Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), năm học 2021 - 2022 là năm học mà ngành giáo dục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động giáo dục. Đây là năm học quan trọng và cũng là năm đầu tiên ngành giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và là năm học thứ hai ngành giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với sự phối hợp hiệu quả của các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố; được sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân; đặc biệt là sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, sự cố gắng, nỗ lực của toàn thể các em học sinh, sinh viên, toàn ngành đã hoàn thành kế hoạch, đảm bảo các kết quả, chỉ tiêu đề ra, chất lượng và các yêu cầu của năm học 2021-2022 đã được thực hiện.
 |
Toàn cảnh hội nghị. |
Báo cáo tổng kết năm học 2021-2022, Bộ GDĐT cũng nhìn nhận, việc triển khai thực hiện năm học 2021-2022 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Thực tế triển khai việc dạy và học trong bối cảnh dịch Covid-19, các quy định, hướng dẫn của bộ còn mang tính ứng phó tạm thời, chưa thực sự chủ động. Nhiều địa phương thiếu trang thiết bị học trực tuyến. Tỷ lệ giáo viên/lớp bình quân chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định thực hiện Chương trình GDPT 2018. SGK lớp 1, lớp 2, lớp 6 biên soạn cho chương trình mới còn có ý kiến phản ánh về một số vấn đề liên quan như kênh hình, kênh chữ còn chưa phù hợp với vùng miền, một số từ ngữ mang tính địa phương, một số đoạn văn, bài thơ đưa vào SGK chưa hay… Năm học 2022-2023, ngành GDĐT xác định chủ đề là “Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo với 12 phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó có hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý; chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; tăng cường công tác chính trị đối với nhà giáo và học sinh, sinh viên; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp…
Tại hội nghị, đại diện các địa phương, các đại biểu đã có những ý kiến, thảo luận đánh giá về kết quả đã đạt được, nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong năm học 2021-2022, từ đó đề xuất giải pháp để ngành giáo dục hoàn thành nhiệm vụ trong năm học tới.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Việc tổng kết năm học được thực hiện thường xuyên với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo. Điều đó cho thấy sự quan tâm với giáo dục. Năm học vừa qua vẫn là năm học khó do đại dịch, chúng ta trân trọng kết quả của toàn ngành. Qua báo cáo giáo dục, chúng ta vẫn tiếp tục duy trì các thứ hạng quốc tế; tiếp tục đổi mới chương trình và sách giáo khoa… Các tham luận đã nói rõ, thẳng thắn hơn về những điều bất cập nhưng đó là điều bình thường. Chúng ta phải nhìn vào đó để làm tốt hơn. Ví dụ, tại sao chúng ta cứ loay hoay câu chuyện thi cử. Không chỉ thi THPT mà thi kiểm tra, học thêm, dạy thêm, sách tham khảo... Đơn giản vì chúng ta chưa trung thực trong giáo dục... Tôi nghĩ trong quá trình đổi mới, các ý kiến phát biểu nhìn thẳng vào những bất cập là rất đáng mừng”.
Phó thủ tướng đưa ra 10 yêu cầu đối với ngành giáo dục, trong đó: “Đột phá đầu tiên phải thực hiện là khâu quản lý. Từ đổi mới quản lý nhà nước, chúng ta đổi mới về quản trị. Chẳng hạn, tinh thần bảo đảm dân chủ trường học, không chỉ chính quyền mà cả cộng đồng tham gia. Khi nào tuyển giáo viên mà ý kiến của tập thể giáo viên cao hơn của lãnh đạo thì mới là dân chủ. Có như thế mới giải quyết được tình trạng thừa thiếu giáo viên…”.
Tin, ảnh: MINH THU