly. Phần mềm này sẽ mang tính toàn cầu, khi nó sẽ được để ở dạng nguồn mở để các quốc gia được chia sẻ, các công ty, các hãng công nghệ lớn như Apple và Google sẽ cùng chung tay phát triển, để người dân được giám sát phần mềm mà mình đang dùng có an toàn không.

"Bộ TT&TT và Bộ Y tế kêu gọi các doanh nghiệp khác cùng tham gia, không chỉ là các nền tảng mà còn đặc biệt là các ứng dụng, để đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số ngành y tế. Bộ TT&TT và Bộ Y tế sẽ phối hợp ban hành các chuẩn mở để các hệ thống nền tảng, các ứng dụng tuân thủ các tiêu chuẩn và kết nối được với nhau", Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn.

Bộ TT&TT và các bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục công bố các phần mềm phòng chống dịch Covid-19, cũng như các phần mềm chuyển đổi số cho các lĩnh vực, nhằm giúp Việt Nam thiết lập một trạng thái bình thường mới, góp phần đưa các hoạt động kinh tế-xã hội trở lại bình thường. Dịch Covid-19 tạo ra cơ hội “trăm năm” cho chuyển đổi số, cho các doanh nghiệp công nghệ số. Bộ TT&TT mong muốn cộng đồng các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tận dụng thời cơ, nhanh hơn, quyết liệt hơn, đột phá hơn và cùng chung tay, chung sức, đồng lòng và đồng hành cùng đất nước tạo ta các nền tảng và các ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng một Việt Nam số, đi đầu trong nhóm các nước xây dựng quốc gia số.

Nhiều tiện ích trên nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa

Nền tảng do Viettel chủ trì đáp ứng đầy đủ 6 lĩnh vực khám chữa bệnh từ xa theo quy định của Bộ Y tế ban hành gồm: Tư vấn y tế từ xa; hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa; hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh từ xa; hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa; đào tạo chuyển giao kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh từ xa.

Sự ra đời của nền tảng này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp các bệnh viện nhanh chóng thiết lập kênh hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh cho người dân, giảm chi phí đầu tư hệ thống ban đầu, bệnh viện không cần có sẵn đội ngũ chuyên gia CNTT tại chỗ để vận hành, duy trì. Nền tảng giúp triển khai đồng loạt Hệ thống khám chữa bệnh từ xa tại hàng ngàn bệnh viện và cơ sở y tế mà không cần phải phát triển từ đầu, vì vậy, hết sức có ý nghĩa trong việc thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực Y tế. 

Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa do Viettel xây dựng.

Các bệnh viện khi triển khai thêm kênh khám, chữa bệnh từ xa sẽ giúp giảm số lượng người trực tiếp đến bệnh viện, giảm bệnh nhân dồn về tuyến trên giúp xã hội và ngành y tế tiết kiệm hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm. Người dân ở bất kỳ đâu cũng được hưởng chất lượng khám chữa bệnh tốt nhất.

Tại sự kiện, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã thực hiện sử dụng nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa để kết nối với Bệnh viện đa khoa huyện Mường Khương, Lào Cai hội chẩn điện tâm đồ và siêu âm từ xa về các bệnh mãn tính cần đi khám; kết nối với Bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh hội chẩn CT từ xa đánh giá những trường hợp đột quỵ não để chỉ định điều trị gián tiếp và kết nối trực tiếp với bệnh nhân tại xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương để khám bệnh.

Trong giai đoạn tiếp theo, khi phổ cập công nghệ 5G tại Việt Nam với khả năng kết nối vạn vật và xử lý thời gian thực, nền tảng sẽ còn phát triển khả năng phẫu thuật từ xa. Bác sĩ ở bất kỳ đâu trên thế giới đều có thể trực tiếp tham gia vào quá trình điều trị cho bệnh nhân ở tại Việt Nam.

Với ứng dụng bảo vệ cộng đồng trước đại dịch Covid-19 có tên Bluezone, mỗi người dân có thể cài ứng dụng này trên điện thoại, nhằm bảo vệ mình và cộng đồng, góp phần ngăn chặn sự lây lan của virus. Điều này giúp kiểm soát chặt chẽ sự lây lan của virus. Cơ quan chức năng có thể phản ứng nhanh, chính xác và kịp thời với tình hình trong khi người dân yên tâm với cuộc sống sinh hoạt bình thường, loại bỏ tâm lý e ngại, hoang mang không cần thiết.

