Sử dụng công nghệ số được xem là giải pháp cần thiết bảo vệ người dùng khi các hình thức lừa đảo diễn ra ngày một tinh vi. Liên quan đến vấn đề này, Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Hưng, Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông).
 |
Ông Trần Quang Hưng. |
Phóng viên (PV): Ông cho biết tại sao số lượng người dùng trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến vẫn tăng cao trong thời gian vừa qua?
Ông Trần Quang Hưng: Hình thức lừa đảo trực tuyến đang ngày càng nở rộ, đặc biệt trong bối cảnh nhiều hoạt động từ môi trường thực được đưa lên môi trường ảo do tác động của dịch Covid-19. Các hình thức giả mạo dễ nhận thấy là mạo danh website của ngân hàng, cơ quan, doanh nghiệp uy tín, thậm chí giả mạo số điện thoại, fanpage (trang giao lưu tương tác giữa tổ chức, doanh nghiệp với khách hàng) của những cơ quan, tổ chức đó. Khi không gian mạng ngày càng rộng mở với lượng thông tin khổng lồ và đa dạng, việc lựa chọn đúng các sản phẩm, dịch vụ cũng như các tổ chức, nhà cung cấp uy tín, chính thống là một trong những thách thức lớn mà người dùng gặp phải. Người dùng thông thường khó có thể phân biệt được chính xác các thông tin trên. Trong tháng 5-2021, hệ thống kỹ thuật của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) ghi nhận 79.215 trang giả mạo lừa đảo người dùng, khoảng 3.150 người dùng liên hệ với NCSC khi gặp phải các vấn đề trong quá trình làm việc, mua sắm, tìm kiếm các thông tin trên internet.
PV: Trước thực trạng đáng lo ngại trên, chúng ta có giải pháp khắc phục gì không, thưa ông?
Ông Trần Quang Hưng: Trước tâm lý lo lắng của người dân, NCSC ra mắt hệ sinh thái Tín nhiệm mạng (https://tinnhiemmang.vn). Đây là tập hợp các dịch vụ cấp chứng nhận tin cậy về an toàn thông tin (ATTT) cho các đối tượng trên không gian mạng, gồm có: Tín nhiệm tổ chức, tín nhiệm web, tín nhiệm thiết bị, tín nhiệm hệ thống. Người dân có thể tra cứu những thông tin chính xác của một tổ chức, gồm: email, số điện thoại, địa chỉ, website đến fanpage... Điều này giúp người dùng chủ động xác nhận website họ truy cập hay số điện thoại đang liên hệ với họ là thật hay mạo danh, từ đó giảm thiểu, ngăn ngừa các cuộc tấn công lừa đảo. Chúng tôi mong muốn tạo dựng được niềm tin cho người dùng Việt Nam khi tham gia môi trường mạng.
Ví dụ, mới đây, các cuộc gọi giả mạo ngành điện lực xuất hiện trên cả nước, người dùng chỉ cần truy cập vào địa chỉ: https://tinnhiemmang.vn là có thể xác thực số điện thoại đang liên hệ với họ có phải là của các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam hay không.
 |
Người dùng truy cập vào địa chỉ: https://tinnhiemmang.vn |
PV: Như vậy, hệ sinh thái Tín nhiệm mạng sẽ phát huy hiệu quả hơn khi càng nhiều tổ chức, doanh nghiệp được xác thực thông tin và đăng tải lên địa chỉ: https://tinnhiemmang.vn. Quy trình để các tổ chức đăng ký trên hệ thống tín nhiệm mạng này như thế nào? Ngoài việc tra cứu thông tin, hệ sinh thái còn có chức năng nào khác hữu ích với người dùng không, thưa ông?
Ông Trần Quang Hưng: Quy trình để doanh nghiệp, tổ chức thực hiện đăng ký trên https://tinnhiemmang.vn rất nhanh và đơn giản. Sau khi đăng ký, NCSC sẽ xác thực những thông tin cung cấp có đúng sở hữu của các đơn vị đó không. NCSC chỉ cấp nhãn tín nhiệm khi website, hệ thống, thiết bị của cơ quan, tổ chức đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn về ATTT. Việc kiểm tra, đánh giá do NCSC, Hiệp hội ATTT cùng cộng đồng các doanh nghiệp an ninh mạng trong nước và tổ chức quốc tế thực hiện...
PV: Lừa đảo trực tuyến diễn ra rất phổ biến, bên cạnh hệ sinh thái tín nhiệm mạng, cơ quan chức năng có giải pháp nào khác để bảo vệ người dùng không, thưa ông?
Ông Trần Quang Hưng: Các phương thức, thủ đoạn lừa đảo diễn ra ngày càng nhiều và tinh vi, người dùng không thể nhớ hết được mọi thủ đoạn và cũng khó tự mình xác định được bản thân có đang rơi vào bẫy lừa đảo, nếu không có sự hỗ trợ từ công nghệ. Do đó, ngoài hệ sinh thái Tín nhiệm mạng, trong 2-3 tháng tới, NCSC sẽ ra mắt ứng dụng mới để người dùng internet Việt Nam có thể cài đặt trên điện thoại và máy tính, giúp họ tự bảo vệ mình và ngăn chặn được 80% rủi ro mất ATTT .
Mục tiêu của chúng tôi là cố gắng phát hiện và dự báo càng sớm càng tốt những dấu hiệu lừa đảo trước khi kẻ gian thực hiện hành vi làm hại người dân. Do đó, từ phía cơ quan chức năng, chúng tôi cũng thực hiện rà soát hằng giờ, hằng ngày trên không gian mạng nhằm phát hiện những website giả mạo, thực hiện xác định những domain (tên miền) nghi ngờ có khả năng thực hiện hành vi lừa đảo. Không ai an toàn trên không gian mạng, do vậy, NCSC hợp tác chặt chẽ với các cơ quan có chức năng liên quan của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các doanh nghiệp trong nước và tổ chức quốc tế nhằm chia sẻ thông tin, tổng hợp dữ liệu, tăng cường phát hiện nhanh nhất dấu hiệu, hành vi lừa đảo qua mạng, từ đó thúc đẩy sự hình thành một không gian mạng Việt Nam an toàn, lành mạnh.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Bài và ảnh: VŨ MY