Như vậy, Việt Nam đã tham gia vào nhóm các nước đầu tiên trên thế giới triển khai thương mại và thử nghiệm mạng 5G. Đây là tín hiệu tốt cho thấy Việt Nam có đột phá về hạ tầng viễn thông để vượt lên trong cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0.

Việt Nam đang nằm trong nhóm quốc gia dẫn đầu về 5G

Từ trước khi mạng 5G ra đời, Việt Nam cũng như các nước châu Á luôn đi sau về công nghệ VT-CNTT. Cụ thể, châu Âu đưa mạng di động 2G vào hoạt động từ năm 1991, nhưng đến 1993 thì mạng 2G mới xuất hiện tại Việt Nam. Lúc đó trên thế giới đã có hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ sử dụng mạng 2G. Tương tự, mạng 3G được triển khai trên thế giới năm 2001 thì tới năm 2010, Viettel mới triển khai trên toàn quốc, chậm so với thế giới 9 năm. Năm 2009, nhà mạng đầu tiên tại Na Uy triển khai mạng 4G thì đến năm 2017, Viettel mới triển khai được mạng 4G, chậm so với thế giới 8 năm. Nhưng tới mạng 5G, Việt Nam không còn cam chịu thân phận bị bỏ xa về công nghệ viễn thông di động nữa. Chúng ta đã nằm trong nhóm nước đầu tiên trên thế giới triển khai mạng 5G, chỉ sau Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia.

Các đại biểu bấm nút thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Đồng hành với Viettel trong triển khai thử nghiệm mạng 5G là Tập đoàn Ericsson (Thụy Điển)-nhà sản xuất thiết bị viễn thông với bề dày hơn 140 năm kinh nghiệm. Theo ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào: Với tốc độ triển khai mạng 5G như hiện nay thì Việt Nam đang song hành với thế giới. Vì cho đến nay thế giới vẫn đang xây dựng tiêu chuẩn mạng 5G, mới có vài nước triển khai. Công nghệ 5G do Viettel triển khai đồng hành với lộ trình chuẩn hóa của tổ chức 3GPP. Thậm chí, châu Âu đang bị tụt hậu, vẫn chưa biết bao giờ mới triển khai mạng 5G, vì còn tranh cãi về phổ tần và vấn đề an ninh. Xu thế tiên phong trong công nghệ viễn thông di động cũng đang chuyển dần từ châu Âu sang châu Á, do có sự năng động hơn.

Tại sao 5G lại là cuộc cách mạng truyền dẫn?  

Vậy mạng 5G có gì quan trọng? Mạng 5G quan trọng vì không chỉ đơn thuần là một mạng viễn thông di động, nghe gọi, internet, mà đây thực sự là cuộc cách mạng về truyền dẫn, là cơ sở cho một cuộc cách mạng của các ứng dụng, các công nghệ khác trong Cuộc cách mạng 4.0, như: Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, blockchain... Tốc độ lý tưởng của mạng 5G nhanh gấp 20 lần mạng 4G, nhanh đến mức thông qua truyền tải vẫn hiển thị ngay trong thời gian thực. Với việc ra đời mạng 5G thì các hoạt động giao thông thông minh, như xe ô tô tự lái đã có điều kiện để thực hiện. Nhờ mạng 5G, trong 1km2 có thể có 1 triệu thiết bị đầu cuối kết nối internet, trong đó có cả ô tô, tivi, tủ lạnh, máy giặt... và mọi thiết bị khác. 

Hoạt động thực hiện cuộc gọi đầu tiên bằng mạng 5G của Viettel nằm trong chương trình thử nghiệm kỹ thuật nhằm đánh giá mọi mặt về khả năng ứng dụng công nghệ trong thực tiễn tại Việt Nam. Tại sự kiện, tốc độ kết nối mạng di động 5G của Viettel với thiết bị đầu cuối đạt từ 1,5 đến 1,7 Gbps, tương đương với tốc độ của cáp quang thương mại. Như vậy, khi triển khai rộng khắp 5G thì Việt Nam có điều kiện hạ tầng rất tốt để thực hiện thông minh hóa trên toàn bộ lãnh thổ, kể cả vùng sâu, vùng xa với các ứng dụng công nghệ hết sức hiện đại.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao nỗ lực triển khai, làm chủ công nghệ của Viettel chỉ trong thời gian 3 tháng kể từ ngày nhận giấy phép thử nghiệm mạng 5G. “Thử nghiệm 5G năm 2019 và triển khai thương mại năm 2020 là một tuyên bố của ngành ICT Việt Nam về việc từ nay chúng ta sẽ không tiếp tục đi sau mà sẽ đi cùng nhịp với những nước đầu tiên trên thế giới. ICT là nền tảng thúc đẩy mọi lĩnh vực trong cuộc sống bởi vậy phải đi trước, phải được đầu tư trước. Một trong những ứng dụng giai đoạn đầu của 5G là nhà máy thông minh, là công nghệ cao ở đó rất nhiều công nghệ mới 5G đang được sử dụng. Viettel và các nhà mạng phải sớm thử nghiệm để năm 2020 phủ sóng toàn bộ các khu công nghệ cao, các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, các nhà máy sản xuất thông minh”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Sẵn sàng cho các ứng dụng CMCN 4.0

Do đồng hành cùng thế giới về triển khai 5G nên đội ngũ chuyên gia và kỹ sư của Viettel không tận dụng được các kinh nghiệm quốc tế để ứng phó với các tình huống triển khai. Những vấn đề phát sinh trong quá trình lắp đặt, tích hợp và tối ưu mạng 5G là mới mẻ với các kỹ sư Viettel, đồng thời cũng mới mẻ với các chuyên gia quốc tế.

 “Về mặt hạ tầng truyền dẫn, công nghệ kết nối IoT đã được Viettel triển khai. Viettel sẵn sàng các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp giải quyết các vấn đề xã hội. Viettel cũng xây dựng một đội ngũ an ninh mạng lớn nhất và tinh nhuệ nhất Việt Nam để bảo vệ sự an toàn của người dùng trên không gian mạng”, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel khẳng định.

Theo ông Denis Brunetti, Viettel và Ericsson đang xây dựng nền tảng đổi mới sáng tạo cho CMCN 4.0, hứa hẹn sẽ thúc đẩy số hóa tất cả các ngành, như sản xuất, vận tải, nông nghiệp, năng lượng, y tế và giáo dục, góp phần tạo nên làn sóng phát triển kinh tế-xã hội mới. 5G sẽ là cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng, tạo động lực và cho phép Việt Nam thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) về công nghệ cao.

Theo kế hoạch, Viettel sẽ tiếp tục mở rộng thử nghiệm mạng di động 5G tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Mục tiêu của quá trình thử nghiệm này chính là nguồn thông tin đầu vào giúp Bộ TT&TT đánh giá toàn diện công nghệ 5G dựa trên các tiêu chí: Vùng phủ sóng, công suất, tốc độ tối đa và khả năng tương thích giữa thiết bị 5G với cơ sở hạ tầng hiện tại. Từ đó, có cơ sở để Bộ TT&TT hoạch định chính sách, quy hoạch tần số, lập lộ trình triển khai tiến tới thương mại dịch vụ 5G tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào năm 2020, triển khai thương mại dịch vụ 5G trên toàn quốc vào năm 2021.

QUANG PHƯƠNG