Theo đó, trong lĩnh vực bưu chính, mặc dù giá nhiên liệu tăng khiến chi phí của các doanh nghiệp tăng từ 10-20%, chi phí cho nhiên liệu tăng 30-40% so với cùng kỳ, các doanh nghiệp chưa tăng giá bán dịch vụ, tuy nhiên hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp bưu chính (DNBC) cơ bản vẫn ổn định. Tổng doanh thu Quý I - 2022 ước đạt 9.900 tỷ, tăng trưởng nhẹ (khoảng 2%) so với cùng kỳ. Sản lượng bưu chính KT1 Quý I-2022 (tính đến 21-3-2022) đạt 253.442 bưu gửi, giảm khoảng 6% so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong lĩnh vực viễn thông, tỉ lệ thuê bao băng rộng cố định và băng rộng di động Quý I-2022 đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Số lượng thuê bao di động sử dụng dịch vụ Mobile Money trong Quý I-2022 tăng trưởng nhẹ, tháng sau cao hơn tháng trước. Viettel là doanh nghiệp viễn thông đi đầu trong phát triển thuê bao Mobile Money. Tỷ lệ người sử dụng smartphone trong tổng số người sử dụng di động đạt 88%. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đạt 69,43% vào tháng 3-2022, tăng nhẹ so với tháng 1-2022 (68,31%), tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hội nghị diễn ra trực tuyến tại các điểm cầu. Ảnh: Bộ TT&TT. 

Ngoài ra, Bộ đã và đang phối hợp với các doanh nghiệp tăng cường áp dụng các tiêu chí rà soát, xác định các SIM nghi ngờ kích hoạt sẵn, tiến hành rà quét, giám sát định kỳ để có cảnh báo, xử lý các sai phạm.

Đối với lĩnh vực ứng dụng CNTT, trong Quý I-2022, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 với tỷ lệ DVCTT đưa lên mức độ 4 là 97% (tính đến 20-3-2022). Tổng giao dịch thực hiện thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) trong Quý I-2022 đạt gần  134,6 triệu (tính đến ngày 23-3-2022), tăng 24 lần so với cùng kỳ năm 2021 (khoảng 5,57 triệu). Chỉ riêng tháng 3-2022 phát sinh gần 48 triệu giao dịch (tính đến ngày 23-3-2022); tức là trung bình hằng ngày có hơn 1,5 triệu giao dịch thực hiện thông qua NDXP. Việc tăng trưởng nhanh về lượng giao dịch trên NDXP chủ yếu bắt nguồn từ việc đồng bộ dữ liệu mũi tiêm từ hệ thống tiêm chủng Covid-19 vào CSDLQG về dân cư.

Chuyển đổi số đã thực sự được các Bộ tỉnh triển khai quyết liệt với 48 tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số, 54/63 tỉnh, thành phố xây dựng Kế hoạch ứng dụng CNTT 5 năm giai đoạn 2021-2025; 55/63 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số; 59/63 tỉnh/thành phố đã kiện toàn Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số. 63/63 địa phương hoàn thành kết nối thử nghiệm với CSDLQG về dân cư để khai thác dịch vụ xác thực thông tin công dân.

Trong lĩnh vực An toàn thông tin mạng, Quý I-2022, Cục An toàn Thông tin đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 3.678 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam (576 cuộc Phishing, 375 cuộc Deface, 2.727 cuộc Malware), tăng 2,94% so với tháng Quý IV-2021 (3.573 cuộc). Nguyên nhân gia tăng các cuộc tấn công mạng trong hai tháng đầu năm 2022 là vì đây là giai đoạn cuối năm âm lịch năm 2021, đồng thời là cao điểm của tình hình lây lan dịch trong nước của biến thể Covid-19 Omicron, các đối tượng tấn công mạng đã lợi dụng sự quan tâm của toàn xã hội đối với tình hình dịch bệnh Covid-19, tác dụng tiêm vắc xin liều tăng cường thứ 3, tiếp tục tăng cường tấn công mạng, phát tán, lây nhiễm mã độc, lừa đảo để chiếm đoạt, phá hoại thông tin của người dùng, cũng như của tổ chức.

Đối với lĩnh vực Công nghiệp ICT, doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này trong tháng 2 và tháng 3 đều tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tỷ lệ doanh thu của doanh nghiệp Việt Nam chiếm 17% trong tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT; tỷ lệ giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu lĩnh vực Công nghiệp ICT chiếm 27% tính đến tháng 3-2022. 

Bộ TT&TT cũng có những hoạt động cụ thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong nghiên cứu, sản xuất thiết bị 5G; hướng dẫn các tỉnh phát triển khu CNTT tập trung; hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp công nghệ số. 

HỒNG QUANG