Tham dự hội thảo có các đồng chí: Thiếu tướng Vũ Ngọc Thiềm, Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ; Thiếu tướng Lê Xuân Trường, Phó trưởng ban Cơ yếu Chính phủ; TS Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông...
Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích tạo dựng và phát triển môi trường trao đổi học thuật, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng về mật mã, an toàn thông tin tại Việt Nam; kết nối và hình thành cộng đồng các cơ sở nghiên cứu, các trường đại học, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước về mật mã, an toàn thông tin; khẳng định tầm quan trọng của mật mã và an toàn thông tin trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình chuyển đổi số.
 |
Quang cảnh hội thảo. |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại tá, TS Nguyễn Hữu Hùng, Giám đốc Học viện Kỹ thuật Mật mã cho biết: Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Việt Nam đã đặt ra mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu; trong đó đã nhấn mạnh quan điểm “Bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời của chuyển đổi số. Mọi thiết bị, sản phẩm, phần mềm hệ thống thông tin, dự án đầu tư về công nghệ thông tin đều có cấu phần bắt buộc về an toàn, an ninh mạng ngay từ khi thiết kế”.
Trình bày báo cáo với chủ đề “An toàn thông tin cho chuyển đổi số", TS Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Để cụ thể hóa các định hướng của Đảng, chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo an toàn thông tin trong chuyển đổi số, các cơ quan, tổ chức cần quán triệt hai nguyên tắc là hệ thống chưa kết luận bảo đảm an toàn, an ninh mạng chưa đưa vào sử dụng và hệ thống thử nghiệm, có dữ liệu thật thì phải tuân thủ đầy đủ quy định như hệ thống chính thức.
 |
Đại tá, TS Nguyễn Hữu Hùng, Giám đốc Học viện Kỹ thuật Mật mã phát biểu tại hội thảo. |
Cũng theo TS Nguyễn Thành Phúc, các cơ quan, tổ chức phải triển khai đầy đủ bốn giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng, đó là: Phần mềm nội bộ do đơn vị chuyên nghiệp phát triển, tuân thủ phát triển theo quy trình khung phát triển phần mềm an toàn (DevSecOps); hệ thống thông tin triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn thông tin mạng theo cấp độ; hệ thống thông tin được kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin mạng trước khi đưa vào sử dụng, khi nâng cấp, thay đổi, định kỳ theo quy định; hệ thống thông tin được quản lý, vận hành theo mô hình 4 lớp theo Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 7-6-2019 của Thủ tướng Chính phủ.
 |
Ban tổ chức trao chứng nhận tài trợ tặng các đơn vị đồng hành. |
Hội thảo “Nghiên cứu ứng dụng Mật mã và An toàn thông tin năm 2022” tập trung vào các nhóm nội dung là: Mật mã hiện đại, an toàn thông tin trong chuyển đổi số; an toàn mạng, an toàn ứng dụng; ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối; bảo mật thông tin cho Chính phủ điện tử.
Kết quả của hội thảo là nguồn tư liệu để báo cáo Ban Cơ yếu Chính phủ tham mưu với Đảng, Nhà nước xây dựng chính sách bảo mật, an toàn thông tin trong thời gian tới; đồng thời phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học.
Tin, ảnh: VŨ HỒNG NGỌC