Được tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), sự kiện Smart City Summit 2020 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức, tiếp tục thể hiện sự đồng hành mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ trong thúc đẩy phát triển thành phố thông minh (TPTM) tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, Đề án phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 8-2018 đã đưa ra các quan điểm và nguyên tắc trong tổ chức triển khai xây dựng ĐTTM tại Việt Nam và xác định các nhiệm vụ trọng tâm theo từng giai đoạn để thực hiện.

Cùng với đó, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 6-2020 đã đặt ra mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.

leftcenterrightdel
Tập đoàn VNPT là doanh nghiệp đi đầu trong việc phát triển đô thị thông minh cho các tỉnh, thành phố/ Ảnh minh họa.

Thứ trưởng Bộ TT&TT cũng cho biết, khung tham chiếu công nghệ thông tin (Khung tham chiếu ICT) trong phát triển ĐTTM đã được Bộ TT&TT ban hành ngày 31-5-2019. Đây là cơ sở để các địa phương xây dựng kiến trúc công nghệ thông tin và triển khai hạ tầng công nghệ số phục vụ phát triển ĐTTM.

Bộ TT&TT cho rằng, hội nghị cấp cao TPTM 2020 là cơ hội lớn cho các cơ quan quản lý, các chuyên gia, học giả, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam và quốc tế để chia sẻ, đóng góp những kinh nghiệm trong việc xây dựng, phát triển ĐTTM. Bộ TT&TT cam kết đồng hành cùng với các địa phương, với cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số trong phát triển ĐTTM tại Việt Nam để đóng góp vào thành công chung trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) nhận định, TPTM là một xu thế không thể đảo ngược, giải pháp tối ưu giải quyết các vấn đề của đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh chóng. Mô hình TPTM giúp các đô thị tối ưu hóa nguồn lực, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, an ninh an toàn hơn, tiện ích hơn cho người dân và phát triển kinh tế-xã hội. Việc xây dựng TPTM không chỉ là của Chính phủ, chính quyền các cấp mà cần sự ủng hộ, đồng hành, vào cuộc mạnh mẽ của tất cả người dân và doanh nghiệp.

Tại hội nghị, các đại diện cơ quan quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ đã đưa ra những sáng kiến giải pháp công nghệ giúp thông minh hóa các đô thị của Việt Nam và khu vực nhằm tạo ra những không gian đáng sống cho người dân, những môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn cho các doanh nhân… Rất nhiều kinh nghiệm hữu ích đến từ các thành phố trong khu vực như Penang (Malaysia), Khonkaen (Thái Lan), các thành phố đang đi đầu trong xây dựng Smart City tại Việt Nam như: Đà Nẵng, Quảng Ninh, Huế… và những kinh nghiệm hợp tác triển khai các giải pháp từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu như: VNPT, Viettel, Amazon, FPT… cũng đã được chia sẻ.

Bên cạnh các văn bản pháp lý, thời gian qua, Việt Nam đã rất tích cực tham gia vào các mạng lưới TPTM trong khu vực và thế giới. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đang là quốc gia tích cực xây dựng TPTM với 3/26 thành phố thuộc mạng lưới TPTM ASEAN. Hiện nay, gần 40 địa phương tại Việt Nam đang triển khai xây dựng các mô hình TPTM.

Tại hội nghị, đại diện cơ quan quản lý cùng các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ đã đưa ra những sáng kiến giải pháp công nghệ giúp thông minh hóa các đô thị của Việt Nam và khu vực nhằm tạo ra những không gian đáng sống cho người dân, những môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn cho các doanh nhân…   

Tin, ảnh: VIỆT NGA