Do nguyên nhân ở vấn đề điện trở tiếp xúc với nước trên điểm dò nguồn nên theo phía Ban quản trị tuyến cáp, phương án xử lý là sửa chữa lỗi dò nguồn, hoặc có thể xem xét thêm giải pháp cấu hình lại nguồn, tuy nhiên chưa xác định thời gian khắc phục cụ thể.
Trước đó, ngày 4-9, tuyến cáp AAE-1 cũng gặp sự cố trên nhánh S1H làm ảnh hưởng đến lưu lượng Internet từ Việt Nam đi Singapore. Tuyến cáp biển AAE-1 gặp sự cố trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu truy cập Internet để học tập, làm việc, họp hành, giải trí,… có xu hướng tăng cao. Để đảm bảo dịch vụ cho khách hàng, Viettel đã kịp thời bổ sung, tăng cường thêm khoảng 1,6 TB dung lượng băng thông quốc tế. Lưu lượng kết nối hiện nay được Viettel định tuyến chuyển sang các hướng khác đang hoạt động bình thường như cáp quốc tế trên đất liền, cáp biển IA, AAG, APG.
 |
Ảnh minh họa/Nguồn: baotintuc.vn. |
Quá trình phân bổ, điều chuyển lưu lượng quốc tế giữa các tuyến cáp được hệ thống của Viettel thực hiện tự động để kịp thời duy trì chất lượng dịch vụ cho khách hàng Viettel và cả các doanh nghiệp, nhà mạng khác đang thuê kênh kết nối quốc tế trên tuyến cáp biển AAE-1. Tuy nhiên, sự cố đồng thời trên 2 hướng cũng có thể khó tránh khỏi hiện tượng chập chờn vào khung giờ cao điểm (từ 19 giờ đến 22 giờ). Các sự cố trên cáp quang biển quốc tế không ảnh hưởng tới chất lượng các trang Internet, ứng dụng trong nước sử dụng các nền tảng phần mềm do Viettel phát triển và hệ thống máy chủ (server) đặt tại Việt Nam do các ứng dụng này chạy trên mạng cáp quang trong nước (không phụ thuộc vào các đường cáp quang biển quốc tế).
Thông tin về tình hình mạng lưới của VNPT, sự cố này đã gây gián đoạn quá trình kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế. Bên cạnh đó, vào những ngày đầu tiên của năm học mới, lưu lượng sử dụng các hệ thống truyền hình trực tuyến như Microsoft Team, Google Meet, Zoom ... đã tăng lên gấp 4 lần so với các ngày trước đó. Vì vậy, để đảm bảo dịch vụ cho khách hàng, ngay trong ngày 6-9, VNPT đã kịp thời bổ sung, tăng cường thêm dung lượng băng thông quốc tế, ưu tiên xử lý định tuyến lưu lượng để mạng lưới lưu thoát, ổn định đảm bảo phục vụ cho việc học và làm việc trực tuyến (online).
Trước đó, để đảm bảo năng lực mạng lưới đáp ứng nhu cầu học và làm việc online trong tình hình giãn cách xã hội, VNPT đã tăng cường kết nối để đảm bảo lưu thoát lưu lượng với các nhà cung cấp hệ thống truyền hình trực tuyến (Microsoft Team, Google Meet, Zoom...). Song song với đó, VNPT đang tiến hành đấu nối ứng cứu khẩn đến các hướng nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trực tuyến và tiếp tục lên kế hoạch đấu nối tăng cường mở rộng cáp biển từ nay đến cuối năm 2021 để đảm bảo phục vụ nhu cầu học và làm việc online của khách hàng trong thời gian này.
Đây không phải lần đầu tiên cáp AAE-1 gặp sự cố, đợt cuối tháng 5-2021 tuyến cáp này gặp sự cố và phải đến ngày 12-7 mới được sửa xong. Tuy nhiên chỉ hai tháng sau, tuyến cáp này tiếp tục gặp sự cố chưa rõ nguyên nhân.
Là tuyến cáp biển được đưa vào khai thác tháng 7-2017, AAE-1 có vai trò nâng cao chất lượng kết nối hướng châu Âu, Trung Đông cũng như cung cấp bổ sung thêm dung lượng và dự phòng tới hướng kết nối đi Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore.
VĂN PHONG