Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN lần thứ 4) là một xu thế lớn đang diễn ra trên toàn thế giới với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ mà nòng cốt là công nghệ số làm thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đời sống văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh; tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đối với tất cả các quốc gia. Nước ta không thể đứng ngoài cuộc mà cần có chủ trương, chính sách để chủ động tham gia, phát huy có hiệu quả các cơ hội, đối phó với thách thức để phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn.
Cho đến nay đã có trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả các quốc gia đang phát triển ban hành các chiến lược, chương trình hành động liên quan đến cuộc CMCN lần thứ 4 với nhiều tên gọi khác nhau.
Đối với nước ta, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Bộ Chính trị Khóa XII đã chỉ đạo nắm bắt về cuộc CMCN lần thứ 4. Hàng loạt các công trình nghiên cứu, diễn đàn, hội thảo đã được tổ chức để làm rõ bản chất, phân tích và dự báo tác động của cuộc CMCN này tới các ngành, lĩnh vực và toàn bộ nền kinh tế. Nhiều kết quả nghiên cứu trong nước và quốc tế đã dự báo việc tham gia CMCN lần thứ 4 sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai.
 |
Quang cảnh Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2018.
|
Để ban hành các chủ trương, chính sách lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện việc tham gia CMCN 4.0 của nước ta, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành trung ương, các cơ quan liên quan xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Ngày 13 - 9 - 2019, Bộ Chính trị đã họp thông qua Đề án và thống nhất ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Nhằm đánh giá tình hình tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN lần thứ tư) của nước ta trong thời gian qua, đồng thời phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chủ động tham gia CMCN lần thứ tư trong thời gian tới, Ban Kinh tế Trung ương cùng một số bộ liên quan chủ trì chỉ đạo chuyên môn tổ chức "Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2019" vào ngày 2 và 3 tháng 10 năm 2019 tại Hà Nội.
Đây là sự kiện quốc tế được tổ chức với các mục đích chủ yếu: Công bố các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về tham gia cuộc CMCN 4.0; Tạo cơ hội cho trao đổi, tiếp nhận các ý kiến của chuyên gia trong nước và quốc tế về các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai có hiệu quả cuộc CMCN 4.0 tại Việt Nam; triển lãm, giới thiệu các thành tựu, giải pháp công nghệ của CMCN 4.0 cho các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của Việt Nam; kết nối kinh doanh và xúc tiến đầu tư trong các lĩnh vực của CMCN 4.0 giữa các nhà đầu tư quốc tế với cộng đồng doanh nghiệp và đại diện của 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam.
Sự kiện bao gồm các hoạt động: Phiên diễn đàn cấp cao do lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đồng chủ trì với quy mô khoảng 1.500 đại biểu trong nước và quốc tế; 5 hội thảo chuyên đề; 1 triển lãm công nghệ hiện đại với sự tham gia khoảng 100 doanh nghiệp hàng đầu trong nước và quốc tế; phiên kết nối đầu tư kinh doanh. Dự kiến sẽ có trên 4.000 đại biểu là lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương, các đại sứ quán, các hiệp hội và doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham dự các sự kiện trong khuôn khổ diễn đàn.
Theo BTC, phiên diễn đàn cấp cao tập trung giới thiệu về quá trình xây dựng và những nội dung cơ bản của Nghị quyết của Bộ Chính trị về "Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư" và các báo cáo chính xoay quanh các vấn đề về chiến lược quốc gia CMCN 4,0 của Việt Nam, về chuyển đổi số quốc gia hướng tới nền kinh tế số và xã hội số.
Chuỗi hội thảo chuyên đề tập trung vào 5 chủ đề chính bao gồm: Ngân hàng thông minh; thành phố thông minh; sản xuất thông minh, năng lượng thông minh và kinh tế số.
Song song với các phiên chuyên đề, triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 năm 2019 sẽ mở rộng với quy mô gấp đôi cùng gần 80 gian hàng đến từ các công ty trong nước và quốc tế. Triển lãm năm nay sẽ được phân chia thành các khu vực trưng bày các công nghệ nổi bật của 4 lĩnh vực chính: Tài chính - ngân hàng, sản xuất, năng lượng, thành phố thông minh, quy tụ sự tham gia của hơn 2.500 đại biểu cấp cao là các chuyên gia công nghệ, doanh nghiệp đến từ các nhóm ngành chính như năng lượng, chế tạo, giao thông vận tải, tài chính – ngân hàng…
Tin, ảnh: VĂN PHONG