Nhân viên của Viettel hướng dẫn, hỗ trợ bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Bluezone là giải pháp ứng dụng công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp BLE (Bluetooth low energy). Các smartphone được cài đặt Bluezone có thể giao tiếp với nhau trong khoảng cách 2m, ghi nhận sự tiếp xúc gần, vào lúc nào và trong bao nhiêu lâu. Nếu có F0, cơ quan y tế có thẩm quyền nhập dữ liệu F0 vào hệ thống. Hệ thống sẽ gửi dữ liệu F0 đến tất cả các smartphone trong cộng đồng Bluezone. Khi đó, lịch sử tiếp xúc với F0 sẽ được Bluezone trên máy phân tích, so sánh. Nếu có sự trùng khớp, ứng dụng sẽ lập tức cảnh báo cho người dùng có nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Màn hình điện thoại cũng xuất hiện hướng dẫn liên hệ với cơ quan y tế có thẩm quyền để nhận trợ giúp. Bluezone cũng có thể giúp cảnh báo người thuộc nhóm F2 (tiếp xúc gần với F1)...

Cơ chế hoạt động của phần mềm Bluezone.

Trong khi đó, để phục vụ nhanh chóng, kịp thời cho nhu cầu khám chữa bệnh của bệnh viện và bệnh nhân trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trong thời gian qua, Tổng công ty VNPT IT, thành viên của Tập đoàn VNPT đã tiến hành giới thiệu và demo giải pháp cho Bệnh viện Đa khoa Hà Nam, Bệnh viện Bưu điện tại Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội. Theo đó, mô hình khám bệnh từ xa gồm ứng dụng dành cho bệnh nhân VnCare và dành cho bác sĩ. Khi bệnh nhân đăng ký khám trên App VnCare, bệnh nhân online sẽ được bộ phận tiếp đón online sắp xếp lịch, sang lọc thông tin và chuyển thông tin đến cho bác sĩ. Bác sĩ chỉ cần thực hiện những thao tác đơn giản để xem được thông tin của bệnh nhân và thực hiện thăm khám, kê đơn. Mô hình ứng dụng công nghệ eKYC do VNPT nghiên cứu và triển khai giúp việc xác thực tự động thông tin của bệnh nhân nhanh chóng, tính chính xác cao. Đồng thời, bác sĩ và bệnh nhân có thể tương tác và trao đổi thêm nhiều thông tin qua công cụ Video conference.

Theo ông Đỗ Trần Anh, Giám đốc trung tâm Giải pháp Y tế điện tử (VNPT IT), mô hình này đáp ứng được yêu cầu khám bệnh từ xa, kết nối giữa bệnh nhân và bác sĩ; kết nối bác sĩ tuyến trên với bác sĩ tuyến dưới. Hiện tại, giải pháp của VNPT IT đưa ra phục vụ được cho các sản phẩm của VNPT trong lĩnh vực y tế đồng thời cho phép kết nối với tất cả các giải pháp quản lý bệnh viện khác. Từ đó, tạo nên được một hệ thống cung cấp các giải pháp khám bệnh từ xa cho tất cả các bệnh viện cũng như mọi đối tượng người dân.

Giải pháp này đã kết nối tự động với hệ thống VNPT - His và cho phép kết nối với các sản phẩm His khác có trên thị trường. Ông Đỗ Trần Anh chia sẻ: “Chúng tôi đã cung cấp kết nối tự động cũng như bán tự động. Về phần tiếp đón có thể là thực hiện thủ công tại bệnh viện để bảo đảm là kết nối giữa thế hệ thống Đăng ký khám bệnh từ xa của VNPT với các cái phần mềm His của các đơn vị khác cung cấp”.

Cán bộ của VNPT giới thiệu các giải pháp công nghệ tại bệnh viện Bưu điện tại Hà Nội.

Nếu áp dụng mô hình khám bệnh từ xa này, đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp sẽ góp phần giúp bệnh viện giảm tải được lượng bệnh nhân đến thăm khám, tránh những rủi ro do dịch bệnh gây ra, đem đến sự chủ động, thuận tiện cho bệnh nhân. Đồng thời, là công cụ hỗ trợ các cơ sở y tế (CSYT) tuyến dưới.

Nhận định về lợi ích của giải pháp, bác sĩ Đỗ Trung Đông, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Nam cho rằng, nếu áp dụng thành công mô hình khám bệnh từ xa sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho người bệnh và bệnh viện. Với chủ trương khám bệnh miễn phí, tư vấn bằng hình ảnh trực quan, người bệnh không cần đến bệnh viện cũng có thể nắm bắt được thuốc men điều trị, đồng thời, bác sĩ có thể nắm được tình trạng của người bệnh mà không cần đến khám chữa bệnh tại bệnh viện, giảm tải cho bệnh viện.

Bài, ảnh: VĂN PHONG