Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với TS Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục NLNT, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN).

Ông Hoàng Anh Tuấn.

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết những kết quả đã đạt được trong việc ứng dụng NLNT ở Việt Nam thời gian qua?

Ông Hoàng Anh Tuấn: Có thể nói, việc ứng dụng NLNT đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội, như: Y tế, nông nghiệp, công nghiệp, an ninh, môi trường… Cụ thể, trong lĩnh vực y tế, hiện cả nước có 35 cơ sở y học hạt nhân với hơn 45 thiết bị xạ hình, đạt tỷ lệ khoảng 0,5 máy/triệu dân. Một số kỹ thuật chụp hình chẩn đoán hiện đại tương đương với trình độ y học hạt nhân các nước trên thế giới, như: Xạ hình SPECT tưới máu cơ tim, xạ hình SPECT Tc99m gắn hồng cầu chẩn đoán u mao mạch gan…

Trong lĩnh vực công nghiệp, Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp (CANTI) đã nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thành công thiết bị chụp cắt lớp thế hệ 3 và thiết bị CT/SPECT có nhiều ứng dụng trong công nghiệp dầu khí, chế tạo thiết bị CT GORBIT và phần mềm dựng ảnh đã xuất khẩu sang 7 nước theo đặt hàng của Cơ quan NLNT Quốc tế (IAEA). Trong lĩnh vực nông nghiệp, tính đến năm 2017 đã tạo hơn 68 giống cây trồng nông nghiệp bằng phương pháp chiếu xạ gây đột biến, trong đó chủ yếu là giống lúa (48 giống lúa, 13 giống đậu tương, 2 giống ngô, 2 giống lạc…). Trong ngành hải quan, việc sử dụng bức xạ tia X có mức năng lượng lớn phát ra từ các máy gia tốc hỗ trợ hiệu quả công tác soi chiếu an ninh hải quan, cho phép kiểm tra chính xác hành lý, hàng hóa xuất nhập cảnh, tiết kiệm thời gian, chi phí kho bãi.

Khách hàng tham quan các thiết bị an toàn bức xạ của Công ty Cổ phần Pharmatopes Việt Nam. Ảnh: Quang Duy

PV: Việc ứng dụng NLNT ở nước ta đang gặp những khó khăn gì, thưa ông?

Ông Hoàng Anh Tuấn: Hiện nay, người dân và doanh nghiệp chưa hiểu hết được lợi ích của việc ứng dụng NLNT đem lại, vì vậy vẫn còn tâm lý e ngại tác động của phóng xạ đối với sức khỏe và môi trường. Số lượng doanh nghiệp ứng dụng NLNT vào sản xuất và kinh doanh hiện nay rất ít. Bên cạnh đó, trình độ nhân lực và công nghệ của chúng ta còn thiếu và yếu.

Đơn cử như việc ứng dụng công nghệ bức xạ (một trong những công nghệ được ứng dụng từ NLNT) ở nước ta đang gặp một số khó khăn. Đó là chi phí đầu tư ban đầu cho các công nghệ chiếu xạ (chiếu xạ khử trùng y tế, biến đổi polyme) còn cao, chưa thể cạnh tranh về chi phí với các công nghệ truyền thống. Cùng với đó, gia tăng chi phí đối với các cơ sở chiếu xạ sử dụng thiết bị chiếu xạ gramma do nguồn cung Cobalt-60 giảm và các chi phí phát sinh nhằm bảo đảm an toàn, an ninh nguồn phóng xạ trong quá trình vận chuyển, lắp đặt và sử dụng. Mặt khác, khó mở rộng thị trường cho chiếu xạ thực phẩm do mới có một số quốc gia chấp nhận thực phẩm chiếu xạ, trong khi người dân, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nông nghiệp chưa được tiếp cận đủ thông tin nên còn tâm lý e ngại; thiếu nhà khoa học trình độ cao để tiếp tục nghiên cứu và phát triển ứng dụng công nghệ mới.

PV: Chúng ta cần có những giải pháp gì để thúc đẩy ứng dụng NLNT, đồng thời bảo đảm được an toàn, an ninh, thưa ông?

Ông Hoàng Anh Tuấn: Để thúc đẩy ứng dụng NLNT cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển KH&CN trong ngành NLNT, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các ngành kinh tế-xã hội, bảo đảm chặt chẽ, an toàn, an ninh theo hướng dẫn của IAEA. Chẳng hạn, nghiên cứu xây dựng nghị định về ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; chuẩn bị các luận cứ khoa học và thực tiễn, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và dự báo phát triển để đề xuất dự thảo chiến lược ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình cho giai đoạn sau năm 2020.

Bên cạnh đó, cần huy động các nguồn lực, tập trung đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực NLNT; tăng cường vai trò tham gia của các viện nghiên cứu, các trường đại học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng NLNT. Đồng thời thúc đẩy hợp tác song phương với các nước, các tổ chức quốc tế, đặc biệt với IAEA trong lĩnh vực này. Hiện nay, Cục NLNT đang tập hợp số liệu để báo cáo Bộ KH&CN xây dựng đề án hỗ trợ doanh nghiệp và các tổ chức nâng cao hiệu quả, ứng dụng NLNT trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

LA DUY (thực hiện)